(HNM) -
Khu chợ công nhân vẫn giản đơn với những nhu yếu phẩm cơ bản. |
Được thưởng vẫn buồn
Tết Tân Mão vừa qua, tiền lương và thu nhập của CNVCLĐ mặc dù đã được tăng theo lộ trình của Chính phủ (tăng bình quân 12,3%), nhưng nhìn chung chỉ đáp ứng được nhu cầu đời sống tối thiểu của NLĐ. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, mức thưởng Tết Tân Mão tại một số doanh nghiệp có cao hơn năm Canh Dần. Tại KCN Bắc Thăng Long có doanh nghiệp thưởng Tết cho công nhân với mức tính theo hệ số từ 1,5 đến 2,5 nhân với mức lương cơ bản... tuy nhiên những doanh nghiệp như thế không nhiều.
Lê Thị Hà 22 tuổi, quê ở Thành Thọ, Thạch Thành, Thanh Hóa tâm sự, vào làm ở Công ty Hoya tại KCN Bắc Thăng Long được hai năm, với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng (được cho là khá cao so với mặt bằng chung của công nhân ở đây), nhưng Hà vẫn phải tằn tiện mới đủ chi phí tiền nhà, điện, nước, nhất là khi các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm liên tục tăng giá, như Hà nói là phải "bóp mồm bóp miệng, ăn uống rất dè sẻn mới mong có thể để ra được vài trăm nghìn đồng gửi về quê".
Theo đánh giá của LĐLĐTP, một bộ phận CNVCLĐ băn khoăn về đời sống gặp khó khăn do thu nhập thấp (mức thu nhập bình quân của CNLĐ các DN là 1,9 triệu đồng/người/tháng) mức cao nhất 8 triệu đồng và mức thấp nhất 730 ngàn đồng), trong khi tốc độ tăng giá bình quân năm 2010 là 0,95%/tháng… Trong khi đó, tỷ lệ người lao động được đóng BHXH trong các doanh nghiệp còn thấp, mới đạt 68%. |
Được tăng lương luôn là niềm mong mỏi của những người lao động như Hà. Nhưng có một nghịch lý là, càng mong càng thất vọng. Bởi trên thực tế, đã nhiều năm qua, khi Chính phủ có quy định điều chỉnh lương tối thiểu vào dịp cuối năm và thực hiện vào đầu năm mới, nhưng trên thực tế trong khi công nhân "dài cổ" đợi được nhận thêm đồng lương mới thì có doanh nghiệp cố tình kéo dài thời gian, thường phải hết tháng 1 sang đến cuối tháng 2, hoặc đầu tháng 3 (dương lịch) tức là qua Tết Nguyên đán, mới áp dụng mức lương mới cho công nhân. Điều này có nhiều lý do, song có lẽ lý do chính là doanh nghiệp coi đó là giải pháp "giữ chân" công nhân, muốn công nhân quay lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết.
Thực tế cho thấy, sự gắn kết giữa doanh nghiệp với công nhân còn quá lỏng lẻo. Tại nhiều doanh nghiệp, công nhân chưa tha thiết làm việc và không có được tâm lý ổn định, họ luôn chuẩn bị tâm thế "nhẩy việc" để tìm kiếm mức thu nhập cao hơn. Trong khi lương chưa tăng, nhưng theo quy luật thị trường, giá cả tăng "kéo" theo các chi phí khác tăng theo, khiến đời sống công nhân đã khó khăn, lại chồng chất khó khăn. Công nhân Nguyễn Trọng Hùng, quê Lạng Sơn cho biết, vào làm ở Công ty Nisei được 7 tháng, mức lương 1,7 triệu đồng/tháng. Vì phải chi quá nhiều khoản như ăn uống, điện, nước và tiền nhà, Hùng chẳng dám nghĩ đến chuyện "tìm hiểu" ai vì không có... tiền. Ra Tết, tiền nhà "đội" lên trung bình thêm 100 nghìn đồng/người, cộng thêm giá cả các mặt hàng tăng nên số tiền kiếm được phải tính toán đến "nát óc" mới đủ chi tiêu cá nhân. Trở lại công ty sau đợt nghỉ Tết, như nhiều bạn bè khác, Hùng vẫn đang thấp thỏm đợi khoản tiền thưởng tháng lương thứ 13 như công ty đã hứa, để trang trải những khoản nợ còn đọng lại từ năm cũ.
Xa dần ước mơ lên thành phố
Trường hợp của cô công nhân Nguyễn Thị Hường (trú tại Kim Chung, Đông Anh) có lẽ khá đặc biệt. Vóc người nhỏ cùng khuôn mặt như học sinh THPT, lại đang sống cùng em họ (ở cùng quê Thái Nguyên) trong một phòng trọ nên không ai bảo Hường đã có gia đình. Quê chồng của Hường ở tận Quảng Bình và đến ngày 29 cận Tết, Hường mới lặn lội được về quê. Gặp và quen nhau khi cùng là công nhân một nhà máy đóng trên địa bàn huyện Đông Anh rồi bén duyên nhau, nên vợ nên chồng vậy mà suốt nhiều năm qua chồng Hường chưa một lần về được quê vợ chào bà con cho trọn vẹn hiếu đễ. Từ lúc hai vợ chồng lại làm hai nơi khác nhau nên có khi đến cả năm trời vẫn chẳng được nhìn mặt nhau. Trước Tết ông Công, ông Táo dăm ngày, Hường tận dụng mấy ngày cùng các bạn nghỉ đình công (để phản đối việc trả lương thưởng Tết muộn của doanh nghiệp) để về Thái Nguyên thăm bố mẹ đẻ. Vay mượn mãi bạn bè cùng cảnh ở trọ mới được hơn trăm nghìn, quà Tết mang về quê mẹ của Hường vỏn vẹn vài cân hạt hướng dương và gói bánh đóng gói nilon sẵn vẫn mua bán theo cân ngoài chợ Bầu… Ra Tết rồi, số tiền nợ đó Hường phải tính toán rất chi li để trang trải cho xong. Và Hường còn nỗi lo lớn bởi xung quanh cô có rất nhiều đồng nghiệp cùng cảnh ngộ như cô đã chia tay đời công nhân ngắn ngủi để ở lại quê nhà cuộc sống ruộng vườn.
Anh Vãng một chủ trọ có hơn 70 phòng cho thuê (ở thôn Bầu, Kim Chung) tâm sự, riêng trong dãy nhà trọ anh cho thuê có rất nhiều trường hợp như của Hường. Điển hình như có cặp vợ chồng công nhân, chồng người Lạng Sơn, vợ quê Phú Thọ lấy nhau dăm năm rồi mà anh chồng cũng chưa một lần về lại thăm bà con bên ngoại. Con cái họ cứ sinh sôi và vứt đấy nhờ các bạn đồng nghiệp thay nhau trông hộ. Người vợ chờ đến lúc lĩnh chế độ thai sản xong nếu còn cảm thấy gắn bó và yêu nghề thì ở lại sống trong "khách sạn" công nhân… Còn không, như bao hoàn cảnh khác, lĩnh xong những đồng tiền phụ cấp thai sản, họ lại quay về quê, giã từ ước mơ lên thành phố làm công nhân.
Có một câu chuyện tưởng như mơ nhưng lại có thật tại Khu công nghiệp Thụy Vân (TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Tại đây, công nhân được ở "khách sạn" siêu rẻ và một năm qua chưa phải trả một "cắc" nào cho chủ đầu tư. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên 90% số công nhân thuê nhà tại đây xuất thân từ các vùng nông thôn, cuộc sống thiếu thốn đủ bề, nhưng nhiều người nhờ được thuê nhà siêu rẻ đã tích cóp đồng lương ít ỏi của mình để sắm sửa được tivi, tủ lạnh, xe máy; thậm chí có những công nhân còn đón con và cả ông bà đến sinh sống ngay tại nơi mình đang ở trọ. Không biết đến bao giờ Hà Nội mới có những "khách sạn" như thế dành cho công nhân?
Ông Phan Kế Lợi - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Giày Thái Bình cho biết: "Số CN công ty về không nhiều như những năm trước đây. Tuy nhiên, giống như mọi năm, ước số lượng CN về quê ăn tết xong không trở lại làm việc hao hụt khoảng 15%". Ông Hà Duy Hưng - Tổng Giám đốc Công ty CP Đông Hưng cũng cho biết: Số lượng CN về quê ăn tết và trở lại làm việc sau tết, tại Công ty Đông Hưng, đạt trên 80%. Tỷ lệ hao hụt, bỏ việc sau tết vào khoảng 15-20%. Điều này gây khó khăn cho sản xuất, công ty buộc phải tuyển dụng thêm và đào tạo lại, bù vào số CN nghỉ việc. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.