Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Cảnh giác trước thủ đoạn mới

Triệu Dương| 16/06/2012 05:50

(HNM) - Tiếp theo việc lật tẩy các thủ đoạn dùng ô tô làm tài sản thế chấp trong giao dịch tín dụng đen, cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ nhiều thủ đoạn phạm tội mới như làm giả giấy tờ xe, biển kiểm soát… Thậm chí bọn tội phạm không từ thủ đoạn làm giả cả xe công vụ hòng qua mặt lực lượng chức năng…


Làm giấy tờ giả mạo siêu xe

Trong một thời gian dài, anh Đ.V.N, lái xe cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Sông Hồng rất ngạc nhiên khi phát hiện ra trên đường phố Hà Nội một chiếc xe nhãn hiệu Acura giống hệt màu sơn và BKS của xe mình lưu thông trên đường. Bí mật theo dõi, anh được biết chiếc xe giả mạo còn xuất hiện ở một số nơi đối tác làm ăn của công ty. Nhận thấy dấu hiệu bất thường này, ngày 5-4-2012 anh Đ.V.N đã chính thức làm đơn tố giác lên Đội CSGT số 2 - CATP về những nghi vấn nêu trên.

Siêu xe Acura biển đẹp bị làm giả cùng tang vật chiếc BKS định đánh tráo.

Sau khi tiếp nhận đơn thư, khẩn trương điều tra, các trinh sát Đội CSGT số 2 làm rõ, chiếc xe giả mạo trên thường xuyên hoạt động ở địa bàn phố Núi Trúc, quận Ba Đình. Ngày 9-4, khi nhận được tin báo chiếc xe mờ ám này đỗ tại ngã tư Kim Mã - Núi Trúc, Đội CSGT số 2 đã tổ chức một tổ công tác kiểm tra bất thường tất cả xe dừng đỗ trên tuyến phố. Đúng như dự đoán, khi tiến hành kiểm tra, lái xe chẳng những không xuất trình được đăng ký, giấy phép lái xe mà liên tục điện thoại nhờ can thiệp, đồng thời nói bóng gió để hù dọa tổ công tác. Tuy nhiên mọi sự hù dọa này của lái xe đều bị Trung tá Thiều Mạnh Ngọc, Đội phó Đội CSGT số 2 hóa giải bằng các biện pháp nghiệp vụ. Để lái xe "tâm phục, khẩu phục" ký vào biên bản tạm giữ, Trung tá Thiều Mạnh Ngọc lập tức xác minh nóng số máy 3024356 và số khung 420556 của chiếc xe. Kết quả xác minh cả số khung và số máy nêu trên đều không tồn tại trong kho dữ liệu của Đội Quản lý xe - CATP.

Ngày 10-2-2012, Đội CSGT số 2 đã mời chủ phương tiện và lái xe đến làm việc. Tại trụ sở Đội CSGT số 2, anh Bạch Thành Phong (SN 1976) trú tại 6A Trần Nhân Tông, Hai Bà Trưng, Hà Nội đã xuất trình đăng ký xe ô tô 30P - 6688 nhãn hiệu Acura, màu sơn đen, có số máy 3024356 và số khung 420556. Đội CSGT số 2 đã tiến hành đưa đăng ký xe vào soi tia cực tím thì phát hiện ra đây là đăng ký giả. Trên thực tế, số máy, số khung theo đúng đăng ký thật của chiếc siêu xe trên mang số 3053277 và 545659. Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Đội CSGT số 2 đã bàn giao toàn bộ vụ việc cho Phòng CSĐT tội phạm về TTQL và chức vụ để điều tra làm rõ. Khổ chủ thật của chiếc xe bị làm giả hồ sơ toàn bộ này ngay sau khi biết tin đã bày tỏ sự cảm kích đối với các chiến sĩ CSGT. Trung tá Thiều Mạnh Ngọc cho biết: "Theo chủ nhân đích thực của chiếc xe bị làm giả, việc CSGT nhanh chóng tìm ra chân tướng vụ việc đã góp phần rất lớn ngăn chặn việc lợi dụng danh nghĩa, uy tín của tổ chức, cá nhân trong việc trục lợi"

Chưa dừng lại ở đó, tại bãi tạm giữ phương tiện của Đội CSGT số 2, ngay sau đó vài ngày, nhân viên bảo vệ phát hiện một chiếc xe Acura lao vào bãi nói là để gửi tạm xe. Nhưng thay vì đỗ xe theo hướng dẫn của nhân viên, người lái chiếc xe đã lao thẳng xe đến đỗ cạnh chiếc siêu xe mang BKS 30P - 6688. Trước biểu hiện nghi vấn này, nhân viên bảo vệ bí mật theo dõi và phát hiện thanh niên đi trên xe mang theo một BKS với ý định đánh tráo với chiếc siêu xe biển đẹp kia. Bị phát hiện, thanh niên trên đã lao vội lên xe phóng vút đi bỏ lại một BKS cũng thuộc diện siêu đẹp là 30K - 4477 tại hiện trường…

Làm giả cả xe công vụ

Theo Trung tá Nguyễn Văn Đức, Đội trưởng Đội CSGT số 2: "Không chỉ phát hiện chiếc xe giả nêu trên mà còn phát hiện ngay cả xe của cơ quan nhà nước, đơn vị quân đội cũng bị làm giả". Dẫn chứng cho chuyện đó, Trung tá Nguyễn Văn Đức cung cấp, vào 9h30 ngày 13-3 vừa qua, thực hiện chuyên đề xử lý xe ô tô đỗ dừng sai quy định theo văn bản số 796/UBND của UBND TP Hà Nội, tổ công tác thuộc Đội CSGT số 2 phát hiện xe ô tô Camry "biển xanh" 31A - 6385 vi phạm đỗ xe tại nơi có biển cấm, khi kiểm tra, lái xe không xuất trình được đăng ký xe. Thấy có dấu hiệu nghi vấn, tổ công tác đã tiến hành xác minh và phát hiện xe ô tô trên đeo BKS giả. Chủ sở hữu đích thực của xe biển số 31A - 6285 là chi nhánh của một ngân hàng có địa chỉ ở 31 Ngô Thì Nhậm (Hà Nội). Thực chất chiếc biển số này được cấp cho xe ô tô Mishubishi 7 chỗ ngồi. Khi tổ công tác lập biên bản tạm giữ chiếc xe giả mạo trên, 14h cùng ngày chủ xe ô tô xuất trình đăng ký xe 52P - 0050 có số khung, số máy trùng với xe bị tạm giữ. Đội CSGT số 2 tiếp tục xác minh và đưa đăng ký vào soi tia cực tím, phát hiện chiếc đăng ký trên có dấu hiệu giả mạo. Vụ việc cũng ngay lập tức chuyển tới Văn phòng CSĐT - CATP làm rõ. Tiếp theo, vào 17h ngày 7-6, khi kiểm tra ô tô mang BKS 43S - 3664 trên phố Điện Biên Phủ, Đội CSGT số 2 đã phát hiện chiếc xe trên chẳng những có dấu hiệu làm giả đăng ký mà sổ đăng kiểm tại Đà Nẵng cũng bị làm giả khi có biểu hiện chữ ký đè lên con dấu sai với quy trình đóng dấu của cơ quan nhà nước. Tiếp theo đó, khi tạm giữ một chiếc Toyota BKS quân đội TT 90 - 36 trong suốt nhiều ngày chưa thấy chủ phương tiện lên giải quyết. Đội CSGT số 2 có yêu cầu kiểm tra BKS trên qua cơ quan quản lý xe thuộc Bộ Quốc phòng thì được thông báo số BKS trên không tồn tại.

Trung tá Thiều Mạnh Ngọc nhận định, việc làm giả biển số đẹp và biển số xe công vụ là thủ đoạn mới của bọn tội phạm vì chúng nghĩ rằng, CSGT sẽ không bao giờ kiểm tra những chiếc xe đeo biển số như vậy. Qua những vụ việc trên, người dân cần đề cao cảnh giác với những chiếc xe được rao bán không sát với giá trị thực tế kèm theo những lời nói tâng bốc của chủ xe giả mạo. Tất cả giao dịch mua bán xe cần thông qua cơ quan pháp luật giải quyết. Trao đổi với TS Vũ Đức Long, Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) về vấn đề trên, ông cho biết: Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đang chủ trì xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn việc cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm giữa cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm với tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền lưu hành tài sản. Dự kiến tháng 6-2012, thông tư sẽ được ban hành với 3 chương, 19 điều, mục đích chính là hướng dẫn việc trao đổi, cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm giữa các cơ quan trên, ngăn chặn những kẽ hở làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của những chủ thể tham gia giao dịch.

Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, đang xây dựng dữ liệu thông tin thống nhất để công bố công khai trên mạng. Người dân, doanh nghiệp có thể truy cập tìm hiểu thông tin về tài sản. Nếu cần thiết, có một giấy xác nhận tài sản đó có đóng dấu đỏ, chỉ phải mất 20 nghìn đồng. Khi có giấy đó, nếu ra tòa có tranh chấp thì nó có giá trị như một bằng chứng. Thông tư cũng gắn trách nhiệm người cung cấp thông tin, xử lý thông tin. Ví dụ, một chiếc ô tô đã mang đi thế chấp, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan đăng ký, chiếc xe đó đang mang đi thế chấp. Do đó, nếu chủ xe mà xin làm lại đăng ký thì sẽ không được nữa, nếu cơ quan đăng ký tiếp tục cho đăng ký thì phải chịu trách nhiệm…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Cảnh giác trước thủ đoạn mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.