Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Chính sách thiếu thống nhất

Hữu Hoài - Ánh Dương| 07/02/2018 07:26

(HNM) - Các cơ quan chức năng TP Hà Nội đã chủ động, linh hoạt tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chính sách GPMB theo hướng bảo đảm quyền lợi tối đa cho người bị thu hồi đất. Nhưng do dự án kéo dài, chính sách thiếu thống nhất, thường xuyên thay đổi, dẫn đến có sự chênh lệch bồi thường...


Một thửa đất - hai chính sách

Năm 2015-2016, huyện Hoài Đức thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất dịch vụ xã Song Phương. Trong số 447 gia đình thuộc diện bị thu hồi đất, có 154 hộ được hỗ trợ bằng 5 lần giá đất nông nghiệp; 293 hộ được hỗ trợ 3,5 lần. Như vậy, trong cùng một dự án, có 2 chế độ hỗ trợ. Điều này đã tạo độ “vênh” khó hiểu khiến nhiều hộ dân thắc mắc, kiến nghị và không nhận tiền bồi thường, không giao đất...

Bà Nguyễn Thị Thuyên ở thôn 5, xã Song Phương cho rằng, địa phương thu hồi đất và hỗ trợ bằng 3,5 lần giá đất nông nghiệp do năm 2004, gia đình đã được giao đất dịch vụ khi thực hiện Dự án mở rộng đường Láng - Hòa Lạc khiến bà bị thiệt thòi. Bà Thuyên đề nghị, việc bồi thường, hỗ trợ cần thực hiện theo từng dự án riêng, ứng với từng thời điểm. Theo đó, gia đình yêu cầu hỗ trợ bằng 5 lần giá đất nông nghiệp (chứ không phải 3,5 lần)... Cùng quan điểm với bà Thuyên, nhiều hộ khác cũng không nhận bồi thường, không bàn giao đất, dẫn đến việc xây dựng hạ tầng dự án đất dịch vụ ở Song Phương chưa thể hoàn thiện...

Tương tự, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3,5, đoạn qua địa phận xã Vân Canh (huyện Hoài Đức) cũng chung cảnh ngộ. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức Nguyễn Chí Hiệu, có 250 hộ gia đình ở xã Vân Canh trong diện bị thu hồi đất. Trước đây, dự án bồi thường theo Quyết định 23/2014/QĐ-UBND ngày 20-6-2014 của UBND TP Hà Nội về "Ban hành quy định các nội dung thuộc thẩm quyền của UBND TP Hà Nội do Luật Đất đai và các nghị định của Chính phủ giao cho về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP Hà Nội". Theo đó, 205 hộ đã được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ. Sau đó, UBND thành phố ban hành Quyết định 10/2017/QĐ-UBND ngày 29-3-2017 về "Ban hành quy định các nội dung thuộc thẩm quyền của UBND TP Hà Nội về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP Hà Nội", thay thế Quyết định 23/2014/QĐ-UBND. Vì thế, 45 hộ gia đình còn lại được phê duyệt phương án bồi thường theo Quyết định 10/2017/QĐ-UBND... Điều này cho thấy, cùng một dự án, cùng một khu đất, nhưng chế độ hỗ trợ khác nhau, khiến 201 hộ (trước đó) cùng kiến nghị, yêu cầu thực hiện chế độ bồi thường giống nhau cho toàn bộ các hộ bị thu hồi đất... Những thắc mắc đó khiến tiến độ dự án khó hoàn thiện theo yêu cầu.

Tại địa bàn huyện Ba Vì, Dự án mở rộng Nghĩa trang Yên Kỳ, chia làm hai giai đoạn và thực hiện từ năm 2011. Tuy nhiên, thời điểm năm 2011, nhiều hộ đòi hỏi chính sách cao nên không nhận tiền bồi thường, không bàn giao mặt bằng. Về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Ba Vì Kiều Văn Tài cho biết: Trước đây, những hộ tuân thủ, nhận tiền bồi thường, thì chỉ được hỗ trợ một lần. Nhưng nay chính sách thay đổi, những hộ chây ỳ chưa nhận bồi thường, nay lại được bồi thường gấp 5 lần giá đất nông nghiệp. Như vậy, rõ ràng, chính sách chồng chéo, không nhất quán đã tạo sự không công bằng, đặc biệt thiệt thòi cho những hộ hợp tác tích cực. Từ đó, họ so sánh với những hộ không chấp hành (trước đó)... khiến tình hình phức tạp kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Bất cập giá bồi thường

Bên cạnh những bất cập do thay đổi chính sách, vấn đề áp giá bồi thường đối với đất ở, đất vườn liền kề đất ở cũng khiến nhiều địa phương lúng túng, chưa tìm được cách tháo gỡ. Phó Chủ tịch UBND xã Đông Dư (huyện Gia Lâm) Nguyễn Trung Thành cho biết: Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn xã đã thu hồi khoảng 25ha đất. Các dự án cơ bản đã giải phóng mặt bằng xong phần đất nông nghiệp. Riêng đất ở, có trường hợp trên cùng một thửa đất thực hiện 2 dự án, nhưng áp dụng 2 vị trí khác nhau, kéo theo giá bồi thường, hỗ trợ cũng khác nhau nên người dân chưa đồng thuận.

Điển hình như trường hợp gia đình ông Nguyễn Văn Liên ở thôn 7, có 1 thửa đất ở bị thu hồi để thực hiện 2 dự án, trong đó dự án đường hành lang chân đê áp mức bồi thường với đất ở vị trí 2; còn Dự án đường Đông Dư - Dương Xá lại áp dụng vị trí 3. Chưa hết, trên cùng rẻo đất cạnh nhà ông Liên, có 9 hộ khác bị thu hồi đất để phục vụ dự án xây dựng Sở chỉ huy, cơ quan Bộ Tư lệnh Hải quân và đơn vị vệ tinh, lại được áp dụng vị trí 2. Do đó, gia đình ông Liên và 6 hộ khác đang bị áp vị trí 3 kiến nghị được áp giá bồi thường ở vị trí 2...

Ông Dương Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Gia Lâm cho biết, ngoài 3 dự án trên, huyện Gia Lâm còn phát sinh một số vướng mắc về chính sách liên quan đến thu hồi đất ở, như: Dự án đường 181 dài 5,7km, hiện còn vướng 1,1km chưa giải phóng mặt bằng liên quan đến 170 hộ do giá bồi thường đất ở thấp hơn giá thị trường tới 4 lần, người dân yêu cầu được tái định cư… Hay Dự án đường Yên Viên - Đình Xuyên - Phù Đổng, hiện còn 46 hộ bị thu hồi đất ở đang kiến nghị về chính sách bồi thường, hỗ trợ…

Còn tại xã Cẩm Lĩnh (huyện Ba Vì), vấn đề bồi thường, hỗ trợ đối với đất vườn liền kề đất ở đang là bài toán khó giải. Trước đây, trên phần đất ao đã san lấp, đất vườn liền kề đất ở có công trình, khi bị thu hồi đất để thực hiện Dự án tiếp nước, cải tạo, khôi phục sông Tích, người dân được bồi thường, hỗ trợ từ 80% đến 100%. Nhưng khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực, hộ có công trình trên đất ao, vườn liền kề đất ở chỉ được hỗ trợ từ 10% và tối đa không quá 45%; có trường hợp không được hỗ trợ. "Kể từ thời điểm triển khai Dự án tiếp nước, cải tạo, khôi phục sông Tích, người dân đã dừng sản xuất để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng. Chúng tôi đề nghị xem xét hợp tình, hợp lý về giá bồi thường với công trình trên đất ao, vườn liền kề đất ở để người dân đỡ thiệt thòi" - bà Phạm Thị Tỵ ở thôn Tân An (xã Cẩm Lĩnh) kiến nghị.

Tương tự, tại huyện Thạch Thất có 2 dự án (xây dựng công trình đường 446 từ K0+000 đến K15+300 và công trình cải tạo, nâng cấp tuyến suối Ngọc Vua Bà khu gia binh Lục quân), nhiều hộ gia đình có đất ao, vườn liền kề đất ở trên địa bàn các xã: Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung cũng ảnh hưởng bởi Luật Đất đai năm 2013. Họ cho rằng đã bị thiệt thòi nên đang khiếu kiện, gây phức tạp tình hình an ninh trật tự...

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Chính sách thiếu thống nhất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.