LTS: Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số (DTTS), khu vực miền núi nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào, tiêu biểu là Kế hoạch 166/KH-UBND của UBND thành phố. Nhờ vậy, đời sống của đồng bào DTTS đã có những thay đổi tích cực.
LTS: Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số (DTTS), khu vực miền núi nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào, tiêu biểu là Kế hoạch 166/KH-UBND của UBND thành phố. Nhờ vậy, đời sống của đồng bào DTTS đã có những thay đổi tích cực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều bất cập cần được giải quyết. Báo Hànộimới giới thiệu loạt bài phản ánh vấn đề này.
Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có mặt tại 29 quận, huyện của TP Hà Nội với 49 thành phần dân tộc, trong đó, có 64.000 người sống tập trung thành làng, bản tại 14 xã, thuộc 5 huyện ngoại thành: Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ và Mỹ Đức. Nhằm thu hẹp khoảng cách về đời sống giữa vùng đồng bào DTTS và các vùng dân cư khác trên địa bàn, Hà Nội đã dành sự quan tâm đặc biệt cho đồng bào...
Giai đoạn 2013-2015, đầu tư trên 2.000 tỷ đồng
Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, TP Hà Nội đã dành trên 1 tỷ đồng hỗ trợ trực tiếp người DTTS thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn. Điểm sáng trong các chương trình kinh tế - xã hội ở các xã miền núi là sản xuất nông nghiệp đã từng bước được phát triển. Nhiều địa phương đã hình thành được các vùng sản xuất tập trung như trồng hoa ly, chuối tiêu hồng ở xã Yên Bình, Tiến Xuân (Thạch Thất); chăn nuôi bò sữa ở các xã Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài (Ba Vì)… Đời sống của người dân vùng đồng bào DTTS qua từng năm đã được cải thiện đáng kể: Thu nhập bình quân của đồng bào tăng từ 8,5 triệu đồng/người/năm 2011 lên 15 triệu đồng/người/năm 2014, bình quân lương thực đầu người đạt 411kg/ người/năm; tỷ lệ hộ nghèo các xã vùng đồng bào DTTS miền núi giảm bình quân 3-4% mỗi năm (năm 2013 còn 10,71%, trong khi năm 2011 là 18,55%).
Ngoài chính sách chung của Nhà nước, thành phố đã ban hành nhiều cơ chế đặc thù, hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất, xây dựng hạ tầng nông thôn... giúp vùng DTTS miền núi phát triển. Đặc biệt đáng chú ý, tháng 11-2012, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch 166/KH-UBND về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi của Thủ đô Hà Nội, giai đoạn 2013-2015 với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS bền vững, gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội; nâng cao đời sống nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa miền núi với đồng bằng và thành thị. Dự kiến, có 186 dự án, công trình được đầu tư, tập trung vào các lĩnh vực cấp nước, cấp điện, thủy lợi, giao thông nông thôn, y tế, giáo dục, văn hóa thể thao... Tổng số vốn để thực hiện Kế hoạch 166 khoảng 2.000 tỷ đồng, triển khai trong 3 năm từ 2013 đến 2015.
Chuyển biến bước đầu
Đồng bào DTTS ở 14 xã đã đón nhận tin vui này trong tâm trạng hết sức phấn khởi bởi khi kế hoạch hoàn thành, đời sống cũng như điều kiện sản xuất, kinh doanh của đồng bào sẽ được cải thiện nhiều. Chị Nguyễn Thị Lan, ở thôn Luồng, xã Yên Trung (Thạch Thất) chia sẻ: "Chúng tôi rất hy vọng thực hiện Kế hoạch 166, cơ sở hạ tầng sẽ được đầu tư nâng cấp để người dân thêm thuận lợi trong phát triển sản xuất".
Qua gần 2 năm triển khai Kế hoạch 166, bước đầu diện mạo nông thôn của xã An Phú (Mỹ Đức) đã có những chuyển biến đáng kể. Chủ tịch UBND xã An Phú Nguyễn Thế Nghĩa cho biết: "6/13 thôn của An Phú thuộc diện đặc biệt khó khăn, với hơn 1.700 hộ, trong đó có tới 70% là đồng bào dân tộc Mường. Được sự quan tâm đầu tư của thành phố, nhất là từ khi triển khai kế hoạch, đến nay, 100% hộ dân có điện sinh hoạt, 75% hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt bảo đảm vệ sinh". Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Bạch Công Tiến nhìn nhận: "Nhờ thực hiện Kế hoạch 166, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%, xuống còn 7,94%; tình hình an ninh chính trị của 7 xã miền núi có đồng bào DTTS được giữ vững; đồng bào các DTTS gắn bó, cùng nhau vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc".
Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Trần Đức Nguyên chia sẻ, trong gần 2 năm qua, số vốn đầu tư cho 6 dự án phát triển cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện lên tới gần 60 tỷ đồng, bằng vốn đầu tư của hàng chục năm trước. Các dự án thuộc Kế hoạch 166, mới chỉ thực hiện được khoảng 70 - 85% khối lượng công việc nhưng việc kết hợp cùng các dự án thuộc Chương trình 135 của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng DTTS miền núi đã và đang góp phần thay đổi bộ mặt, chất lượng cuộc sống nơi đây.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.