(HNM) - Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI)
Đây là công việc hệ trọng, khó khăn nhưng phải làm và làm cho bằng được. Hơn bất cứ lúc nào, sự tiên phong, gương mẫu, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu là vô cùng quan trọng, có tính quyết định. Đồng chí Nguyễn Lan Hương, Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy Hai Bà Trưng đã dành cho Báo Hànộimới cuộc trao đổi thẳng thắn về vấn đề này.
- Người đứng đầu có vai trò vô cùng quan trọng, trong phạm vi hẹp quyết định đến kết quả hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương; phạm vi rộng quyết định đến sự thành bại của sự nghiệp cách mạng của cả quốc gia, dân tộc. Là người đứng đầu một đảng bộ có 17.000 đảng viên, đồng chí suy nghĩ như thế nào về hai chữ "trách nhiệm"?
- Tôi luôn tâm niệm, người đứng đầu phải là tấm gương về đạo đức, lối sống, tác phong công tác, phẩm chất, năng lực để cấp dưới noi theo. Trong mọi trường hợp, họ phải chịu trách nhiệm nặng nề hơn cán bộ cấp dưới. Tuy nhiên, vẫn có người đứng đầu chưa đề cao và phát huy trách nhiệm cá nhân trước tập thể, chưa thực sự là đầu tàu gương mẫu về phẩm chất, lối sống trong công tác, sinh hoạt… dẫn đến không hoàn thành nhiệm vụ được giao, làm mất niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân.
Tôi cho rằng, để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết TƯ 4, mỗi cấp ủy cần làm ngay là xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy; xây dựng, rà soát và bổ sung quy chế làm việc; phân cấp quản lý, phân công nhiệm vụ rõ ràng. Đi đôi với đó, cấp ủy phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác của người đứng đầu. Ngoài sự giúp đỡ của tập thể, bản thân người đứng đầu phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc trách nhiệm của mình trước đơn vị; từ đó có sự gương mẫu về mọi mặt, chuẩn mực trong lối sống, công tác. Trong thực hiện Nghị quyết TƯ 4, bản thân tôi xác định, mình phải gương mẫu trong việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình; không bảo thủ, chủ quan, tự mãn; phải thực sự là trung tâm đoàn kết của cơ quan, địa phương để cấp dưới làm theo.
- Nghị quyết TƯ 4 đã khẳng định quyết tâm đổi mới mạnh mẽ công tác đánh giá cán bộ, kiên quyết thay thế cán bộ yếu kém. Triển khai quyết tâm này ở Đảng bộ quận Hai Bà Trưng liệu có gặp khó khăn và làm sao để đánh giá cán bộ đúng thực chất?
- Đánh giá cán bộ là việc khó, nhạy cảm, nhưng khó mới cần phải đổi mới, làm cho công tác cán bộ tốt hơn lên. Đúng như nhận định trong Nghị quyết TƯ 4, thời gian qua công tác đánh giá cán bộ dù đã thực hiện đúng quy trình, thủ tục, chú trọng mở rộng dân chủ để đánh giá cán bộ sát hơn nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, mà biểu hiện là cách đánh giá còn hình thức, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa lấy hiệu quả giải quyết công việc làm thước đo, còn có biểu hiện xuê xoa, chiếu lệ, thiếu tính chiến đấu và tinh thần xây dựng trong công tác cán bộ.
Để đánh giá cán bộ thực chất hơn, tới đây thực hiện Nghị quyết TƯ 4, Đảng bộ quận Hai Bà Trưng ngoài việc căn cứ vào hệ thống tiêu chuẩn chức danh sẽ mở rộng đối tượng cho ý kiến đánh giá cán bộ, kiên quyết khắc phục cách đánh giá cảm tính, thiếu khách quan. Quận ủy sẽ chú trọng phát hiện cán bộ có năng lực để đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng. Không chỉ căn cứ vào bằng cấp, học vị của cán bộ, mà còn chú trọng các tiêu chuẩn về bản lĩnh chính trị, năng lực tư duy, khả năng tổ chức, điều hành công việc… Kết quả đánh giá sẽ được công khai để cán bộ coi đó là động lực phấn đấu, vươn lên; khắc phục các biểu hiện lệch lạc, thành kiến cá nhân, bè phái cục bộ. Ban Thường vụ Quận ủy đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ, gắn đánh giá với luân chuyển cán bộ. Ngay những tháng đầu năm 2012, quận đã thực hiện việc công khai kế hoạch luân chuyển cán bộ, công chức. Cũng để nâng cao hiệu lực công tác đánh giá cán bộ, trong quý I, quận ủy đã thi hành kỷ luật 9 cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ.
- Cần phải xây dựng, chỉnh đốn Đảng vì theo Nghị quyết TƯ 4 có nguyên nhân vai trò, năng lực lãnh đạo của một số tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) còn yếu, nhất là khi xử lý các công việc, lĩnh vực phức tạp... Vậy ở Đảng bộ quận Hai Bà Trưng có tình trạng này không?
- Đảng bộ quận Hai Bà Trưng hiện có tỷ lệ đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu rất lớn (gần 70%). Đây là đội ngũ đảng viên có quá trình cống hiến và nhiều kinh nghiệm công tác nên trong sinh hoạt Đảng họ rất thẳng thắn đóng góp ý kiến; tuy nhiên đôi lúc có ý kiến gay gắt, áp đảo khiến số cán bộ đương chức, nhất là những đồng chí trẻ tuổi cảm thấy bị "lép vế", tự ti, thiếu mạnh dạn trong công tác. Ngược lại, có những đồng chí cán bộ trẻ thiếu khiêm tốn, tự cao tự đại, ít lắng nghe các ý kiến đóng góp nên chưa tạo được niềm tin và tiếng nói chung ở cơ sở. Cả hai biểu hiện này đều gây trở ngại cho hoạt động chung, chưa phát huy hết vai trò lãnh đạo của TCĐ.
Cụ thể hóa Nghị quyết TƯ 4, tới đây chúng tôi tiếp tục tập trung xây dựng TCCSĐ vững mạnh, đoàn kết, thống nhất, có năng lực lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhất là việc khó khăn, phức tạp như quản lý trật tự xây dựng, quản lý đô thị, phòng chống tệ nạn xã hội... Để làm được điều đó, chúng tôi chú trọng bồi dưỡng đội ngũ cấp ủy, nhất là người đứng đầu thực sự vững vàng, đủ bản lĩnh, trình độ giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra. Đồng thời, thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, chủ động nắm bắt, dự báo diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên để có biện pháp xử lý kịp thời. Ngoài ra cần phải duy trì nghiêm túc các nguyên tắc, chế độ, phát huy dân chủ trong sinh hoạt Đảng. Hiện tại, Quận ủy đã phân công các đồng chí cấp ủy viên về sinh hoạt Đảng ở cơ sở để hướng dẫn các chi bộ nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng; xác định nội dung cụ thể, các biện pháp giải quyết những vấn đề nảy sinh tại địa phương, đơn vị. Điều quan trọng nữa là tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng; kiểm tra, giám sát; không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy. Trong nhiệm kỳ này, Quận ủy Hai Bà Trưng đã ban hành quy định về "Mối quan hệ chi bộ với các tổ chức chính trị - xã hội ở khu dân cư" nên việc triển khai nội dung cấp bách thứ ba của Nghị quyết TƯ 4 "Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị..." sẽ thuận lợi.
- Nội dung tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng được TƯ đánh giá là còn nhiều hạn chế. Tình hình này tại Đảng bộ quận Hai Bà Trưng ra sao và việc kiểm điểm tự phê bình, phê bình theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4 trong Đảng bộ sẽ được thực hiện như thế nào?
- Có một thực trạng đã tồn tại nhiều năm nay ở một số TCCSĐ là xem nhẹ công tác đấu tranh tự phê bình, phê bình, nhiều khi còn né tránh vì những vấn đề đưa ra phê bình liên quan đến bản thân cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu. Nhiều lần bỏ qua, né tránh như vậy, chính người đứng đầu đã tự làm mất vũ khí đấu tranh tự phê bình, phê bình trong sinh hoạt Đảng, mất niềm tin với cán bộ, đảng viên, giảm tính chiến đấu trong sinh hoạt Đảng. Ở đảng bộ chúng tôi có nơi cũng có những biểu hiện như vậy.
Để khắc phục nhược điểm này, nhất là để thực hiện tốt nhóm giải pháp thứ nhất về tự phê bình và phê bình đòi hỏi người đứng đầu phải gương mẫu. Có bản lĩnh nghe và tiếp nhận các ý kiến phê bình và phản ứng của cấp dưới, của quần chúng; tránh biện minh, tranh cãi, đổ lỗi cho người khác, hoặc cho tập thể. Cần thiết phải xây dựng không khí sinh hoạt Đảng thực sự dân chủ, văn hóa, tạo điều kiện cho mỗi cán bộ, đảng viên được trình bày ý kiến, trao đổi, góp ý xây dựng cho tập thể, cho cán bộ lãnh đạo... với một trách nhiệm cao, vì sự đoàn kết, lớn mạnh của TCĐ... Tinh thần đó dứt khoát sẽ được thể hiện trong việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình của các cấp ủy ở Đảng bộ quận Hai Bà Trưng.
- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.