Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: "Đặc lộ truyền kỳ"

Huy Thịnh| 08/03/2012 07:01

(HNM) - Đường tuần tra biên giới, con đường dường như có quy mô nhỏ nhắn, xinh xắn ấy giờ đây thực sự đã hình thành. Như thiết kế, mặt đường bê tông 3,5 mét nghe có vẻ chỉ đủ cho xe cơ giới loại nhỏ lưu thông và phục vụ công việc tuần tra của các đơn vị biên phòng, nhưng lại có một độ dài khó tưởng tượng: 14.500 cây số theo chiều dài biên giới trên bộ của đất nước.

Quan trọng hơn là nó buộc phải đi qua rừng rậm, núi cao, sông rộng suối sâu mà nơi gần nhất là sát cột mốc biên giới, nơi xa nhất cũng chỉ cách đường biên không quá 1.000 mét. Con đường ấy, thậm chí người có trí tưởng tượng phong phú nhất cũng khó có thể hình dung sát với thực tế. Thế mà sau 5 năm, đường tuần tra biên giới đã có chiều dài gần 2.000 kilômét và quan trọng hơn là nó đi qua những đoạn khó khăn nhất, kể cả đỉnh dãy Trường Sơn. Con đường mang "dấu chân người lính", trí tuệ, mồ hôi và cả máu của nhiều chiến sỹ, sỹ quan và tướng lĩnh bộ đội chúng ta trong thời bình.

Các chiến sĩ công binh thi công đường biên giới.


Lịch sử một con đường

Đường tuần tra biên giới hôm nay bắt đầu từ biên giới phía Bắc, đoạn Móng Cái, khi Đại tướng Phạm Văn Trà lúc ấy là Tư lệnh Quân khu, cho xây dựng nhằm phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ biên giới. Con đường ấy sau này được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quyết định cho xây dựng, vừa góp phần bảo vệ hòa bình, tăng cường tình hữu nghị với các nước láng giềng, vừa tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương biên giới xa xôi. Vì thế, từ tháng 3-2007, Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt xây dựng đường tuần tra biên giới và giao Bộ Quốc phòng thực hiện. Dự án 47 (đường tuần tra biên giới) được thành lập, Thiếu tướng Hoàng Kiền, Tư lệnh Công binh được Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng trực tiếp giao làm Giám đốc dự án. Con đường được khởi công xây dựng bởi 80 đơn vị công binh và các công ty xây dựng của quân đội giờ đây đang nối liền từng đoạn và theo thời gian nó đang được nối dài theo dáng hình đất nước ta phần đất liền trên bộ.

Cũng phải nói lại rằng, trước khi con đường ấy ra đời, dấu chân của các vị tướng lĩnh Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu QĐNDVN đã in  trên mọi nẻo núi rừng trong cuộc khảo sát toàn diện, đặt nền móng cho việc thiết kế nó một cách thích hợp. Đại tướng Phùng Quang Thanh, Thượng tướng Phan Trung Kiên, cố Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên, Trung tướng Phạm Hồng Lợi - Phó Tổng Tham mưu trưởng, Trung tướng Nguyễn Trung Thu - Phó Tổng Tham mưu trưởng… đều đã cùng các tướng lĩnh sỹ quan quân đội nhiều ngày tháng ăn núi ngủ rừng trên mọi nẻo biên cương, rồi sau này lại tiếp tục chia ngọt sẻ bùi cùng các cánh quân công binh trên nhiều đoạn đường vô cùng hiểm trở khi con đường bắt đầu thành hình thành tuyến…

Thiếu tướng Hoàng Kiền kể: Tháng 3-2008, trong một lần làm việc tại Sơn La, ông bất ngờ khi được nghe lệnh đón Đại tướng Phùng Quang Thanh đến thị sát và làm việc. Lúc ấy, việc giải phóng mặt bằng tại đoạn đường qua một địa phương Sơn La là rất khó khăn. Sự hiện diện giúp tháo gỡ khó khăn tại đó của Đại tướng đã trực tiếp khai thông nhiều đoạn đường Tây Bắc. Thậm chí, lúc về, Đại tướng còn "đi nhờ xe" của Thiếu tướng Hoàng Kiền để nghe tướng Kiền báo cáo cụ thể, chi tiết nhiều việc liên quan tới quá trình thiết kế thi công nhiều đoạn, nhiều tuyến đường. Đại tướng còn đặc cách cho số máy nóng của mình để Giám đốc dự án 47 tiện liên lạc xin ý kiến chỉ đạo trực tiếp. Kỷ niệm ấy theo Thiếu tướng Hoàng Kiền suốt quá trình xây dựng con đường và trở thành niềm tự hào và sự động viên to lớn trước mỗi khó khăn mà ông và cộng sự cần vượt qua.

Thiếu tướng Hoàng Kiền cũng nhớ mãi chuyến khảo sát cùng Thứ trưởng Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo đường tuần tra biên giới, Thượng tướng Phan Trung Kiên khi khảo sát thiết kế đoạn đường qua Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Tại đó, lãnh đạo Vườn quốc gia với nhiều lý do bảo vệ rừng… đã trực tiếp làm khó cho quá trình khảo sát tuyến đường, Thượng tướng - người từng tham gia cách mạng từ hồi còn để chỏm - đã phải khẳng định bộ đội luôn bảo vệ mọi sắc luật, nhưng làm đường không phải vì lợi nhuận mà theo mệnh lệnh bảo vệ Tổ quốc thì làm sao có thể cố chấp kia chứ! Thế là mọi việc đều thông. Việc tưởng khó lại hóa dễ!

Tướng Hoàng Kiền đã rất tâm đắc tán thưởng khi tôi cho rằng thực sự con đường này phải là "Đệ nhất biên ải đặc lộ" trong thời đại ngày nay và ông còn cho rằng trong cuộc đời binh nghiệp không ngắn của ông, nhất là với tư cách bộ đội công binh, đây chính là công trình to lớn và có ý nghĩa nhất mà ông được tham dự, dù trước đó ông đã từng tham gia xây dựng nhiều công trình quốc phòng, kể cả một số công trình biển đảo vô cùng "hoành tráng"!

Những "kỳ chuyện" thời nay

Đại tá Bùi Đức Toàn, Trưởng phòng QĐND Cuối tuần, Báo QĐND nhiều lần kể với tôi về những câu chuyện cảm động trong quá trình xây dựng đường tuần tra biên giới mà anh chứng kiến. Nhiều chuyện như giai thoại, nhiều chuyện như "sáng tác" của anh đã khiến tôi háo hức thực hiện chuyến thực tế đoạn miền Trung theo Thiếu tướng Hoàng Kiền kiểm tra tuyến này. Chuyến đi ấy, tôi có dịp tiếp cận những "kỳ chuyện thời nay" từ vị tướng khả kính gắn bó với con đường ngay những mét đầu tiên khi khởi dựng.

Lạc rừng, lâu nay là chuyện không hiếm. Sự tuyệt vọng khi lạc giữa đại ngàn cũng là chuyện từng xảy ra. Tuy nhiên, với Hoàng Kiền, sự lạc rừng, không phải ông, mà là của một số anh em công binh Binh đoàn Hương Giang ngày bắt đầu thực hiện đoạn đường đầu tiên tại Tây Nguyên mới khiến ông nhói tim nhiều lần. Lúc thức suốt đêm chờ cánh quân Binh đoàn Hương Giang ở nơi tập kết ông mới viện đến các ý nghĩ tâm linh, khấn đất trời phù hộ để anh em kịp về trước khi hết lương thực. Hai ngày đêm chờ đợi dằng dặc ấy thực sự khiến ông đau nhói trái tim lão tướng vốn dày dạn trận mạc. Hoàng Kiền bảo, trong đời ông, cả khi lên cấp tướng, dường như có "âm phù dương trợ", ông chưa hề mất một người lính nào. Thế mà lần ấy, ông bị ám ảnh bởi nỗi lo mất quân. May sao… "Trời thương, anh ạ! Anh em về đúng lúc chúng tôi sắp hết hy vọng!". Còn Nguyễn Trọng Nguyện, chỉ huy nhóm lạc đường nói trên cho hay, các anh lạc quá sâu, liên lạc viễn thông lại không thể, đành cứ cắt rừng mà đi. May sao qua đêm thứ hai thì tìm đến một nương lúa mà qua suy luận là của đồng bào mình, thế là truy tầm nơi cư trú của bà con và nhờ thế mà tìm được đường về. Hoàng Kiền tâm sự, lần ấy ông đã toan tổ chức tìm kiếm anh em ở quy mô có thể, chứ nhất định không chịu để mất người. Từ đó, ông cũng kiên quyết chỉ đạo các đơn vị không được khinh suất khi đi lẻ mà không có những kế hoạch liên lạc cụ thể nữa.

Những câu chuyện gian nan với bộ đội thì như cơm bữa, quá "diễm" rồi. Thậm chí nhầm rắn với dây cu-roa cũng là chuyện đã thấy. Còn như chịu sốt rét rừng, vắt núi cắn, âu là chuyện hằng ngày. Kể cả trên những đỉnh núi quanh năm sương mù, việc sáng sáng phải đun dầu cho chảy ra rồi mới rót nổi vào máy làm việc cũng là chuyện chẳng đơn vị nào không có. Hoặc chuyện cơm sống, luộc trứng không chín, thì ở đỉnh Pu Vai Lai Leng, đầy! Song cái chuyện đi tắm suối không mặc đồ lót, để cá suối "xơi của quý" thì chỉ có ở Gia Lai, đoạn đường do Công ty Đồng Tân Quân khu 7 thi công với hai trường hợp kỹ sư xây dựng trải qua khi bị cá cóc - một loài cá rất độc chỉ Iađrăng mới có, tấn công thì là kỳ chuyện hiếm thấy, thậm chí độc nhất vô nhị mà thôi. Cũng may mà do cấp cứu kịp thời, mọi chuyện phức tạp đã không xảy ra, nhưng từ đó trở đi, việc tắm suối của anh em cũng không còn quá vô tư như trước nữa!

Tôi cũng được tướng Hoàng Kiền kể cho nghe chuyện, vợ lính phi xe máy 400 cây số để vào rừng thăm chồng làm đường biên giới. Trên chặng đường vài trăm cây số đã qua, tôi thấy hơn cả mức "lên bờ xuống ruộng" nên hết sức cảm phục tay lái xe máy của người "chinh phụ" ấy. Một kết cục quá đẹp cho vợ chồng họ là, sau hai lần thăm chồng, người "chinh phụ" thời nay có tin mừng về một quý tử sẽ chào đời năm nay. Tôi sẽ không thể nào kể hết những câu chuyện truyền kỳ có thực thời nay, bởi con đường tuần tra biên giới này sẽ còn tiếp tục được xây dựng trong nhiều năm nữa trước khi nó trở thành con đường bê tông siêu dài mà trên đó, xe điện du lịch có thể chở du khách tham quan nhiều vùng biên ải - tôi ước thế - để vừa bảo đảm cảnh quan môi trường, vừa phát triển ngành kinh tế mũi nhọn không khói cho những vùng còn nhiều gian khó này.

Cũng có những điều phải kể ra đây ngoài những chuyện vui, là những mất mát bất khả kháng trên con đường dài mà tới đây các đơn vị thi công vẫn có thể còn bắt gặp. Đó là bom mìn còn sót lại trong cuộc chiến thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Đã có những người lính công binh Quân khu 5 ngã xuống trong thời bình khi xây dựng con đường. Song khi nhắc tới những mất mát này, người viết hy vọng, tới đây sẽ không có những mất mát tương tự khi chúng ta cẩn thận hơn lúc tuyến đường đi qua những vùng trọng điểm của Trường Sơn năm xưa.

Thế là, vượt qua bao rừng núi, thác ghềnh, con đường tuần tra biên giới cứ kéo dài mãi. Mùa xuân này, mùa xuân thứ năm của một con đường đặc biệt lại ghi thêm nét mới mà nhiều người trong hơn 80 triệu dân ta chưa có may mắn đặt chân. Tôi hy vọng, ngoài 25 tỉnh có con đường đi qua, những địa phương khác cũng nên biết tới và khi cần, nên chung tay cùng các đơn vị bộ đội, có nghĩa cử đẹp ủng hộ để con đường thực sự là của mọi người mọi nhà theo đúng nghĩa của chữ này!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: "Đặc lộ truyền kỳ"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.