(HNM) - Đã có nhiều nghị quyết về xây dựng Đảng, trong đó có nội dung về đạo đức; nhiều chỉ thị của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; quy định đảng viên không được làm, nhưng hiện nay vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Đảng về đạo đức. Bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”...
Thực tế hiện nay cho thấy, càng đi vào đổi mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa, hội nhập, lại càng phải xây dựng Đảng về đạo đức. Đây là một trong những mục tiêu bảo đảm thành công công tác xây dựng Đảng, làm cho Đảng đủ năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu. Những năm qua, nơi này nơi khác, lúc này lúc khác, ở các cấp khác nhau, vẫn còn một số cán bộ chưa nhận thức một cách sâu sắc vấn đề này. Có chỗ chỉ nặng về kinh tế, chưa quan tâm đầy đủ nội dung đạo đức trong xây dựng Đảng; hoặc xem nhẹ, làm chưa đến nơi đến chốn, làm chiếu lệ. Thậm chí có ý kiến cho rằng phát triển kinh tế thị trường, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, mà kêu gọi cán bộ, đảng viên trong sạch, liêm chính thì làm sao làm giàu được.
Các nghị quyết của Đảng đã nói nhiều về các nhóm giải pháp về xây dựng Đảng nói chung, xây dựng đạo đức trong Đảng nói riêng. Trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong tình hình hiện nay, cần tập trung vào mấy giải pháp cơ bản sau:
Một là, đẩy mạnh giáo dục tư tưởng, chính trị. Có quan điểm cho rằng, chúng ta giáo dục nhiều tầng nấc và biện pháp đó bây giờ không còn tác dụng. Nghĩ như vậy là sai, bởi trong đời sống kinh tế - xã hội, muốn thực hiện tốt mọi công việc đều cần phải đi “hai chân” là hiểu thấu và làm đúng. Không hiểu thấu không thể làm đúng. Hiểu sai, lệch lạc thì hành động sai. Với cán bộ, đảng viên lại càng cần phải được giáo dục thường xuyên, liên tục. Không phải chỉ nâng cao dân trí mà phải nâng cao “Đảng trí”. Bởi vì, tính xấu của một người thường chỉ có hại cho người đó, còn tính xấu của một đảng viên, một cán bộ sẽ có hại đến Đảng, có hại đến nhân dân, nhất là cán bộ, đảng viên có quyền mà không được giáo dục, rèn luyện thì dễ trở nên hủ bại.
Nhiều cán bộ, đảng viên không hiểu thấu một điều rằng, bao nhiêu quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân, còn bổn phận của mình là đầy tớ, công bộc, phục vụ nhân dân, thực hiện “trợn mắt coi khinh nghìn lực sĩ. Cúi đầu làm ngựa các nhi đồng” như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói. Vì vậy, khi chưa có quyền thì họ mua quyền, chạy chức; khi có một chút quyền hành trong tay thường hay lạm dụng, ra mặt “làm quan cách mạng”, lộng quyền, tham quyền cố vị.
Mặt khác, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên không thấy hết sự nguy hại, tổn thất không lường được đối với Tổ quốc và nhân dân do sự tha hóa quyền lực. Họ chưa ý thức được rằng, nếu cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền, cán bộ cao cấp không tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức thì sẽ đổ vỡ tất cả. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Cần khẳng định, ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”.
Vì thế, trong giai đoạn hiện nay, nội dung giáo dục tư tưởng, chính trị nên tập trung vào nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm. Cụ thể là tăng cường giáo dục trong toàn Đảng về mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; về nhiệm vụ, trách nhiệm và đạo đức của người cán bộ, đảng viên, cao nhất là chí công vô tư.
Hai là, bản thân mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền, cán bộ cao cấp phải tu thân, chính tâm, rèn luyện, tu dưỡng hằng ngày, suốt đời, tận tâm, tận lực, vì nước, vì dân. Không tu dưỡng, không có tính liêm sỉ sẽ trở thành những con người phi nhân tính. Con người đã hư hỏng thì không một bộ máy, cơ chế nào có thể phát huy nổi hiệu lực, thậm chí thành công cụ của cái ác. Sự tu dưỡng, tự giác của cá nhân vô cùng quan trọng. Có cái pháp luật không cấm nhưng lương tâm, đạo đức, đạo lý không cho phép làm. Vì vậy, sự tu thân, chính tâm là hết sức thiêng liêng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói pháp luật không trị hết được. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết: “Không có đạo đức thì tài năng dễ mai một, nguy hiểm hơn nữa là dễ bị dùng vào những việc xấu xa, gây tác hại không lường được cho cách mạng”.
Ba là, hoàn thiện cơ chế, tính khoa học của bộ máy, cơ bản nhất là xây nền dân chủ. Sự tha hóa không thể chấm dứt chỉ bằng tu dưỡng đạo đức mà chỉ có thể bị đánh bại bằng cơ chế. Giáo dục và tu dưỡng là nói đến “đức trị”; cơ chế, bộ máy là nhấn mạnh mặt “pháp trị”. Chúng ta đã có một hệ thống pháp luật khá hoàn chỉnh. Các nghị quyết, quy định, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng liên quan đến công tác xây dựng Đảng cũng có thể coi là đủ. Tuy nhiên, vì đời sống thực tiễn vô cùng phong phú, nên phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện. Luật không thể cứ chạy theo thực tiễn. Còn nội dung “xây” và “chống” trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng cần được nghiên cứu bổ sung, đặc biệt là nhận diện biểu hiện quan liêu, dung túng, ấp ủ cho tham nhũng, lãng phí.
Một vấn đề quan trọng khác là công tác thể chế hóa, hiện thực hóa, cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, nói cách khác là “đưa nghị quyết vào cuộc sống” phải làm tốt hơn nữa. Muốn vậy, cần kết hợp nghiên cứu lý luận về xây dựng đạo đức trong Đảng với việc tổng kết thực tiễn, thường xuyên xem xét các nghị quyết, chỉ thị nói chung, liên quan đến đạo đức nói riêng đã thi hành đến đâu, thi hành như thế nào, nếu không chỉ là lời nói suông, hại đến lòng tin của quần chúng.
Đặc biệt nhất là Đảng cần thực hành dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân tốt hơn nữa. Dân chủ là dựa vào quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng. Pháp luật là tối thượng, nhưng chỉ dựa vào pháp luật, chờ để pháp luật xử lý là hạ sách. Phải dựa vào quần chúng, ngay cả việc “nhốt” quyền lực thì cái “lồng quần chúng” mới thật sự vững chắc. Theo quan điểm của Lênin, Hồ Chí Minh nêu lại tinh thần không xử bắn lũ ăn của đút lót, mà xử một cách pha trò, mềm mỏng, nhẹ nhàng, thì đó là một điều xấu hổ cho những người cộng sản, những người cách mạng. Tuy nhiên, Người cũng nhấn mạnh bắt một tên trộm, có nghĩa lý gì, vì còn có hàng nghìn hàng vạn tên giặc như vậy nên cần phải có một biện pháp nghiêm ngặt hơn để trừng trị. Theo Người, “biện pháp ấy là gây nên một đạo đức để ngăn ngừa trộm cắp, gây nên một phong trào quần chúng gớm ghét, bao vây lũ giặc ấy. Biện pháp ấy là gây nên một cuộc vận động trong công nông chống trộm cắp; làm cho lũ trộm cắp “đường hoàng” cũng như trộm cắp kín đáo - không sống còn được”.
Quần chúng nhiều tai, mắt, cái gì họ cũng nghe, cũng thấy, cũng biết. Nhân dân nhiều kinh nghiệm, hay so sánh và so sánh đúng. Nhân dân cũng hết sức tài trí, sáng tạo, sức mạnh và sẵn tinh thần hăng hái. “Dân biết nhiều việc mà các cấp lãnh đạo không biết. Việc gì cũng phải bàn với dân; dân sẽ có ý kiến hay”. Từ nhận thức khoa học đó, để chống sự suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chúng ta phải phát động tư tưởng của quần chúng, làm cho quần chúng khinh ghét tội tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”.
Quan điểm trên của Hồ Chí Minh có giá trị trường tồn, mãi mãi soi đường cho cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng. Với tinh thần đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: “Phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải quyết tâm làm và làm cho bằng được; ngược lại, cái gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm”.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.