Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Quy hoạch đang “chạy” theo cuộc sống

Ngọc Trâm - Thái Sơn| 04/06/2013 05:47

LTS: Thực trạng; tính khả thi của các quy hoạch, sự khớp nối giữa dự án cũ và mới ra sao; đâu là những vướng mắc cần tháo gỡ…

Bài 1: Quy hoạch đang “chạy” theo cuộc sống

Năm 2012 được thành phố Hà Nội xác định là "Năm quy hoạch". HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thành phố cùng các ngành chức năng đã tập trung xây dựng và thông qua nhiều quy hoạch ngành, lĩnh vực của Thủ đô trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc HĐND thành phố lựa chọn chuyên đề quản lý và thực hiện quy hoạch xây dựng trên địa bàn là nội dung giám sát đầu tiên của năm 2013 cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của công tác này trong quá trình phát triển đô thị, thực hiện CNH-HĐH Thủ đô.

Để xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, cần tháo gỡ những bất cập trong công tác quy hoạch. Ảnh: Xuân Chính


Chất lượng kém, liên tục phải điều chỉnh

Kết quả của cả đợt giám sát cho thấy, công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng trên địa bàn Hà Nội hiện còn tồn tại rất nhiều vấn đề. Nổi cộm hơn cả là chất lượng một số đồ án quy hoạch chi tiết chưa bảo đảm, dẫn đến phải điều chỉnh quy hoạch, thậm chí điều chỉnh nhiều lần, cá biệt có quy hoạch chưa được thực hiện đã phải điều chỉnh, phá vỡ quy hoạch ban đầu.

Theo báo cáo của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, năm 2008, trong tổng số 84 hồ sơ giải quyết, có 28 hồ sơ được điều chỉnh cục bộ; 56 hồ sơ điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc. Đáng lo ngại, những con số nêu trên tăng dần hằng năm. Chỉ tính riêng 9 tháng của năm 2012, trong tổng số 244 hồ sơ giải quyết, có 29 hồ sơ điều chỉnh cục bộ; 11 hồ sơ điều chỉnh tổng thể; 84 hồ sơ điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc. Tại quận Hoàng Mai, trong 15 quy hoạch chi tiết đã duyệt, có 9 đồ án phải điều chỉnh. Thậm chí, không ít quy hoạch còn "nằm trên giấy" vì sau khi điều chỉnh thì trường học, các công trình công cộng, cây xanh được xác định trên nền các khu nghĩa trang hiện có hoặc khu dân cư đã sinh sống ổn định lâu đời hay khu ở giãn dân đã có công trình xây dựng kiên cố nên không thể tiến hành đầu tư xây dựng theo quy hoạch được phê duyệt. Tương tự, ở quận Cầu Giấy, trong 58 dự án trên địa bàn thuộc thẩm quyền quận được phân cấp thì giai đoạn từ năm 2008 đến 2010, cũng đã có 35 dự án được phê duyệt chấp thuận điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng, phương án kiến trúc sơ bộ. Còn quãng thời gian 2011-2012, có 23 dự án được điều chỉnh. Phần lớn dự án của huyện Hoài Đức cũng nằm trong diện phải rà soát, điều chỉnh như các khu đô thị hai bên đường Lê Trọng Tấn, bắc quốc lộ 32, Nam An Khánh. Cá biệt, tại khu tái định cư Nam Trung Yên có quy mô 56,4ha thuộc địa bàn quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm, sau 10 năm xây dựng và qua 8 lần điều chỉnh, đến nay nhiều hạng mục hạ tầng kỹ thuật vẫn chưa hoàn thiện, nhiều công trình phụ trợ chưa được triển khai.

Bức xúc, lo ngại trước thực tế nhiều quy hoạch liên tục bị thay đổi trong khoảng thời gian ngắn, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh cho rằng, lập quy hoạch không thể chỉ là vẽ… cho đẹp. Bên cạnh yêu cầu tuân thủ quy định, quy trình, bảo đảm các tiêu chí, việc lập và phê duyệt quy hoạch phải được xem xét trên cơ sở đòi hỏi của cuộc sống và tính khả thi.

"Mạnh ai nấy làm"

Chức năng của công tác quy hoạch xây dựng là "đi trước một bước", phục vụ yêu cầu của quá trình phát triển đô thị. Vậy nên, việc liên tục phải điều chỉnh quy hoạch là thực tế đáng lo ngại. Trước hết, điều đó cho thấy công tác quy hoạch đã không theo kịp vòng quay của cuộc sống nên thiếu tính khả thi. Việc thay đổi quy hoạch nhiều lần không chỉ gây lãng phí thời gian, bởi thời gian "chờ quy hoạch" sẽ kéo theo hàng loạt hệ lụy xã hội khác, không thể cân đong bằng tiền bạc. Bên cạnh đó, nhiều quy hoạch trong thời gian vừa qua được thực hiện theo kiểu "dàn hàng ngang", đồng loạt triển khai nhưng lại thiếu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng nên các chủ đầu tư "mạnh ai nấy làm". Hậu quả, quy hoạch chung, quy hoạch tổng thể bị phá vỡ. Đây cũng là lý do dẫn đến một số quy hoạch phải điều chỉnh. Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Mạnh Hoàng nhìn nhận, đã xuất hiện tình trạng quy hoạch chuyên ngành không theo kịp quy hoạch phân khu và quy hoạch chung, dẫn đến độ "vênh" trong công tác quản lý.

Sự khoa học, tính hợp lý trong xây dựng quy hoạch của từng ngành, địa phương, lĩnh vực quyết định mức độ đồng bộ, hài hòa của quy hoạch tổng thể và hiệu quả của quá trình phát triển. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy hiện nay là đội ngũ những người làm công tác quy hoạch vừa thiếu về số lượng vừa hạn chế về năng lực, trình độ, do đó chưa đáp ứng được yêu cầu. Điều đó làm nhiều quy hoạch bung ra theo kiểu "trăm hoa đua nở", manh mún, tự phát, không khai thác được thế mạnh của từng ngành, địa phương, thiếu những nghiên cứu bài bản. Mặt khác, mỗi một quy hoạch đều đòi hỏi nhiều lĩnh vực cùng tham gia để có được tiếng nói chung song với từng quy hoạch hiện nay có thể thấy sự phối hợp giữa các lĩnh vực, các ngành chức năng và địa phương trong xây dựng quy hoạch còn rất lỏng lẻo. Thừa nhận những hạn chế trong quản lý và thực hiện quy hoạch xây dựng có một phần trách nhiệm của địa phương, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Mạnh Hoàng kiến nghị: "Các cơ quan chức năng khi tiến hành lập, thẩm định quy hoạch cần chú trọng ý kiến của chính quyền sở tại để các quy hoạch mang tính khả thi".

Tầm quan trọng của công tác xây dựng quy hoạch đã được khẳng định, tương xứng với điều đó cần có sự quan tâm đầu tư đúng mức kể cả về mặt nguồn lực cũng như nhân lực cho công tác này, đồng thời phải có sự khớp nối chung mục đích, chung lợi ích giữa nhà đầu tư, các ngành chức năng và chính quyền địa phương. Đây chính là những vấn đề quyết định "tuổi thọ" của từng quy hoạch.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Quy hoạch đang “chạy” theo cuộc sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.