(HNM) - Cứ gần tới mùa mưa bão hằng năm, hàng nghìn hộ dân sinh sống dọc các con sông trên địa bàn Hà Nội lại lo lắng trước sự cố đê điều. Đáng ngại hơn, các tuyến đê của Hà Nội đang chứa đựng nhiều ẩn họa khó lường và chưa có
Sạt lở nghiêm trọng
Trong vòng 10 năm trở lại đây, người dân xã Xuân Canh (Đông Anh) luôn phấp phỏng khi số phận của họ bị "treo" lơ lửng bên miệng "hà bá". Mới đây, khu vực cửa phân lưu vào sông Đuống - tương ứng vị trí từ K1+005 đến K1+012 - lại xuất hiện tình trạng nứt mặt đê và lún sụt nghiêm trọng, có chỗ kéo dài khoảng 7,5m và bề rộng khe nứt khoảng 3,5-6cm. Cũng tại vị trí này, xuất hiện nhiều khoang rỗng dưới đáy, các tấm bê tông mặt đê đã tách khỏi phần lề đất rất nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông qua đây. Theo ông Hoàng Văn Nhã, cán bộ giao thông thủy lợi xã Xuân Canh, nếu thành phố không xử lý tổng thể đê, kè khu vực cửa sông Đuống thì có thể chính nơi ăn, chốn ở của hàng nghìn nhân khẩu của xã cũng bị "hà bá" nuốt chửng. Nhớ lại những sự cố sạt lở ở khu vực này mấy năm trước, người dân xã Xuân Canh ai cũng hoảng. Thống kê, từ năm 2004 đến nay, tại đây đã xảy ra hàng chục sự cố đê, kè, mặc dù đã được xử lý nhưng mang tính cục bộ, tạm thời. Đáng ngại hơn, lòng dẫn khu vực cửa sông Đuống bị xói sâu so với đáy sông vào khoảng 18m.
Ảnh minh họa |
Thị sát một số địa phương trước mùa mưa bão năm 2014 cho thấy, hiện tượng sạt lở đê, kè xảy ra cả trong mùa khô. Tại xã Đông Quang (Ba Vì), 1,5km bờ hữu sông Hồng xuất hiện nhiều cung sạt hình trăng khuyết dài hàng chục mét, lõm sâu nối tiếp nhau. Theo người dân nơi đây, tốc độ sạt ở đoạn sông này nhanh đến nỗi, có gia đình, sau một đêm ngủ dậy đã mất trắng cả ruộng, vườn, cây cối. "Chúng tôi rất mong Nhà nước tiếp tục đầu tư xây dựng kè, giữ đất cho dân. Bởi mất đất, nhà cửa hư hỏng thì dân hết đường sống" - bà Nguyễn Thị Sang, thôn Đông Viên, xã Đông Quang, bày tỏ.
Qua tìm hiểu, diễn biến sạt lở đê điều trên địa bàn các huyện Sóc Sơn, Chương Mỹ, Thanh Oai, Mỹ Đức... cũng khá phức tạp. Tại huyện Thanh Oai, bờ tả sông Đáy thuộc địa bàn xã Kim Thư và Phương Trung dài khoảng 800m cũng xuất hiện nhiều cung sạt lở đe dọa tính mạng, tài sản của người dân. Còn bờ tả sông cụt Thanh Nham bị sụt sạt nghiêm trọng ảnh hưởng đến công trình đình, chùa, miếu của xã Mỹ Hưng. Tương tự, trên địa bàn huyện Mỹ Đức, tuyến đê hữu Đáy dài khoảng 2,64km thuộc địa bàn xã Phúc Lâm - An Mỹ cũng bị sạt lở nghiêm trọng, cần được xử lý khẩn cấp...
Hệ thống đê điều Hà Nội hiện có gần 800km, trong đó hơn 626km đã được phân cấp; 144 kè với tổng chiều dài gần 172km được kè lát mái và kè mỏ hàn; 190 cống qua đê; 234 cửa khẩu; 367 điếm canh đê; 75 điểm kho, bãi chứa vật tư dự trữ phòng chống lụt bão; 297 giếng giảm áp; 2 công trình đầu mối phân lũ là Vân Cốc và Đập Đáy. Đặc biệt, Hà Nội có hơn 37,7km đê hữu Hồng là đê cấp đặc biệt bảo vệ trực tiếp cho khu vực trung tâm thành phố... |
Nhiều vấn đề tồn tại
Theo Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội, hệ thống đê chống lũ thường xuyên và đê phân lũ trên địa bàn thành phố đều đáp ứng đủ khả năng chống lũ theo mực nước thiết kế. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, hầu hết tuyến đê chưa có "cơ hội" để thử thách trước những trận lũ lớn. Đáng ngại hơn, đê điều và công trình phòng chống lụt bão đang tiềm ẩn những nguy cơ cao xảy ra sự cố khi có báo động lũ. Về hiện trạng, tuyến đê hữu Hồng đi qua khu vực nội thành mặt cắt ngang đê cơ bản hoàn chỉnh nhưng các tuyến còn lại, một số đoạn mặt cắt chưa bảo đảm, đê cao 5m và thiếu cơ phía sông hoặc phía đồng. Đối với đê chống lũ thường xuyên (hữu Hồng, tả Hồng, hữu Đuống, tả Đuống, tả Đáy, Vân Cốc, hữu Đà, La Thạch, Ngọc Tảo, hữu Cầu, tả Cà Lồ, hữu Cà Lồ, hữu Đáy, Quang Lãng, Liên Trung, Tiên Tân dài hơn 400km) tuy chống chọi với mực nước lũ thiết kế nhưng nhiều đoạn nằm trên địa chất xấu, chỉ cần báo động số II trở lên là xảy ra sự cố mạch đùn, mạch sủi, thẩm lậu, sạt trượt. Cá biệt, có nơi xuất hiện cả tập đoàn mạch sủi như khu vực xã Sen Chiểu (Phúc Thọ). Với 5 tuyến đê phân lũ (tả Đáy, hữu Đáy, Ngọc Tảo, La Thạch, Tiên Tân tổng chiều dài trên 126km) thân đê chứa nhiều ẩn họa như hang cày, tổ mối, tổ chuột; 9 tuyến đê cấp IV (hữu Đáy II, tả Tích, tả Bùi, Mỹ Hà, Khánh Minh, Vòng Âm, Đô Tân và đê bao hồ Quan Sơn dài hơn 160km) khi có mưa lớn, nhiều đoạn phải tổ chức chống tràn; 10 tuyến đê bối (đê cấp V) dài gần 27km và 8 tuyến đê chuyên dùng dài 35,12km chưa được đầu tư nên mặt cắt nhỏ hẹp, mặt đê chưa được cứng hóa đáp ứng yêu cầu chống lũ.
Ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội thừa nhận, mặc dù thành phố rất quan tâm đầu tư nhưng chất lượng công trình phòng chống lụt bão của thành phố còn nhiều vấn đề tồn tại, có những khu vực điếm canh đê bị xuống cấp, chưa được trồng tre chắn sóng; kho vật tư chật hẹp chưa đáp ứng yêu cầu; các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt mặt đê bị biến dạng, hư hỏng do hằng ngày cõng nhiều xe tải trọng lớn... Bên cạnh đó, hiện tượng xói lở lòng sông, bờ sông, đê, kè cũng thường xuyên xảy ra, ngay cả trong mùa khô. Theo ông Hải, với hiện trạng công trình phòng chống lũ như hiện nay, phải tính đến tất cả các phương án để đối phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra đối với Thủ đô Hà Nội khi có thiên tai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.