(HNM) - Mới đây, UBND TP quyết định đầu tư 32.000 tỷ đồng với mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 100% xã đạt tiêu chí nông thôn mới (NTM). Người dân kỳ vọng mô hình này sẽ làm đổi thay căn bản đời sống của người nông dân và mang đến diện mạo mới cho kiến trúc nông thôn thời hiện đại.
Thiếu quy hoạch, hình mẫu
Giữ gìn kiến trúc nhà cổ với mái ngói, có sân, vườn tại xã Đường Lâm là việc rất cần thiết. Ảnh: Nguyệt Ánh
Thiếu quy hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo và kiểm tra về việc xây dựng khiến hiện trạng nhà ở nông thôn phát triển hoàn toàn tự phát, xô bồ và lộn nhộn. Để kiến trúc nông thôn nói chung, kiến trúc nhà ở nói riêng đi vào quỹ đạo, nông thôn cần phải được quy hoạch và có định hướng phát triển rõ ràng. Nhiều ý kiến cho rằng một nông thôn được gọi là mới chỉ có thể đạt được khi từng ngõ xóm, góc làng được chỉnh trang, xây dựng một cách hoàn chỉnh trên cơ sở kế thừa bản sắc văn hóa truyền thống. Chính vì vậy, trong số 19 tiêu chí về xây dựng NTM, quy hoạch là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng BCĐ xây dựng NTM Nguyễn Công Soái cho biết, Hà Nội phấn đấu đến năm 2012 sẽ hoàn thiện quy hoạch nông thôn tại 100% số xã - đây là tiền đề xây dựng NTM. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là việc thiết kế mẫu nhà riêng cho khu vực nông thôn còn hạn chế, rất ít nông dân tiếp cận được với những mẫu nhà phù hợp với mình. Ông Vũ Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội thừa nhận: "Đối với kiến trúc nhà ở nông thôn, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu thiết kế mẫu nhà cho một số vùng đặc trưng như nhà ở vùng ĐBSCL, nhà ở vùng lũ, miền núi. Tuy nhiên, việc hướng dẫn cụ thể cho các địa phương trong xây dựng nhà ở nông thôn thì chưa có. Ngoài ra, ở hầu hết các vùng nông thôn Hà Nội chưa có quy hoạch, chưa tiến hành việc cấp phép xây dựng nên các ngành chức năng chưa quản lý được về mặt kiến trúc nhà ở".
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội Lê Thị Tân Trang, thành viên BCĐ xây dựng NTM Hà Nội cho rằng, để khắc phục tình trạng lộn nhộn trong kiến trúc nhà ở nông thôn, nhà nước cần đưa ra quy chuẩn mẫu về nhà ở để người dân lựa chọn. Nông thôn ở mỗi giai đoạn khác nhau, hoàn cảnh khác nhau cần những hình mẫu thực sự phù hợp với đời sống và văn hóa vùng miền. Đơn cử như tại các vùng nông thôn ven đô, không nhất thiết phải giữ kiểu kiến trúc nhà truyền thống với 3 gian, 5 gian; vật liệu làm nhà cũng có thể thay gỗ, tre bằng bê tông vững chắc hơn... Nhưng ở các làng cổ, các vùng chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi đô thị hóa nên giữ kiến trúc nông thôn truyền thống với nhà thấp tầng, đặc biệt là nhà ngói gắn với sân vườn…
Và chế tài quản lý
Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có 401 xã, với hơn 80% diện tích đất và gần 4 triệu dân sinh sống. Đã đến lúc đặt vấn đề quy hoạch nông thôn và quản lý quy hoạch theo tiêu chí, không để người dân xây dựng tự phát, không có sự quản lý của nhà nước. Theo ông Vũ Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở QH-KT: Hà Nội đang quyết liệt triển khai mô hình NTM đến năm 2030, trong đó từ nay đến năm 2015 là 140-160 xã đạt tiêu chí NTM. Đối với tiêu chí nhà ở nông thôn, sau khi các xã có quy hoạch, thành phố cần quy định cấp phép cho các công trình xây dựng ở nông thôn. Có như vậy, Nhà nước mới kiểm soát được vấn đề xây dựng. Để khắc phục thực trạng thiếu mẫu mã về nhà ở nông thôn để người dân lựa chọn, các ngành chức năng sớm đưa ra các mẫu thiết kế, kỹ thuật, vật liệu, hỗ trợ tư vấn về kiến trúc cùng phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của nông thôn hiện nay. Ngoài sự quan tâm của Nhà nước thì chính người nông dân, chủ nhân của các công trình kiến trúc nông thôn sẽ lựa chọn các mẫu nhà ở cho phù hợp với điều kiện kinh tế và không gian văn hóa địa phương. Đặc biệt, đối với các làng cổ điển hình của vùng nông thôn truyền thống như Đường Lâm, Cự Đà, Đông Ngạc... việc giữ gìn kiến trúc nhà cổ là rất quý. Tuy nhiên, tại các làng này chỗ ở chật chội, trong một gia đình có nhiều thế hệ sinh sống, nhu cầu đòi hỏi của người dân phải cải tạo nhà ở phục vụ cuộc sống nên nhà cổ rất dễ bị tháo dỡ. "Nhà nước cần sớm phân loại các làng cổ, nhà ở nông thôn có giá trị để bảo tồn và định hướng phát triển lâu dài. Đồng thời có cơ chế hỗ trợ việc bảo tồn làng cổ, nhà cổ, trong đó có việc cấp đất giãn dân nhằm tránh việc người dân bức xúc vì phải ở quá chật chội" - bà Lê Thị Tân Trang đề nghị.
Kiến trúc nông thôn không chỉ là không gian sống mà còn là không gian văn hóa truyền thống. Thực trạng xây dựng nhà ở nông thôn tùy tiện, tự phát như hiện nay tạo nên nghịch cảnh kiến trúc hỗn độn kiểu "mặc quần tây, đội khăn xếp". Ðã đến lúc đặt vấn đề bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống trong kiến trúc nông thôn và đưa ra quy chuẩn mẫu về nhà ở nông thôn thời hiện đại. Đây không chỉ là câu chuyện của người nông dân và của giới kiến trúc sư mà còn là vấn đề thực sự đáng quan tâm của các nhà quản lý, các cấp, ngành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.