(HNM) - LTS: Trong quá trình hội nhập toàn diện, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, tiềm ẩn cả nguy cơ và thách thức, việc tìm cho văn hóa một lối riêng để thích ứng và phát triển là điều không đơn giản.
Tạo thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường cho trẻ từ nhỏ là góp phần xây dựng Thủ đô xanh - sạch - đẹp. Ảnh: Viết Thành |
Với mục tiêu xuyên suốt là xây dựng văn hóa, con người Hà Nội đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trên nền tảng thanh lịch - văn minh đã được khẳng định, bồi đắp qua truyền thống lịch sử, năm 2017 này, TP Hà Nội sẽ ban hành và triển khai thực hiện Bộ quy tắc ứng xử (QTƯX) của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô và QTƯX nơi công cộng trên địa bàn thành phố. Hai QTƯX, với những nội dung mang tính định hướng, hướng dẫn được triển khai rộng rãi, góp phần thiết thực và khả thi vào lộ trình xây dựng “Văn hóa người Hà Nội” trong thời đại mới.
Giữa “Chốn hội tụ bốn phương”, các cộng đồng không ngần ngại dung nạp những yếu tố văn hóa mới, đồng thời cũng tự sàng lọc để chọn ra những yếu tố phù hợp với xã hội đương thời. Những yếu tố phù hợp ấy được đưa vào quy ước, quy tắc ứng xử (QTƯX) của cộng đồng và cộng đồng tự nguyện, tự giác thực hiện, góp phần tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh, những con người văn minh. Thế nhưng, điều quan trọng hơn là làm thế nào để đưa văn hóa ứng xử (VHƯX) đi vào đời sống, để mọi người dân cùng có ý thức chấp hành là điều không đơn giản.
“Gạn đục, khơi trong”
Dù không thành văn bản, nhưng từ xưa đến nay, QTƯX của người Hà Nội vẫn luôn được duy trì, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đọc hồi ký, nhật ký của nhiều người như GS Mai Phương, GS Dương Quảng Hàm, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm… có thể thấy rõ điều này. GS Dương Quảng Hàm luôn chú ý giáo dục con cháu sống lễ phép (chào hỏi, thưa gửi, mời cha mẹ uống nước, ăn cơm…), ngoan ngoãn, thật thà, chú ý giữ gìn vệ sinh. Ngày nay, việc dạy dỗ, bảo ban con cháu sống, ứng xử văn hóa, văn minh vẫn luôn được các gia đình ở Hà Nội quan tâm. Bằng chứng là năm nào Hà Nội cũng có hơn 90% số hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa và có hơn 80% số hộ đạt danh hiệu. Chỉ tiếc rằng, một bộ phận người dân sinh sống trên địa bàn Hà Nội có thái độ, hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực, khiến bức tranh văn hóa Hà Nội vẫn còn những gam màu tối.
Về sự xuống cấp, mai một trong VHƯX của người Hà Nội hiện nay, có lẽ cách ứng xử chưa văn minh nơi công cộng là điều dễ nhận biết và gây nhiều phiền toái nhất. Hằng ngày, chúng ta phải chứng kiến những hình ảnh phản cảm khi những người tham gia giao thông cố tình đi lấn làn, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, phóng nhanh, vượt ẩu… Trên vỉa hè, hệ thống biển hiệu, biển quảng cáo, băng rôn vi phạm tràn lan, vừa làm mất mỹ quan đô thị, vừa ảnh hưởng tới tầm nhìn của người tham gia giao thông. Ở những nơi công cộng như các bến tàu xe, nhà ga, công viên, hành lang bệnh viện và nhiều nơi khác, hình ảnh người hút thuốc lá trước biển “cấm hút thuốc” không phải hiếm. Sau các ngày lễ lớn, nhiều tuyến phố và các công trình văn hóa tràn ngập rác thải. Rồi, vì lợi nhuận một số người bán hàng không ngần ngại “chặt chém”, chèo kéo khách, bán cho khách “bún mắng, cháo chửi”… Những hiện tượng này chỉ là cá biệt, nhưng đã phần nào làm xấu hình ảnh văn hóa, con người Thủ đô văn minh, thanh lịch.
“Gạn đục, khơi trong” dòng chảy văn hóa truyền thống để những yếu tố tốt đẹp được tiếp nối, nhiều năm nay, TP Hà Nội đặt ra mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Trên tinh thần đó, các ngành, địa phương đã cụ thể hóa chủ trương này bằng các cuộc vận động, các phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp. Đó là cuộc vận động “Xây dựng nhà trường văn hóa - nhà giáo mẫu mực - học sinh thanh lịch” của Ngành Giáo dục - Đào tạo; phong trào “Vì môi trường trong sạch”, “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc” của Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội; “Cựu chiến binh Thủ đô thanh lịch, văn minh” của Hội Cựu chiến binh… Hiệu quả của các phong trào này đã được khẳng định bằng những con số “biết nói”. Nhiều thôn, xóm, làng, xã, tổ dân phố đã bổ sung các QTƯX vào quy ước văn hóa cho phù hợp với tình hình mới. Rất nhiều điểm di tích, công trình công cộng trên địa bàn Hà Nội đã có nội quy, bảng, biển hướng dẫn, nhắc nhở người dân và du khách nghiêm túc thực hiện nếp sống văn minh nơi công cộng.
Không khó, nếu quyết tâm
Phường Xuân La (quận Tây Hồ) tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay xây dựng “Phường văn hóa”. |
Thực tế cho thấy, quá trình xây dựng, thực hiện QTƯX tại các khu dân cư, nơi công cộng không phải là quá khó, nếu chính quyền và nhân dân cùng quyết tâm thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân La (Tây Hồ) cho hay, quá trình xây dựng mô hình “Phường văn hóa” ở Xuân La đúng thời kỳ tốc độ đô thị hóa trên địa bàn diễn ra nhanh. Có những thời điểm, trên địa bàn có hàng chục dự án cùng thi công, cộng với lượng dân cư đông đúc, khiến lượng rác thải dồn ứ tới hàng trăm mét khối, tưởng chừng không thể giải quyết. Khi triển khai quy định về việc cưới, tang theo nếp sống văn hóa mới, mọi việc càng trở nên bế tắc, vì những quan niệm lạc hậu đã ăn sâu trong nếp nghĩ của đa số người dân.
Không bỏ cuộc, năm 2014, phường Xuân La chọn những khu dân cư tồn tại nhiều bức xúc nhất là khu phố 1, 2, 5 để triển khai thí điểm các mô hình văn hóa. Các khu dân cư tôn trọng ý kiến của nhân dân, để người dân tự trao đổi, bàn bạc, đóng góp ý kiến xây dựng “Phường văn hóa” dựa trên khung tiêu chí chung của quận Tây Hồ. Thông qua hàng chục cuộc họp, chương trình tọa đàm, nhân dân tự nhận thấy các vấn đề còn tồn tại, tự đưa ra giải pháp thực hiện, tập hợp lại thành quy ước chung. “Khi người dân quyết tâm, đồng lòng thực hiện, tinh thần tự quản được phát huy. Người nào cố tình vi phạm các quy ước cộng đồng, sẽ bị nhắc nhở và dần dần sẽ tự điều chỉnh” - ông Nguyễn Văn Dũng cho biết thêm.
Ngoài ra, phường Xuân La còn phân công cán bộ phường phụ trách địa bàn để có thể nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, phản ánh lên cấp trên. Nhờ đó, Xuân La đã xây dựng thành công “Phường văn hóa” với 40 tiêu chí khắt khe. Cảnh quan, không gian đô thị thay đổi, nếp sống văn hóa, văn minh ở Xuân La đang hình thành. Nhiều tuyến đường đi qua địa bàn Xuân La như: Võ Chí Công, Lạc Long Quân, Thanh Niên, Xuân La… đều do các hội, đoàn thể tự quản. Phần lớn các hộ gia đình đổ rác, phế thải đúng giờ, đúng nơi quy định; duy trì công tác tổng vệ sinh môi trường vào chiều thứ sáu và sáng thứ bảy hằng tuần.
Nhận thấy các quy ước cũ không còn phù hợp, 100% thôn, làng, tổ dân phố ở huyện Mê Linh đã xây dựng quy ước mới liên quan đến việc xây dựng nếp sống văn hóa mới có sự kế thừa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống và được điều chỉnh cho phù hợp với các quy định hiện hành. Chẳng hạn, mục 2, chương 4 của quy ước thôn Phú Mỹ (xã Tự Lập) quy định: “Trong tiệc cưới chỉ mời cơm gia đình thân tộc, bạn bè và đồng nghiệp phù hợp với điều kiện của từng gia đình; không bày thuốc lá, không mở nhạc trước 6h và sau 22h. Theo ông Phạm Văn Luật, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mê Linh, trong cộng đồng làng, xã, các QTƯX được quy định trong quy ước đôi khi mang lại hiệu quả hơn các văn bản pháp luật.
Tương tự, hương ước làng Yên Sở, xã Yên Sở (Hoài Đức) gồm 6 chương, 63 điều, nhấn mạnh đến nội dung ứng xử có văn hóa giữa con người với con người, với môi trường tự nhiên, xã hội… là nhân tố quan trọng đưa Yên Sở trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới ở Thủ đô.
Tại khu vực công cộng, nội quy, bảng biển hướng dẫn, nhắc nhở người dân và du khách thực hiện nếp sống văn minh cũng góp phần hình thành nếp sống văn minh nơi thờ tự. Tình trạng dâng cúng lễ chín, thắp nhiều hương, nến, đốt nhiều vàng mã… cơ bản được khắc phục tại những di tích lớn như: Chùa Hương (Mỹ Đức), chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ (Tây Hồ)… Hành động cài, giắt tiền lẻ vào tay tượng, gốc cây, thả dọc đường vào di tích, lễ hội, gây lãng phí, phản cảm có nhiều chuyển biến.
Đó là những bằng chứng rõ nhất khẳng định, việc xây dựng VHƯX trong cộng đồng dân cư và khu vực công cộng trên địa bàn TP Hà Nội là cần làm, nên làm và đúng hướng. Điều đó cũng cho chúng ta thêm niềm tin để triển khai Bộ QTƯX với những quy ước về xây dựng nét đẹp văn hóa nơi công cộng, từ đó góp phần hình thành môi trường sống văn minh.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.