(Tiếp theo số báo ra ngày 2-10-2009)(HNM) Không phải đợi đến thời kỳ hội nhập, mà ngay từ khi Điện ảnh Việt Nam đang chập chững những bước đi đầu tiên, phim nước ta đã đến với các LHPQT.
Một cảnh trong bộ phim “Chơi vơi”. |
(Tiếp theo số báo ra ngày 2-10-2009)
(HNM) Không phải đợi đến thời kỳ hội nhập, mà ngay từ khi Điện ảnh Việt Nam đang chập chững những bước đi đầu tiên, phim nước ta đã đến với các LHPQT. "Con chim vành khuyên" từng giành Giải đặc biệt LHPQT Carlovy Vary vào năm 1962, một năm sau đó đến lượt "Chị Tư Hậu" giành Huy chương bạc LHPQT Mát-xcơ-va.
Những năm chiến tranh, phim Việt Nam thường được chào đón nhiệt thành tại các LHPQT tổ chức tại các nước XHCN. Các LHP vinh danh phim Việt Nam nhiều nhất đều thuộc "tốp" đầu như Mát-xcơ-va/Liên Xô cũ, Carlovy Vary/Tiệp Khắc và Laixich/CHDC Đức. Trong số các thể phim Việt được gửi đi dự LHPQT phim tài liệu giành được nhiều giải thưởng nhất, trong đó có nhiều giải cao như Huy chương vàng LHPQT Mát-xcơ-va, giải "Bồ câu vàng" tại LHPQT Laixich); kế đến là phim truyện. Phim hoạt hình cho đến nay mới chỉ có một giải "Bồ câu vàng". Một số phim truyện được giải cao là "Đường về quê mẹ", "Kim Đồng", "Em bé Hà Nội", "Đến hẹn lại lên", "Mối tình đầu, "Chom và Sa", "Mẹ vắng nhà"… góp phần khắc họa một phần diện mạo phim Việt Nam trước bạn bè quốc tế, đặc biệt là phim về đề tài chiến tranh cách mạng.
Hai bộ phim truyện có giá trị nhân văn sâu đậm của Điện ảnh Việt Nam là "Cánh đồng hoang" (Huy chương vàng LHPQT Mát-xcơ-va, 1981) và "Bao giờ cho đến tháng mười" (Giải đặc biệt LHP châu Á - Thái Bình Dương tại Hawaii, 1985). "Cánh đồng hoang" là bộ phim truyện được giải cao nhất tại một LHPQT thuộc "tốp" đầu, còn "Bao giờ cho đến tháng Mười" là bộ phim đầu tiên được gửi dự thi tại một LHPQT ở Mỹ và đoạt giải. Đến nay, hai bộ phim này luôn là tiêu điểm của các chương trình đặc biệt về điện ảnh Việt Nam ở nước ngoài hoặc tại các LHPQT. Gần đây nhất, năm 2008, "Bao giờ cho đến tháng mười" lại được kênh truyền hình CNN bình chọn là 1 trong 18 bộ phim châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại.
Không ít người sẽ tự hỏi "Ngày hôm qua đâu rồi"? "Ngày xưa", số đầu phim làm ra tuy ít ỏi nhưng có chất lượng đồng đều, được công chúng đón nhận nhiệt thành, nhiều phim đạt tới chuẩn mực nghề nghiệp khiến hậu sinh thán phục. Tuy nhiên, hầu hết các phim thời ấy đều được giải trong khuôn khổ một số LHPQT tổ chức ở các nước XHCN, những nơi luôn dành cho Việt Nam sự ưu ái rõ ràng.
Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới cũng là lúc hệ thống các nước XHCN ở Đông Âu tan rã. Lúc ấy, các LHPQT mà phim ta thường được gửi tham dự, cái thì thu hẹp quy mô, cái thì giải thể; bởi thế mà phim Việt Nam không còn những "diễn đàn" quốc tế thường xuyên như trước. Tuy nhiên, một loạt LHPQT và LHP khu vực khác lại mở ra cơ hội mới cho Điện ảnh Việt Nam, như các LHP tạiPháp, Bỉ, Hà Lan, CHLB Đức, Thụy Sĩ, I-ta-li-a, Phần Lan, Mỹ, Ca-na-đa, Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a, Thái Lan... Theo thông lệ, BTC LHPQT thường cử chuyên gia đến Việt Nam chọn phim hoặc xét chọn qua phim được gửi tới họ, chứ không phải "ta tự gửi" như trước. Điện ảnh Việt Nam lại xuất hiện tại những diễn đàn quốc tế lớn và những "Gánh xiếc rong", "Ai xuôi vạn lý", "Thương nhớ đồng quê", "Đời cát", "Mùa len trâu", gần đây nhất là "Chơi vơi" và "Đừng đốt" đã góp phần làm nên niềm tự hào của điện ảnh nước nhà.
Cần chiến lược tiếp cận LHPQT
Từ sau đổi mới, phim Việt Nam đã đa dạng, phong phú hơn về nội dung, có sự chuyển hướng đáng kể về nghệ thuật. Nhiều tác phẩm đi tới cùng trong việc phản ánh hiện thực, thể hiện tinh tế những góc khuất trong tâm tư, tình cảm và khát vọng của con người bằng thứ ngôn ngữ điện ảnh sáng tạo. Thế nhưng, so với giai đoạn trước thì số phim giành được giải cao tại các LHPQT không nhiều. Nguyên nhân khách quan là do điện ảnh các nước - ngay cả trong khu vực châu Á hoặc hẹp hơn là Đông Nam Á - đã có bước phát triển rất nhanh về nghệ thuật, công nghệ điện ảnh. Trong khi đó, điện ảnh ta chưa có những chiến lược, kế hoạch dài hơi trong việc quảng bá phim ra nước ngoài, tiếp cận thường xuyên với các LHPQT. Phim "made in Việt Nam" xuất hiện lẻ tẻ, bị động qua các tuần phim, tuần văn hóa. Số người được xem phim Việt Nam không nhiều, so với mục tiêu quảng bá phim Việt thì chỉ như "muối bỏ bể".
Đáng nói nhất là chúng ta chưa có sự đầu tư xứng đáng cho những tác phẩm đỉnh cao đạt "tầm thời đại". Nhiều phim được tung hô rầm rộ trong nước nhưng khi đưa ra nước ngoài thì không tìm được sự đồng cảm, hào hứng như vậy.
Hội nhập với thế giới là một xu thế tất yếu của điện ảnh Việt Nam. LHPQT là một sân chơi đầy "quyền lực" của điện ảnh thế giới. Đã đến lúc cần nhanh chóng xây dựng lộ trình để phim Việt Nam vững tin đến với LHPQT, góp phần xây dựng cầu nối thiện cảm để quảng bá rộng rãi điện ảnh Việt Nam với thế giới.
TSNgô Phương Lan