Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 17: Những anh hùng thầm lặng

Đức Huy| 10/10/2011 06:29

(HNM) - Chuyện về tàu "không số" có nhiều, ai cũng muốn tôn vinh những anh hùng biển cả. Những ngày qua, nhóm PV Hànộimới đã cố gắng chuyển tải những tấm gương tiêu biểu, đa số thuyền trưởng, chính trị viên tàu "không số". Nhưng còn những thợ máy, hoa tiêu, báo vụ… trên tàu, rồi người của Đoàn 125 làm nhiệm vụ trên bờ thì sao?

Đoàn tàu "không số" và con đường Hồ Chí Minh trên biển là con đường mang màu sắc huyền thoại. Con đường không cầu cảng, chẳng hoa tiêu, chỉ có những chiến sĩ hải quân với trái tim quả cảm và niềm tin tất thắng dẫn đường.

Nói vậy thì chưa đủ, bởi muốn thắng một cuộc chiến lớn thì cần nhiều thứ hơn là chỉ có tinh thần xả thân.

Với nhiệm vụ vận chuyển vũ khí vào Nam của Đoàn 125 cũng vậy.

Những người hùng "kín tiếng"

Trên đường theo dấu chân cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125, nhóm PV Hànộimới không chỉ gặp nhiều thuyền trưởng, nhiều chính trị viên, mà còn gặp nhiều nhân chứng khác. Họ là báo vụ, quân y, là hoa tiêu, máy trưởng, pháo thủ… trên tàu "không số".

Lúc ấy, biên chế cho một tàu thường dao động từ hơn chục đến 21, 22 người, tùy nhiệm vụ cụ thể. Người nào việc nấy, nhưng cũng có khi phải kiêm nhiệm ngoài nhiệm vụ chính được giao. Hôm chúng tôi vào Nghệ An, ông Nguyễn Đình Sin, người TP Vinh, từng giữ chân báo vụ 1 trên tàu "không số" kể thế này: "Ngay chân báo vụ cũng thường có báo vụ 1, báo vụ 2. Mỗi anh kiêm mấy việc, như báo vụ 2 trên tàu của tôi thì kiêm luôn chân quân y, pháo thủ, dây sau chứ không chỉ biết tích tè hay ghi nhật biên".

Người thủy thủ tàu không số Nguyễn Đình Sin khám bệnh cho đồng đội cũ Nguyễn Hữu Tuần trong lần về thăm nhau. Ảnh: Dương Hiệp

Tàu ta trên biển gặp tàu Mỹ, ngụy như cơm bữa, sự sống và cái chết có khi phụ thuộc vào cách ra cờ của anh giữ chân quan thông, như người trên tàu thường gọi là "chuyên cờ, đèn, kèn hiệu". "Có khi báo vụ phải kiêm nhiệm vụ quan thông. Nghĩ ra, người này cũng giỏi, đánh cờ tay mà ra cả chữ Tây chữ ta, đúng luật hàng hải quốc tế. Anh lại phải biết pháo lệnh, bắn bao nhiêu quả thì ý tứ là sao, lại phải nắm chắc cách dùng đèn chớp để ra ký hiệu nữa" - ông Nguyễn Đình Sin nói.

Đi tàu "không số", có hoàn thành nhiệm vụ hay không phụ thuộc vào nỗ lực tập thể, mà về chuyện đó thì không ít lần chúng tôi nghe đánh giá Đoàn 125 là một tập thể mạnh. Tàu nào cũng vậy, nhiều lần đối diện nguy nan, tình thế ngàn cân treo sợi tóc nhưng thoát hiểm nhờ cả tập thể huy động triệt để trí lực. Nhiều chuyến không tìm được bờ, lại gặp bão, vài ngày tiến lùi, soi vật chuẩn thấy chẳng nhích được hải lý nào. Có những chuyến bị tàu địch theo mấy ngày ròng. Những lúc ấy, người nào người nấy lo việc tránh để lộ tung tích tàu. Giả tàu đi buôn từ Mã Lai, Thái Lan về thì cho người ăn mặc "chim cò" lên boong ra chiều hóng hớt. Tàu vững tay lái, lừ lừ đi giữa hai hàng tàu địch kẹp hai bên, chứ chỉ thoáng vẻ hốt hoảng là lộ ngay. Đại úy Nguyễn Đình Cừ, người Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh, quãng năm 1965 là thủy thủ trưởng kiêm chân hàng hải 1 trên tàu của Thuyền trưởng Phan Vinh, từng tham gia 10 chuyến vận chuyển vũ khí vào Nam, nói: "Có lần mất ba đêm không vào được bờ. Rồi tàu mắc cạn. Chuyến ấy chở nhiều cán bộ trung cao vào tăng cường cho chiến trường, trong đó có Thượng tá Nguyễn Thế Bôn, để lộ thì thiệt hại khôn lường. Chúng tôi người nào người nấy nghĩ nát óc, tính toán thủy triều, căn chỉnh tốc độ, mãi mới thoát ra được. Lần đầu trong 4 năm lái tàu tôi phải nhìn cảnh tàu ta treo cờ ngụy, tức anh ách. Hôm ấy mà không nhanh là ăn đạn của giang đoàn ngụy rồi".

Lính tàu "không số" rất khoái kể chuyện đánh lừa tàu địch. Ông Huỳnh Tiến, người gốc Thạnh Phú - Bến Tre, 14 tuổi đã làm liên lạc cho cách mạng, tham gia chuyến vượt biển ra Bắc xin vũ khí, hiện sống ở ngoại ô TP Vũng Tàu nói với chúng tôi: "Chuyến ấy chúng theo tàu tôi ròng rã. Chúng bắc loa gọi tàu Việt Cộng, đầu hàng đi. Anh em treo cờ Hồng Kông, treo cá trên boong, cứ tiến đều, giả như không hiểu gì. Thằng ngụy ngu, bảo phát hiện rồi nhưng lại chuyển sang hỏi bằng tiếng Hoa. Đánh thêm cờ, thế là chúng bỏ, không theo nữa. Ngẫm lại, hôm ấy nếu mình non gan, ngụy trang không tốt, nổ súng hoặc chạy là tiêu rồi”.

Nói về thành viên tàu "không số", ông Vĩnh Mẫn (tức Phan Thắng, hiện ở đường Nguyễn Sinh Cung - TP Huế), nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Đoàn 125 đúc kết: "Có mặt trên tàu "không số" đều là những người được chắt lọc, dám xả thân với tinh thần Tổ quốc là trên hết. Mỗi người một nhiệm vụ, ai cũng trung thành, triệt để chấp hành mệnh lệnh".

Sức mạnh hậu phương

Ông Vĩnh Mẫn nói, nghĩ về con tàu "không số" thấy có nhiều yếu tố dẫn đến thành công nhưng yếu tố con người phải là số một.

Thành viên "không số" nửa thế kỷ trước gồm những ai? Đầu tiên phải kể hơn ba chục người từ Cà Mau, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu… vượt biển ra Bắc xin vũ khí. Sau đó là lớp ra Bắc tập kết, gồm cả người Nam bộ, khu V, Bình Trị Thiên. Ra Bắc để đào tạo chính quy về khoa học quân sự, lớp dân sự có dân đi biển nhiều kinh nghiệm, thông thuộc địa bàn tập kết vũ khí. Họ ra đi, theo Cụ Hồ, giao quê hương lại cho ngụy quyền, "ngày Bắc đêm Nam" nên quyết tâm lắm. Sau khi đường mòn Hồ Chí Minh trên biển hình thành, tàu "không số" đón thêm lớp chiến sĩ nghĩa vụ người Bắc. "Ba đối tượng trong một đoàn tàu, những người trung kiên nhất trong số trung kiên, hợp thành chi bộ trên mỗi con tàu. Đó là một tập thể rất mạnh" - ông Vĩnh Mẫn nhận định. Những con người kiên trung ấy lên tàu vượt biển, mỗi lần xuất phát là xác định hy sinh. Nhưng họ không ra khơi một mình, ở đằng sau đã có cả một bộ tham mưu dõi theo đường đi nước bước, hỗ trợ từng ly.

Hôm vào xã Quang Lộc (huyện Can Lộc - Hà Tĩnh), chúng tôi được nghe chuyện từ Đại tá Nguyễn Hữu Tuần, cựu Trưởng Tiểu ban Tác chiến - Huấn luyện của Đoàn 125, trực tiếp lập kế hoạch cho các đội tàu "không số" vào 19 bến ở 9 tỉnh từ Nam Trung bộ vào Nam bộ, sau làm trợ lý cho Thượng tướng Lê Ngọc Hiền, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam. Lúc ấy mới rõ người trên biển được bộ phận tham mưu trên bờ hỗ trợ thế nào. Ông Nguyễn Hữu Tuần nói: "Lúc đầu ta đi ven bờ, ngụy trang theo kinh nghiệm chứ chưa có phương án tác chiến rõ ràng. Bốn chuyến tàu gỗ ban đầu vào Vàm Lũng đã đành, ngay cả bốn chuyến tàu sắt năm 1962 vẫn chủ yếu đi theo kinh nghiệm của người địa phương. Tôi nhớ đến năm 1963, khi địch bắt đầu đánh hơi ta có tàu chở vũ khí vào Nam và lực lượng vận chuyển vũ khí của ta cũng lớn hơn thì phương án tác chiến mới bắt đầu rõ ràng".

Năm 1963, Bộ Tư lệnh Hải quân (BTL) thành lập Phòng B, có nhiệm vụ tham mưu cho thủ trưởng BTL chỉ huy Lữ đoàn 125 hoạt động vận tải trên biển. Sau đó ít lâu, để bảo đảm công tác chỉ huy vận tải biển vận hành tốt hơn, BTL giải thể Phòng B, đưa người về Đoàn 125 trực tiếp lập kế hoạch vận tải biển. Lúc ấy, ngoài công tác chính trị, động viên cán bộ, chiến sĩ đi tàu thì việc quan trọng là lập kế hoạch vận chuyển. Nói là kế hoạch nhưng thực ra việc rất nhiều, từ dự trù bến bãi, liên thông với bộ đội địa phương nơi tàu vào đến xây dựng phương án chiến đấu trên biển, khi gặp địch ở bến… Ta có nhiều phương án vận chuyển, nói gọn là đi hợp pháp, bán hợp pháp và đi bất hợp pháp. Mỗi hình thức vận chuyển cần có loại tàu, con người cụ thể và những loại giấy tờ riêng, đến vật dụng trên tàu cũng phải tính toán thật kỹ. Rồi cũng phải tính toán phương thức giao hàng, quyết tâm chiến đấu trong những trường hợp cụ thể. Ông Nguyễn Hữu Tuần nhớ lại: "Khi đó bến dã chiến trong vùng kiểm soát của địch, trên biển thì đầy tàu chiến Mỹ, ngụy, nên rất nhiều tình huống được đặt ra. Chúng tôi quy ước cách xử lý khi gặp tàu địch ở những vùng biển cụ thể, cách giao hàng ở Tây Nam bộ, Nam Trung bộ có đặc điểm khác nhau. Từ phương thức giao hàng lại xác định phương pháp huấn luyện, như kỹ năng thả hàng trên biển ở Nam Trung bộ, nơi không có bến đàng hoàng. Phương châm chiến đấu cũng vậy, rất cụ thể, mục tiêu chung là cố gắng giữ hàng, phương tiện, con người được an toàn. Khi tàu ra khơi, liên lạc thông suốt".

Là nói vậy, thực tế trên biển nhiều khi khác xa dự kiến. Chiến trường mỗi lúc một ác liệt, đặc điểm vận tải biển cũng có sự khác theo thời gian, nên nhiều khi kế hoạch phải có sự điều chỉnh. Như lúc đầu, khi chưa vướng sự kiện Vũng Rô (tàu ta bị lộ), thì ưu tiên tối thượng là giữ bí mật, bị lộ là phải hủy tàu, hủy hàng, thậm chí là hy sinh người để bảo vệ con đường vận chuyển không bị lộ. Nhưng sau đó, khi địch đã biết chính xác về đường mòn Hồ Chí Minh, thì vấn đề bảo toàn lực lượng được đặt ra: hủy hàng, phương tiện nhưng cho phép cán bộ, chiến sĩ rời tàu, chấp nhận khả năng bị địch bắt. Người trên bờ chuẩn bị cho chiến sĩ đi biển rất cẩn thận. Ngoài việc giữ bí mật khi tàu còn ở miền Bắc là chuẩn bị các loại biển ký hiệu tàu, đủ để vào lãnh hải nước nào cũng có để treo. Lính tàu "không số" thời ấy có đủ của hiếm như bia, bánh kẹo, quần áo "dân chơi", tất cả đều không để lộ xuất xứ…

Chuyện tàu "không số", vì vậy không chỉ là chuyện của những thuyền trưởng, những chính trị viên nắm quyền quyết định, mà còn là công lao của những người dưới quyền họ, những bộ phận khác hỗ trợ họ từ bờ xa. Nếu những thợ máy, lái tàu, hoa tiêu, báo vụ… không giỏi, không một lòng vì mục tiêu chung thì nhiệm vụ lớn khó thành.

Tổ quốc và nhân dân ghi công các anh!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 17: Những anh hùng thầm lặng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.