(HNM) - Đi dọc dải đất Việt thân thương, gặp bất cứ cựu chiến binh nào của đoàn tàu không số, khi được hỏi về tầm quan trọng của bến bãi, chúng tôi đều nhận được chung câu trả lời: Bến có yên, tàu mới cập.
Từ bến Vũng Rô (Phú Yên), Lộ Giao (Bình Định), Đạm Thủy (Quảng Ngãi)... nằm ngay sát đồn bốt, trong tầm kiểm soát của căn cứ hải quân địch, mức độ nguy hiểm như nhiều cựu binh tàu không số phải thốt lên: "Chẳng hiểu sao lúc đó ta lại chọn chỗ "phơi lưng giữa ban ngày" làm điểm giao nhận vũ khí"... ở những bến được xem là khá an toàn như ở Cà Mau - nơi có lần chỉ được đón một tàu mà có tới ba tàu xin vào bến với lý do bị bão đi lạc. Khát khao lớn nhất của các thủy thủ khi vượt qua hải trình muôn vàn hiểm nguy là nhận được tín hiệu bình yên từ các bến bãi, nơi bến đỗ của tháng ngày vượt sóng gió trùng khơi, hiểm họa.
Ông Khưu Ngọc Bảy và phóng viên Báo Hànộimới bên Tượng đài đường Hồ Chí Minh trên biển ở Cà Mau. Ảnh: Anh Tuấn |
Thoạt đầu, ông Khưu Ngọc Bảy, thường gọi là Bảy Nhỏ, Trưởng ban Liên lạc Đoàn 962 - đơn vị phụ trách các bến bãi tiếp nhận vũ khí do các chuyến tàu không số từ Bắc chở vào, chỉ nhận dẫn chúng tôi đi gặp các cựu chiến binh đã tham gia Đoàn 962 hiện đang sống ở Cần Thơ. Sau khi nghe chúng tôi kể chuyến đi vất vả, ròng rã gần hai tháng trời, qua hàng chục tỉnh, thành để thực hiện loạt bài kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, ông Bảy phấn khởi đồng ý cùng xuống Cà Mau, dẫn chúng tôi trở lại chiến trường xưa.
Đi với cựu chiến binh tàu không số chúng tôi phải thuê chiếc ca nô có mái để đi từ Năm Căn tới Ngọc Hiển. Vì có ông Bảy đi cùng, nên mới phải kiếm cái ca nô hoành tráng, chứ thường mọi đận về Cà Mau, ra Đất Mũi, chỉ thuê một cái vỏ lãi, dù lúc giá xăng dầu leo cao nhất, cũng chỉ với giá èo ọt. Của đáng tội, trước lúc từ Cần Thơ xuống Cà Mau, ông Bảy có điện trước cho mấy người nhận bác là ba nuôi, đa phần họ đều là con của các cựu chiến binh Đoàn 962, nay giữ cương vị chủ chốt các sở, ngành của tỉnh, nhưng kẹt nỗi lúc ông Bảy xuống, dù đã nói trước là đi làm việc nghĩa, vừa dẫn các nhà báo đi viết về mảnh đất anh hùng, vừa rà soát lại số gia đình cựu chiến binh 962 có hoàn cảnh quá khó khăn cần trợ cấp để xây nhà, nhưng chẳng biết vì sao tất thảy đều đi công tác hoặc kẹt công chuyện, không ai giúp được. Thường thì mỗi đơn vị ở vùng sông nước này đều có vài ba chiếc xuồng lớn nhỏ để đi cơ sở, nhưng cũng chẳng ai nhớ điều cho ông Bảy một chiếc. Thế là cả nhóm đành cắn răng chịu cho cánh du lịch... chém ngọt.
Trong chuyến công tác này, vượt hơn 2 ngàn cây số từ Bắc vào Nam, qua cơ man đèo dốc, không phóng viên nào trong đoàn chúng tôi say xe, ấy vậy mà ngồi trên chiếc ca nô, rời bến mới được vài chục mét, trước mênh mông sông nước vùng cực Nam Tổ quốc, qua vài cú lắc tránh sóng ghe thuyền ngược chiều, mấy PV đã kêu chóng mặt và phải vơ vội áo phao khoác vào.
- Bây giờ trông sông nước mênh mông thế này thôi, chứ ngày trước tàu của địch ken đầy sông rạch, trên trời máy bay bu như nhặng, hai bên bờ từng toán lính sục sạo khắp nơi - ông Bảy kể. Để giữ bí mật cho con đường, giữ bến yên sẵn sàng đón các chuyến tàu, đồng bào, chiến sỹ các địa phương phải chịu nhiều hy sinh. Có lúc, hơn 1.000 hộ dân sinh sống bao đời ở Rạch Gốc (Cà Mau) trong vòng mấy tháng phải di dời hết để lấy chỗ xây dựng bến bãi. Hằng ngày, những người dân sống quanh các bến phải hứng chịu những trận bom B52, đạn pháo từ tàu chiến, máy bay... Hàng trăm người đã hy sinh vì sự bình yên của bến (riêng Đoàn 962 có 320 chiến sỹ đã anh dũng chiến đấu và mãi mãi nằm lại bên những cánh rừng đước, rừng mắm), hàng ngàn người bị nhiễm chất điôxin, nhưng không ai đầu hàng, khai báo địa điểm các kho cất giấu vũ khí. Vượt lên mất mát, hy sinh, bà con kiên quyết bám trụ, không để cho địch dồn ép vào các khu tập trung, sống bám đất, giữ rừng, nhường cơm sẻ áo với các chiến sỹ Đoàn 962 và các thủy thủ tàu không số.
- Mình cũng bị dính chất độc da cam đấy - ông Bảy nói. Mỗi bữa máy bay địch rà qua, phun thuốc xuống là cây rừng trụi hết lá. Để chống độc, bọn mình phải vùi người sâu trong bùn nước, nhưng cả khu rừng ngập trong chất độc, tránh sao khỏi bị dính. Sau này anh em truyền nhau "bài thuốc" đó là lấy nước tiểu của mình bôi lên những chỗ bị dính độc, tưởng đơn giản, nhưng cũng đỡ thương vong và bị di chứng rất nhiều. Hỏi chuyện về mình, ông Bảy chỉ cười: Mình cũng như bao anh em khác ở bến bãi thôi, một người trong muôn vạn người, có chi mà kể, được sống đến hôm nay là phước lắm rồi.
Dùng thuyền vận chuyển vũ khí từ những đoàn tàu “không số” ra chiến trường Tây Nam bộ năm 1965. Ảnh: Tư liệu |
Cùng với vũ khí từ tuyến đường Hồ Chí Minh vượt qua dãy Trường Sơn, súng đạn, quân trang, thuốc theo các chuyến tàu không số từ Bắc vượt biển vào chi viện đã làm thay đổi về chất cục diện chiến trường. Trước ta chủ yếu chiến đấu với những vũ khí tự tạo, nghe mấy bác du kích Đất Mũi kể về những trận vây đồn địch bằng súng bập dừa tự chế, dùng khí đá giả tiếng đại bác, dùng súng "ngựa trời" để bắn tàu giặc mà chúng tôi muốn chảy nước mắt. Súng ống yếu đến mức lúc du kích ta đi săn tàu trên sông, bắn đì đọp phát nổ, phát sịt, lính ngụy cười hô hố, đứa lấy gậy gõ vào thành tàu, đứa chõ loa vào bờ mà hét: "Mấy ông Việt cộng ơi, xin chú ý đây là tàu sắt". Sau đó bọn chúng vừa nã súng máy, vừa ào vào những chỗ nghi ta đang nấp. Những trận đánh đó, được cánh ta nói là đánh cho "có hơi người", cho địch biết du kích của ta còn hoạt động mạnh.
Cái cảnh "Châu chấu đá voi" đó chắc sẽ còn kéo dài dài, nếu không có những khẩu súng, viên đạn thấm đẫm mồ hôi và cả máu của các chiến sỹ tàu không số vượt biển mang vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Với 124 lần cập bờ an toàn tại những bến ở Long Vĩnh, Trường Long Hòa (Trà Vinh); Thạnh Phú, Bình Đại (Bến Tre); Phước Hải (Bà Rịa); Rạch Gốc, Bồ Đề... (Cà Mau) hàng vạn tấn vũ khí đã giúp du kích, chiến sỹ quân giải phóng lập những chiến công vang dội. Tại Bà Rịa, các cựu chiến binh kể, đã có lần, cả trung đoàn bộ binh ém quân cạnh bến chờ nhận hơn 40 tấn vũ khí từ hậu phương lớn chuyển vào để kịp tham gia chiến dịch Bình Giã II - chiến dịch lớn của quân giải phóng miền Nam. Máy bay và quân dù của Mỹ - ngụy bị đánh tơi tả ở trận Cái Nước - Chà Là. Bọn tướng tá ngụy khi nghe báo về, hốt hoảng ra lệnh tình báo cho do thám, quân địa phương phải dò tìm bằng được vì sao Việt cộng có được súng phòng không? Giữa Đồng Tháp mênh mông nước, chiến thuật "trực thăng vận", "thiết xa vận" của địch bị đánh tan tành. Trong những trận chiến ác liệt đó, bọn địch thực sự bất ngờ khi thấy ta có hỏa lực mạnh như ĐKZ, B40, B41 súng cao xạ, thậm chí sau này ta vận chuyển cả những quả ngư lôi hơn một tấn để đánh chìm tàu vận tải hạng nặng của địch.
Chúng tôi đã được đọc những dòng như thế này trong nhật ký của Thuyền trưởng Lê Văn Một - người đã chỉ huy chiếc tàu đầu tiên đưa vũ khí từ Bắc vào: Đất này ông Dĩa là thổ công. Không ngại nữa. 5 giờ, nhìn thấy bờ. Trong vàm, có hai, ba ghe máy đậu. Ông Dĩa căng lưới lên, làm hiệu. Thuyền trong bến nhận biết, chạy ra đón. Tàu vô vàm, neo lại nơi rạch CG (Chùm Gọng). Ghe thuyền lần lượt vô lấy hàng. Hai ngày, việc mới xong. Tám năm xa quê, nay gặp lại, mừng khôn xiết. Anh em ở bến hết sức sung sướng, mở tiệc chiêu đãi. Tiệc thịt cầy. Vui ơi là vui! Mình uống đến xỉn... Vào dịp đó, địch mở cuộc càn quét mang tên "Sóng tình thương" vào vùng Năm Căn, Cà Mau. Tàu của chúng như cua, bò khắp kênh rạch. Nhưng nhờ có súng chống tăng mới đưa vào, du kích "làm ăn" khá. Cứ mỗi trái làm một tàu. Du kích nấp trong bờ, chờ tàu địch vào gần là bóp cò. Cả chiến dịch, địch mất hai mươi chiếc. Chúng kéo về nằm ngổn ngang dọc sông Cà Mau.
Đã hẹn trước, chúng tôi được con cháu gia đình Anh hùng Bông Văn Dĩa đón tiếp rất chu đáo với những sản vật địa phương như ốc dừa, ba khía... Ngôi nhà nằm ngay mép kênh lộng gió. Cột, sàn đều làm bằng gỗ đước lâu ngày lên nước đen bóng, đi mát lịm chân. Trong lúc vừa nhậu, vừa trò chuyện, ông Bảy đưa tôi một trái mắm nói: "Bay ăn thử coi sao?". Mới bập răng vào, vị chát đắng của trái mắm làm tôi muốn tụt lưỡi. Nhìn tôi ngúc ngoắc cái đầu, mặt nhăn nhó, ông Bảy cười hiền: "Có thời gian, địch phong tỏa mọi con đường vào cứ, dân và bộ đội nhường nhau từng hạt gạo. Rồi gạo cũng hết, mấy tháng trời bọn mình cùng dân quanh vùng phải ăn trừ trái mắm đó. Để trái mắm thành thực phẩm là bao công sức, mồ hôi của các chị, các má phải thức đêm luộc bảy tám lần cho hết chát, sau cho thêm ít đường, ăn thấy bùi bùi, dễ nuốt mà lâu đói".
Cầm bó đũa làm bằng gỗ đước, được tiện, chuốt khá đẹp do người cháu Anh hùng Bông Văn Dĩa tặng, một PV trong đoàn chúng tôi có sáng kiến được tất cả đồng tình, đó là sẽ đem những bó đũa từ nhà của người Anh hùng nơi tận cùng Tổ quốc về làm đũa thờ. Ông Bảy nói, những lúc thiếu gạo, các má, các chị phải vót đũa đước suốt ngày đêm, vót tứa máu tay mà chưa thôi, cố làm nhiều đũa để đổi lấy gạo cho bộ đội...
Chúng tôi năn nỉ xin được đưa ông Bảy từ Cà Mau về Cần Thơ, nhưng ông dứt khoát không nghe vì biết chúng tôi còn phải đi Kiên Giang, nếu quay về Cần Thơ sẽ phải đi mấy trăm cây số và mất thêm ngày nữa. Ông nói, chuyến này, mình cao tuổi nhất, mình làm thuyền trưởng, vì thế các bạn phải nghe lệnh mình. Nhìn bóng dáng nhỏ bé của ông dần lẫn vào bao người dân thị trấn Năm Căn đang tất bật mưu sinh, lòng chúng tôi ngập tràn nỗi buồn. Ít bữa nữa thôi, ông Bảy phải quay lại Cà Mau, lo thủ tục xin kinh phí xây nhà tình nghĩa cho đồng đội. Nghe đâu như trong số hộ nghèo của các cựu chiến binh Đoàn 962 còn nhiều người đang sống trong những căn nhà tạm, sống trong cảnh nghèo khó, bệnh tật. Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển đã được các địa phương xây dựng kịch bản rất hoành tráng. Hẳn nhiều người đã góp phần viết nên huyền thoại một con đường trên biển Đông sẽ không có mặt trong rừng cờ hoa và những lời ngợi ca. Có thể là do sức khỏe, cũng có thể là do không có điều kiện kinh tế. Rồi chẳng mấy lại đến lễ kỷ niệm 55 năm. Nào biết ai còn, ai mất? Thời gian trôi nhanh quá!...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.