Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Độc quyền hay vô cảm?

Linh Nhi - Trọng Hiếu| 09/08/2011 06:29

(HNM) - Về Kim Chung, Đông Anh dễ dàng nhận thấy bức xúc của người dân ở đây với lối hành xử của Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Đông Anh (đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp nước sạch cho khu vực trên). Dường như đối tượng phục vụ là người công nhân khu chế xuất đang bị đối xử bất công.

Chi phí sử dụng nước sạch quá đắt

Biết nhà báo về tìm hiểu vụ việc, mặc dù đã 5h chiều nhưng phòng làm việc của Chủ tịch xã Kim Chung Phan Văn Biên vẫn ngỏ cửa chờ. Câu chuyện về nước sạch chẳng làm dịu được cái nóng hầm hập. "Từ việc ngành điện tính định mức theo phòng trọ hoặc theo đầu người (cứ 4-5 người một công tơ) xã cũng đã nhiều lần đề nghị ngành nước xem xét tính cho người công nhân theo đơn giá phục vụ chứ không phải tính giá dịch vụ như hiện nay mà vẫn chưa thấy động tĩnh gì" - ông Phan Văn Biên cho biết.

Giặt quần áo bằng nước giếng khoan.

Là chủ tịch xã nhưng cũng có hơn chục phòng cho công nhân KCN Bắc Thăng Long - Nội Bài thuê ở trọ, ông Phan Văn Biên cũng phải đứng tên mẹ đẻ mình để được lắp thêm một công tơ nước sạch tính theo giá dịch vụ để phục vụ công nhân. Có nước sạch về phòng trọ nhưng với mức thu nhập còn khiêm tốn, người công nhân chỉ dám dùng để nấu ăn, còn tất cả nhu cầu sinh hoạt hằng ngày từ tắm giặt, đến vệ sinh cá nhân đều sử dụng nước giếng khoan cho tiết kiệm.

Hay như nhà bác Sang ở đội 7, thôn Tây Bàu đã ba lần nộp đơn xin lắp đồng hồ nước và đưa đường ống nước sạch vào nhà mới được xét cấp. Tuy nhiên theo bác Sang, từ khi họ (chỉ các công nhân Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Đông Anh) tới lắp đặt đồng hồ nước đến nay đã vài tháng vẫn trong giai đoạn chạy "rốt-đa". Không phải vì nhà bác Sang và 6 căn phòng cho công nhân thuê với khoảng 14-15 con người không có nhu cầu dùng nước sạch. Mà vì phí để sử dụng nhu cầu tối thiểu này tính ra quá đắt. Còn nếu so với mức thu nhập của công nhân thì nhu cầu dùng nước sạch để bảo đảm quyền được tắm rửa, quyền được vệ sinh hằng ngày đang được coi là xa xỉ.

Dù đã được chủ nhà tốt bụng gợi ý cứ "thoải mái" dùng nước sạch để tắm, gia chủ sẽ "bù lỗ", nhưng từng đấy người ở trọ đều không dám sử dụng, bởi nếu tính theo phí dịch vụ đang được Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Đông Anh áp dụng, hơn chục công nhân thuê trọ nhà bác Sang sẽ trả phí tới cả tiền triệu. Cho chúng tôi xem hóa đơn tiền điện, tiền nước tháng 6-2011 lên tới con số bạc triệu, bác Sang cho biết: "Đấy là gia đình đã phải bù lỗ cho công nhân tới cả bảy, tám trăm nghìn đồng một tháng rồi đấy! Tháng tới, nếu anh em công nhân "xài sang" tất cả hoạt động nấu cơm, rửa bát, tắm rửa, giặt giũ... đều dùng nước sạch thì số tiền bù lỗ cũng phải lên tới thêm một con số không nữa".

Văn bản gây bức xúc

Thực trạng nhà bác Sang cũng là của hàng nghìn hộ dân đang làm dịch vụ cho công nhân thuê phòng trọ tại xã Kim Chung và các xã lân cận như Hải Bối, Uy Nỗ... thuộc huyện Đông Anh. Chủ tịch Phan Văn Biên bức xúc: "Trong nhiều cuộc họp của xã và các cuộc tiếp xúc cử tri, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị về việc phải bảo đảm công bằng cho người lao động đang tạm trú trên địa bàn. Xã đã kiến nghị Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Đông Anh tạo điều kiện để người lao động cứ 4-5 người được tách ra thành một công tơ nước thu tiền không theo giá dịch vụ, như ngành điện đã làm theo chỉ đạo của thành phố. Nhưng kiến nghị xong rồi mọi việc lại vẫn đâu vào đấy".

Đường ống cấp nước sạch hiện diện khắp nơi ở Kim Chung nhưng với nhiều người lao động nước sạch vẫn là thứ “xa xỉ”.

Để trả lời cho bức xúc của người dân xã Kim Chung và của hơn 3 vạn công nhân, Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Đông Anh đã có văn bản số 105/CV-XNĐA "thẳng thừng" từ chối. Văn bản này nêu rõ: Chủ hợp đồng sử dụng nước không ăn ở tại địa chỉ được cấp nước, được xác định thuộc đối tượng kinh doanh dịch vụ: áp dụng 100% giá kinh doanh dịch vụ. Riêng đối tượng phục vụ là công nhân lao động, văn bản số 105/CV-XNĐA do ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Đông Anh ký đã xếp họ vào diện "đặc biệt". Trên tinh thần của công văn trên: cái "đặc biệt" ở đây được hiểu là nếu người công nhân lao động và sinh viên muốn được lắp đặt đồng hồ nước sẽ phải thực hiện hàng loạt thủ tục đòi hỏi phải xác nhận, đóng dấu từ công an xã, chính quyền địa phương nơi ở và nơi tạm trú, dấu đỏ của cơ quan đang sử dụng lao động... Đấy là chưa kể một điều khoản gây bức xúc mà bất kể người dân nào của Kim Chung và công nhân lao động khi đọc xong đều không muốn hợp tác. Chúng tôi xin trích nguyên văn điều khoản này: Trường hợp chủ hợp đồng sử dụng nước (chỉ người lao động tạm trú theo diện "đặc biệt") không thực hiện kê khai giảm số người sử dụng nước mà đơn vị cấp nước trong quá trình quản lý, kiểm tra đối chiếu phát hiện số người thực tế không đúng với danh sách kê khai gây thất thu tiền nước, đơn vị cấp nước sẽ truy thu tiền nước, hoặc tạm ngừng dịch vụ cấp nước nếu khác (văn bản viết sai chính tả - đáng nhẽ phải là khách) hàng không chấp hành. Điều khoản trên của văn bản số 105/CV-XNĐA đã không thể hiện "thiện chí" của ngành nước thực tâm muốn vào cuộc chia sẻ nỗi khó khăn với người lao động.

Ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội khẳng định: Chúng tôi cũng đã nhận được thông tin từ chính quyền, công đoàn cơ sở, công nhân về thực trạng công nhân thuê trọ ở xã Kim Chung và các xã lân cận đang phải dùng nước sạch với giá 12.000 đồng/m3. Qua việc nắm tình hình đời sống công nhân tại các khu trọ gần đây, cũng đã được nghe công nhân phản ánh thực trạng này. Ông Toản cho biết, Công đoàn KCN&CX đã có kế hoạch phối hợp với chính quyền, đoàn thể ở địa phương, làm việc với Công ty Kinh doanh nước sạch, để cùng tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho công nhân.

Mức phí sử dụng nước sạch từ 50-60.000 đồng/tháng là con số rất bình thường nếu so sánh với mức thu nhập của thành phố. Thế nhưng, hiện tại người lao động ở Kim Chung và các KCN phụ cận khác đang bị thu phí theo kiểu dịch vụ chứ không phải phí sinh hoạt thông thường. Trung bình ở Kim Chung, có ba, bốn lao động đều tự sắp xếp ăn ở với nhau trong một căn phòng trọ. Theo mức phí thu như hiện tại (không biết do ngành cấp nước hay chủ nhà trọ đề ra), chỉ cần tính theo căn phòng trọ số tiền nước cũng lên tới con số từ hơn 100 nghìn đồng đến gần 300 nghìn đồng. Con số này so sánh với mức phí thu trung bình của một gia đình thành phố có nhiều điều rất đáng phải suy nghĩ. Khi chúng tôi làm cuộc điều tra xã hội học tại một số quận trung tâm nội thành Hà Nội, nhiều người dân đã tỏ ra từ ngạc nhiên đến bức xúc

về câu chuyện trên. Chị Phạm Thanh Hương ở phố Cầu Đất, quận Hoàn Kiếm cho biết: Cả gia đình tôi gồm hai ông bà, hai vợ chồng, hai đứa con cùng người giúp việc một tháng cũng chỉ mất 90.000 đồng tiền nước. Còn anh Vương Hoàng Lân ở 14 Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng cũng vui vẻ chìa hóa đơn tiền nước trong 3 tháng 5, 6, 7 năm 2011 cho nhóm PV tận mắt xem. Theo đó số tiền nước thu hàng tháng của gia đình anh cũng chỉ trên dưới 100.000 đồng/tháng phục vụ cho tất cả nhu cầu sinh hoạt của gần 10 con người và nhu cầu bán hàng quán ăn uống của gia đình anh. Khảo sát ở khu vực xa trung tâm như bên quận Long Biên, mức phí sử dụng nước sạch của một gia đình có khi cũng chỉ bằng số tiền một người công nhân lao động ở KCN Kim Chung đang phải trả mỗi tháng. Bác Yên ở phố Phú Viên sau khi biết chuyện cho biết: "Không thể có chuyện vô lý thế được. Hằng tháng gia đình tôi dùng cả máy giặt, dùng cả bình nóng lạnh và sử dụng nước sinh hoạt hằng ngày cũng chỉ mất trên 80.000 đồng. Cứ công bằng theo đồng hồ mà tính, còn chưa khi nào tôi được nghe về kiểu thu phí tính theo đầu người vô lý như vậy".

Chẳng nhẽ việc công nhân lao động thuê trọ ở xã Kim Chung được đối xử công bằng trong sử dụng nước sinh hoạt như những công dân thành phố khác lại khó khăn đến thế sao? Câu trả lời xin nhường cho đơn vị cấp nước Đông Anh.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Độc quyền hay vô cảm?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.