Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng

Nhóm PV Nội chính| 17/12/2014 06:10

LTS: Quân đội ta hơn bao giờ hết phải thật sự là đội quân chính trị, đội quân chiến đấu tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

LTS: 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam xứng đáng với lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng"... Trong bối cảnh quốc tế và khu vực tiếp tục xuất hiện những diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay, nhiệm vụ giữ vững độc lập, tự chủ, củng cố và tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc là đặc biệt quan trọng. Quân đội ta hơn bao giờ hết phải thật sự là đội quân chính trị, đội quân chiến đấu tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Bài 1: Quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng

Nhân dân anh hùng đã sản sinh ra một quân đội anh hùng. Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời, chiến đấu, trưởng thành, chiến thắng vẻ vang là một thành tựu vĩ đại của nhân dân ta trong sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Kế thừa truyền thống đánh giặc giữ nước, tư tưởng quân sự của cha ông, trong thời đại Hồ Chí Minh, nghệ thuật quân sự Việt Nam đã trở thành đỉnh cao của tinh thần lấy trí tuệ và lòng quả cảm để chiến thắng vũ khí hiện đại của địch, quyết chiến quyết thắng, biết đánh và biết thắng.

Chương trình nghệ thuật chào mừng 70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam. Ảnh: Viết Thành


1. Mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, qua các thời đại, dân tộc Việt Nam luôn phải đánh trả những thế lực ngoại xâm hùng mạnh. Lịch sử dân tộc đã ghi dấu những chiến công bất hủ như Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa..., để lại cho nhân dân ta truyền thống chống giặc ngoại xâm ngoan cường, bất khuất và một tư tưởng quân sự hết sức độc đáo, đặc sắc. Đó là tư tưởng chiến tranh nhân dân, lo giữ nước từ lúc chưa nguy, thực hiện "ngụ binh ư nông" để "quốc phú binh cường"; đánh giặc với nghệ thuật quân sự độc đáo "lấy ít địch nhiều", "lấy nhỏ thắng lớn", "đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo"... Khi đất nước bị xâm lăng thì "trăm họ là binh"; khi đất nước thanh bình, những chiến binh lại trở về cùng nhân dân khai khẩn đất đai, mở mang bờ cõi...

Trong tiến trình dựng nước và giữ nước, hình ảnh những người dân bước vào các cuộc chiến tranh vệ quốc đã in đậm những trang vàng lịch sử. Từ Thánh Gióng nhổ tre đánh giặc, đến anh giải phóng quân để lại "dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ" và những người lính hôm nay đang vững tay súng nơi biên cương, hải đảo đều từ nhân dân mà ra... Kế thừa truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng quân đội ta - một quân đội của dân, do dân và vì dân, là quân đội của giai cấp công nhân nhưng cũng là của cả dân tộc. Quân đội nhân dân Việt Nam lấy truyền thống dân tộc và chủ nghĩa yêu nước chân chính Việt Nam làm cơ sở tinh thần để xây dựng lực lượng, lấy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc làm nguồn động lực và sức mạnh. Trong thời chiến hay thời bình, mục tiêu, lý tưởng và mọi hoạt động của quân đội đều vì Tổ quốc, vì nhân dân.

"Vì nhân dân mà chiến đấu", thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Mình đánh giặc là vì dân. Nhưng mình không phải là "cứu tinh" của dân, mà mình có trách nhiệm phụng sự nhân dân", vì độc lập của Tổ quốc, vì tự do hạnh phúc của nhân dân, lớp lớp người Việt Nam đi theo tiếng gọi non sông, nhập vào các đoàn quân ra trận... Thực tiễn 70 năm xây dựng, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của quân đội đã cho thấy, sức mạnh chiến đấu của quân đội bắt nguồn từ nhân dân. Quân với dân như "cá với nước". Đây là hình ảnh khái quát từ mối quan hệ gắn bó máu thịt quân đội và nhân dân. Trong mối quan hệ đó, nhân dân là gốc, là nền tảng, là khởi nguồn cho sự ra đời và phát triển của quân đội; quân đội là một bộ phận không thể tách rời của nhân dân, là lực lượng nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Trong thử thách ác liệt của các cuộc chiến tranh ái quốc, nhân dân không chỉ trực tiếp cầm vũ khí mà còn đùm bọc, chở che cho bộ đội. Dựa vào sức mạnh của nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, quân đội ta đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chiến thắng nhiều kẻ thù hung bạo có sức mạnh vượt trội.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: "Lực lượng tham gia quân đội là những thanh niên yêu nước, con em của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đại bộ phận là con em công nhân, nông dân và nhân dân lao động. Qua được giáo dục, rèn luyện trong quân đội, họ đã trở thành những cán bộ, chiến sĩ trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân, chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội". Lớp lớp người Việt Nam đã bước vào quân ngũ, phất cao cờ đỏ Bác trao, làm nên những chiến thắng lẫy lừng, tiếp nối những trang sử vàng của dân tộc. Và "Bộ đội Cụ Hồ" đã trở thành tên gọi thân thiết, là hình tượng tập trung những phẩm chất, truyền thống tốt đẹp nhất của quân đội ta, thể hiện bản chất cách mạng, lý tưởng chiến đấu của một quân đội "từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu".

Khái quát truyền thống của quân đội ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Cán bộ chiến sĩ thương yêu nhau như ruột thịt, chia ngọt sẻ bùi. Quân với dân như cá với nước, đoàn kết một lòng, học hỏi giúp đỡ lẫn nhau"...

2. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ đội Cụ Hồ đã phát triển văn hóa đánh giặc của cha ông lên một trình độ mới, khoa học, mưu trí, sáng tạo... Chỉ sau ba ngày thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã đánh thắng hai trận Phay Khắt, Nà Ngần, mở đầu trang sử truyền thống "Ra quân là đánh thắng". Và chỉ trong một thời gian ngắn, quân đội ta đã làm nòng cốt cho cuộc Tổng khởi nghĩa làm nên thắng lợi lịch sử của Cách mạng Tháng Tám, đưa dân tộc thoát khỏi ách nô lệ, xây dựng một đất nước Việt Nam mới - đất nước của nhân dân.

Trong các cuộc chiến tranh giải phóng, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, quân đội ta luôn mang trong mình tinh thần "kiên quyết không ngừng thế tiến công", tiến công quân thù bằng tất cả vũ khí có được như gậy tầm vông, chông tre, bẫy đá, bom ba càng...; bằng những lực lượng có thể tạo ra như tự vệ, dân quân, du kích, bộ đội chủ lực... "Lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều", đánh giặc trường kỳ, đánh giặc bằng lòng quả cảm, "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", vừa chiến đấu vừa xây dựng lực lượng, Bộ đội Cụ Hồ ngày càng lớn mạnh.

Kết hợp truyền thống quân sự của dân tộc và tinh hoa quân sự thế giới, quân đội ta đã tạo ra một bước chuyển mới trong nghệ thuật quân sự Việt Nam. Trong mùa đông năm 1946, các chiến sĩ quyết tử quân của Hà Nội đã đào giao thông hào, dựng chiến lũy, sử dụng bom ba càng đánh xe tăng, cầm chân quân địch để đất nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ "56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt", quân ta đã kịp thời thay đổi phương châm "đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc tiến chắc", kéo pháo lên đỉnh núi bắn dập đầu quân Pháp trong các cứ điểm làm nên "Chiến thắng Điện Biên lừng lẫy địa cầu". Trong 12 ngày đêm Hà Nội năm 1972, cùng với việc tạo ra một lưới lửa phòng không, quân đội ta đã cải tiến tên lửa, hạ gục "pháo đài bay" B52 - sản phẩm tinh túy của nền khoa học kỹ thuật Mỹ. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, quân ta mưu trí nghi binh, kìm giữ địch ở hai đầu chiến tuyến, rồi đột phá tuyến giữa Tây Nguyên - Buôn Ma Thuột, chia cắt, phá vỡ thế trận, tạo thời cơ lớn để những đoàn quân chủ lực từ các chiến trường "thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa" giành toàn thắng vào ngày 30-4-1975, thu non sông về một mối.

Với thế trận chiến tranh nhân dân, với lực lượng toàn dân đánh giặc, với nghệ thuật quân sự độc đáo và ý chí quyết chiến quyết thắng, Quân đội nhân dân Việt Nam đã đánh bại những đối thủ tàn bạo, dạn dày chinh chiến, có vũ khí phương tiện chiến tranh hiện đại, tối tân. Những Việt Bắc - Thu Đông - 1947, Biên Giới - 1950, Điện Biên Phủ - 1954 (trong kháng chiến chống Pháp); Núi Thành, Ấp Bắc, Bình Giã, Plâyme, Xuân Mậu Thân - 1968, Đường 9 - Nam Lào, 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị, Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không tháng 12-1972, Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975 (trong kháng chiến chống Mỹ)... đã đi vào sử sách, làm rạng ngời truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc ta. Những giá trị nghệ thuật quân sự Việt Nam được vận dụng hết sức linh hoạt, độc đáo, sáng tạo trong thời đại Hồ Chí Minh là nền tảng vững chắc để quân đội ta tiến lên chính quy, hiện đại.

70 năm xây dựng, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của quân đội ta đã cho thấy, sức mạnh chiến đấu của quân đội bắt nguồn từ nhân dân. Quân đội ta anh hùng là vì có nhân dân anh hùng, là vì quân đội được nuôi dưỡng, trưởng thành trong lòng một dân tộc anh hùng. Sinh ra trong phong trào cách mạng, được Đảng và Bác Hồ sáng lập, giáo dục và rèn luyện, được nhân dân nuôi dưỡng, đùm bọc, yêu thương, được tôi luyện và trưởng thành trong các cuộc chiến tranh ái quốc vì độc lập của Tổ quốc, vì tự do của nhân dân, Quân đội nhân dân Việt Nam ngày một lớn mạnh, thật sự là quân đội của dân, do dân và vì dân, xứng đáng với tên gọi Bộ đội Cụ Hồ với niềm tự hào của cả dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.