(HNM) - Mặc dù đã chứng kiến, viết bài về hàng trăm cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, thế nhưng tôi vẫn không khỏi xót xa khi chứng kiến cuộc đình công của công nhân Công ty Giai Đức, Khu công nghiệp Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội.
Cái giá phải trả để được tăng lương, bảo đảm đời sống của người công nhân ở đây là quá đắt. Nếu làm một phép so sánh (dù mọi sự so sánh đều không thỏa đáng): 1 người thiệt mạng, 6 người khác phải nhập viện để được tăng thêm 400 nghìn đồng/tháng thì mới thấy hết giá trị của số tiền kia đối với những người công nhân lớn đến nhường nào.
Cái gì cũng thiếu
Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in cảnh tượng tang thương ở nhà chị Nguyễn Thị Liễu hôm gia đình làm lễ cúng 3 ngày cho chị. Đứa con gái lớn 9 tuổi vừa khóc mẹ, vừa dỗ đứa em trai 6 tuổi. Dường như, cả Thảo (chị) và Hiệp (em) đều chưa ý thức rõ được sự mất mát quá lớn này. Chiếc xe tử thần đã vĩnh viễn cướp đi người mẹ thân yêu của Thảo và Hiệp trong buổi đình công định mệnh ngay tại công ty, nơi mẹ Liễu làm việc. Rồi đây, ai sẽ là người nâng giấc cho chúng? Mỗi khi trái gió trở trời, ai sẽ là người chăm bà nội của Thảo và Hiệp đã 79 tuổi cùng người cha và người chú ruột bị ảnh hưởng chất độc da cam?
Các công nhân làm việc tại KCN Từ Liêm. Ảnh: Thu Giang |
Từ nhiều năm nay, người ta đã nói quá nhiều về đời sống những người công nhân, nhất là công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Không chỉ ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà hầu hết công nhân ở các khu công nghiệp đều có mức sống quá thấp. Lương thấp; thiếu điểm sinh hoạt văn hóa tinh thần; thiếu nhà trọ; thiếu trường học cho con em; thiếu điểm chăm sóc sức khỏe ban đầu; thiếu điểm trợ giúp pháp lý... Tóm lại, cái gì cũng thiếu, cũng thấp. Tất nhiên, nói thế không phải tất cả mọi công ty trong các khu công nghiệp, khu chế xuất đều trả lương thấp. Vẫn có những công ty trả với mức kha khá, song ít nơi vượt được ngưỡng 3 triệu, 4 triệu đồng/người/tháng.
Lần trở lại Chương Mỹ sau khi sự việc xảy ra ở Khu công nghiệp Phú Nghĩa, chúng tôi gặp Nguyễn Thị Huyền, quê ở Nông Cống, Thanh Hóa. Năm 2008, 17 tuổi rời quê, cô gái trẻ này lên Hà Nội với kinh nghiệm nhiều năm giúp gia đình… làm ruộng. Hơn một tháng được doanh nghiệp tuyển dụng đào tạo, Huyền chính thức trở thành công nhân may. 3 năm gắn bó với doanh nghiệp, cô được tăng lương nhưng mức lương cơ bản vẫn chỉ hơn 1 triệu đồng, nhỉnh hơn mức lương cơ bản vùng 3 theo quy định một chút. Bấm đầu ngón tay Huyền tính toán: "Tiếng là tăng lương nhưng mỗi lần tăng cũng chỉ 100 - 150.000 đồng. Đến bây giờ, tổng thu nhập em được hơn 2 triệu đồng một chút. Anh tính tiền thuê nhà, tiền điện nước, ăn uống, đi lại đủ các thứ trên đời. Rồi thi thoảng cũng phải có cái quần, cái áo mới, thăm bạn bè, sinh nhật, cưới hỏi... Thế là hết veo. Tiếng là lên Hà Nội làm mà có khi nửa năm mới gửi về cho mẹ được vài trăm nghìn đồng. Anh bảo, nhỡ lúc ốm đau, bọn em làm thế nào? - Bỏ lửng câu, Huyền buông tiếng thở dài.
Tôi nín lặng không đáp lời Huyền mà nhìn quanh căn phòng trọ. Không ti vi, không loa đài, không tủ quần áo, không sách báo... Căn phòng chừng hơn chục mét vuông chỉ đủ kê chiếc giường đôi của Huyền cùng 2 người bạn đều làm việc tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa vốn chật chội, mà sao nó trống trải lạ thường. Ở góc nhà chỉ vỏn vẹn một chiếc bàn con con, phía trên là vài cái cốc, chai nước uống tận dụng từ vỏ chai lavie đã dúm dó. Ở góc nhà có cái chạn bát và chiếc bếp than tổ ong làm cho căn phòng có chút không khí gia đình nhưng cũng ẩn chứa sự nguy hiểm. Đúng là sểnh nhà ra thất nghiệp, các cụ ta đã từng đúc kết. Thấy tôi nhìn quanh, cô nói như để chữa ngượng: "Anh bảo ngày nào bọn em cũng làm thêm từ 3 đến 5 tiếng. Về đến nhà, mệt mờ mắt, chả thiết mua sắm gì cả". Huyền nói thế thôi chứ tôi biết, với đồng lương tháng hơn 2 triệu đồng, cô cũng như những bạn làm cùng có muốn mua chiếc ti vi cũ cũng phải dành dụm cả năm trời mới đủ. Tôi hỏi: "Sao em không tìm công ty khác lương cao hơn?". Không cần suy nghĩ, Huyền trả lời ngay: "Bây giờ công ty nào chẳng thế hả anh. Hơn nữa ngành may mặc bọn em mức hơn 2 triệu đồng đã là khá rồi". Rồi Huyền kể, nếu cứ làm đủ 8, 9 tiếng mỗi ngày thì không bao giờ có được mức lương hơn 2 triệu đồng. Hầu hết những lao động chấp nhận vào làm việc trong các doanh nghiệp này phải chấp nhận làm tăng ca, tăng giờ. Mỗi ngày họ thường làm việc từ 12 đến 15 giờ đồng hồ. Biết là mệt nhưng không có sự lựa chọn nào khác. Mỗi giờ làm thêm, được trả 10.000 đồng. Mỗi tháng, tiền lương tăng thêm, tiền chuyên cần, tiền thâm niên cả tháng cộng vào cũng thêm được 5-6 trăm nghìn. Cứ thế, công việc cuốn đi từ sáng đến tối mịt. Tôi vờ thắc mắc: "Nếu không đủ chi tiêu, sao em không về quê kiếm việc gì đó mà làm, vừa không phải xa nhà, vừa không phải mệt nhọc?". Cô bạn cùng phòng xen vào: "Ở nhà chả có việc gì làm. Suốt ngày chân lấm tay bùn. Lên Hà Nội làm còn được tiếng là làm công nhân, được lên Hà Nội làm việc. Nhưng nghĩ cũng cực lắm, chỉ đủ nuôi thân, bớt gánh nặng cho bố mẹ thôi anh ạ".
Và sự bù đắp tạm bợ
Tôi đã từng chứng kiến những bữa ăn của những công nhân Khu công nghiệp Thăng Long. Họ thường đi chợ rất muộn. Một phần vì họ thường làm thêm giờ, phần khác, đi chợ muộn để chờ những người bán hàng ế, giờ đó sẽ bán rẻ hơn so với chợ sớm, có nhiều cơ hội cải thiện bữa ăn hơn. "Đồ rẻ là đồ không ngon, nhưng sẽ mua được nhiều hơn, có khi còn mua được thịt hoặc cá. Chấp nhận vậy chứ biết sao!" - Sơn, một công nhân thuê trọ ở làng Kim Chung (Đông Anh), làm việc trong Khu công nghiệp Thăng Long không giấu giếm. Cũng vì thế, bữa ăn của họ thường có rau là món chính, vài cọng giá đỗ, đĩa trứng hoặc bìa đậu hay vài con cá khô. Thế là sang lắm rồi. Hôm nào chợ ế, họ có đĩa thịt rang mặn đã coi là liên hoan "hoành tráng". Nhẩm tính giá trị bữa ăn, Sơn bảo, tính trung bình, mỗi người chỉ 8 đến 10 nghìn đồng/bữa. Thế mà tổng cộng tiền điện, nước, thuê nhà và các vật dụng sinh hoạt hằng ngày cũng đã ngót nghét triệu rưỡi rồi. Nhiều công nhân không dám có bạn gái hoặc yêu đương chỉ vì... tốn kém quá: "Chỉ khổ những cặp cả hai vợ chồng cùng làm công nhân khu công nghiệp, lương thấp, không có bố, mẹ giúp đỡ phải gửi con từ 3-4 tháng để đi làm. Anh bảo như thế con cái không khổ mới lạ!", Sơn kết luận.
Trên địa bàn thành phố Hà Nội, hiện các khu công nghiệp và cụm công nghiệp vừa và nhỏ đang sử dụng trên 30.000 công nhân lao động. Còn cả nước, theo số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện có 1,6 triệu lao động trực tiếp tại hơn 170 khu công nghiệp. Trong số này, có tới gần 52% là lao động nhập cư. Họ đã phải thuê nhà trọ với mức bình quân 200 đến 300 nghìn đồng/người/tháng với chất lượng phòng trọ tạm bợ. Ngoài ra, họ phải chịu mức giá sinh hoạt cao hơn quy định với 3.000 - 4.000 đồng/kW điện; từ 20.000 - 25.000 đồng/m3 nước. Đặc biệt, một số tỉnh có tỷ lệ công nhân phải thuê nhà trọ cao hơn như tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Hà Nội với tỷ lệ lên tới 63,2 - 67,7%. Và với hơn 1,6 triệu công nhân lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc các cụm công nghiệp vừa và nhỏ, đang có ít nhất là 50% (khoảng hơn 800 nghìn người lao động) đang sống một cuộc sống tạm bợ. Dù làm việc cật lực từ sáng đến tối muộn, thu nhập của họ hiện chỉ ở mức bù đắp được những sinh hoạt tối thiểu trong cảnh xa quê.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.