(HNM) - Xác định Luật Hộ tịch, Luật Căn cước công dân là nền tảng để cải cách chất lượng cán bộ, Bộ Tư pháp đã phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố rà soát, kiện toàn đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch.
Cán bộ "bơi" trong việc
Quyết định số 59/QĐ-TTg ngày 15-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu cụ thể kế hoạch triển khai thi hành Luật Hộ tịch. Trong đó, mốc thời gian ấn định UBND các tỉnh, thành phố phải hoàn thành việc rà soát đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch, đề xuất kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và thông tin về Bộ Tư pháp trước ngày 31-8-2015 để cơ quan này có cơ sở báo cáo Thủ tướng trong tháng 10-2015.
Tình trạng thiếu cán bộ tư pháp - hộ tịch xảy ra ở nhiều địa phương nhưng chưa có phương pháp xử lý dứt điểm. Ảnh: Sơn Hà |
Thời điểm này, công tác nắm tình hình, đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch ở cấp huyện, cấp xã đã, đang được triển khai trên toàn quốc. Với cơ sở vật chất, con người hiện tại, đương nhiên không khỏi lo lắng, nhưng cũng không còn con đường nào khác là khẩn trương tập huấn công chức cấp phường, xã trước tháng 11-2015 để tập dượt công việc, bảo đảm từ ngày 1-1-2016 - thời điểm Luật Hộ tịch có hiệu lực, UBND cấp huyện có thể làm chủ công nghệ, giải quyết toàn bộ các việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài và nhiều thủ tục liên thông. Mục tiêu xa hơn là đến năm 2016 phải chuẩn hóa đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch và đến trước ngày 1-1- 2020 phải hoàn thành việc đào tạo đối với toàn bộ đội ngũ này.
Sở Tư pháp Hà Nội - một trong những đơn vị tiên phong triển khai Luật Hộ tịch tới toàn thể đội ngũ cán bộ tư pháp, pháp chế, báo cáo viên trên toàn thành phố. Khóa học bồi dưỡng kiến thức về hộ tịch cũng vừa kết thúc trong tháng 9 này với thời gian 10 ngày. So với nhiều địa phương, chất lượng và số lượng cán bộ tư pháp có nhỉnh hơn. Song, theo số liệu do cơ quan này công bố vào trung tuần tháng 6 vừa qua, Hà Nội hiện có 192 biên chế công chức làm việc tại 30 phòng Tư pháp quận, huyện, thị xã. Trong đó có 73 công chức lãnh đạo cấp phòng, 101 công chức chuyên môn và 18 cán bộ hợp đồng. Đối với UBND cấp xã, đến nay trên địa bàn 584 xã, phường thị trấn của TP Hà Nội có 908 cán bộ tư pháp hộ tịch. Những năm gần đây, ngành Tư pháp được giao thêm nhiều nhiệm vụ như theo dõi thi hành pháp luật, quản lý xử lý vi phạm hành chính, quản lý nhà nước về bồi thường và giải quyết bồi thường nhà nước, quản tài viên. Trong khi tổng biên chế của cơ quan tư pháp các cấp gồm Sở Tư pháp, phòng Tư pháp và định biên tư pháp hộ tịch cấp xã ít. Công việc nhiều, người ít khiến cán bộ tư pháp phải "bơi" trong việc.
Phải "lấp đầy" những khoảng trống
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thanh Cao cho biết: "Việc bố trí cán bộ thực hiện nhiệm vụ mới rất khó khăn. Mỗi cán bộ tư pháp cấp quận, huyện, xã, phường, thị trấn phải kiêm nhiệm rất nhiều việc". Hà Nội từng nhiều lần đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Nội vụ, trên cơ sở Đề án vị trí việc làm của cán bộ tư pháp địa phương, tiến hành khảo sát, đánh giá để bố trí lại số biên chế tối thiểu cho tư pháp, giúp ngành thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ nhưng chưa được đáp ứng. Trong khi đó, theo yêu cầu của Bộ Nội vụ, năm 2016, không tăng biên chế, chỉ được giảm.
Nhìn rộng ra, không chỉ bị sức ép từ công việc mới giao, công việc cũ cũng đang trở nên quá tải là nỗi lo chung của cán bộ tư pháp nhiều địa phương. Việc ứng dụng công nghệ thông tin có thể xem là giải pháp hỗ trợ hữu hiệu, thế nhưng theo thống kê của Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp), mức độ thực hiện tin học hóa tại các địa phương rất khác nhau, hầu hết chưa bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và yêu cầu quản lý. Vẫn có nơi chưa trang bị máy tính để phục vụ riêng cho công tác đăng ký hộ tịch của công chức tư pháp - hộ tịch.
Về trình độ, Bộ Tư pháp ghi nhận, đến đầu năm 2014, trong số 15.249 công chức tư pháp - hộ tịch tại UBND cấp xã có 4.090 người có trình độ Đại học Luật (27%), 7.633 người có trình độ Trung cấp Luật (50%), còn lại là chuyên môn khác 3.526 người (23%). Cấp huyện có 3.041 công chức, trong đó 2.756 công chức có trình độ đại học trở lên (90%), trình độ chuyên môn luật là 2.300 công chức (75,6%). Để bảo đảm tiêu chuẩn công chức làm công tác hộ tịch theo quy định của luật, đòi hỏi phải đào tạo trình độ Trung cấp Luật cho 3.526 công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã, đào tạo trình độ Đại học Luật đối với 741 công chức tại phòng tư pháp cấp huyện. Đây là thách thức không nhỏ đối với toàn ngành. Điều đó đặt ra cho ngành Tư pháp nhiều vấn đề khó liên quan đến việc "lấp đầy" những khoảng trống…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.