(HNM) - Không phải tự nhiên, thành phố Đà Nẵng áp dụng chính sách hỗ trợ ngay 800 triệu đồng cho ngư dân đóng mới tàu thuyền có công suất từ 800 mã lực trở lên.
Không phải tự nhiên, thành phố Đà Nẵng áp dụng chính sách hỗ trợ ngay 800 triệu đồng cho ngư dân đóng mới tàu thuyền có công suất từ 800 mã lực trở lên. Cơ chế đặc thù của Đà Nẵng không chỉ giúp ngư dân thoát nghèo mà còn là cách để vực dậy nghề cá đang dần bị mai một. Dân bỏ nghề đi biển đơn giản vì tàu nhỏ, tàu cũ, nguy cơ tai nạn cao, khi xảy ra tranh chấp ngư trường đối mặt với tàu cá của nước ngoài, họ thường chịu lép vế.
Chuẩn bị cho chuyến ra khơi xa.
Nếu như trước kia, cả phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) theo nghề biển thì nay chỉ còn một số hộ tham gia. Ông Nguyễn Thân (chủ đôi tàu Đna 90269 TS và 90263 TS, trú tại tổ 28) được coi là người "giữ lửa" của nghề đánh bắt xa bờ ở phường An Hải Bắc. Ông bảo: "Dân bây chừ bỏ nghề đi biển rồi, vừa vất vả, vừa nguy hiểm mà thu nhập chẳng đáng là bao. Chi bằng cứ ở trên bờ, bán trà đá, chạy xe ôm hoặc làm các dịch vụ phục vụ khách du lịch thì nhàn và lương cao gấp nhiều lần. Người lớn tuổi nhớ biển nhưng không còn sức khỏe, thế hệ trẻ có sức khỏe lại không ai muốn đi nên tìm được bạn tàu (lao động trên tàu) giờ khó lắm. Tàu nhỏ, thiết bị thông tin liên lạc thiếu là người ta không đi". Đôi tàu hiện tại của ông Thân có công suất gần 400 mã lực, được trang bị đầy đủ từ máy Icom, thiết bị định vị, máy tầm ngư hiện đại nhưng mỗi lần ra khơi ông phải kiếm tìm đỏ mắt mới đủ lao động cho tàu. Chính vì người dân không mấy mặn mà với việc đi biển nên Đà Nẵng có tới 1.700 tàu cá nhưng chỉ có 163 tàu đủ điều kiện đánh bắt xa bờ. Thực tế này có vẻ phi lý vì Đà Nẵng là địa phương trực tiếp quản lý địa giới hành chính quần đảo Hoàng Sa, ngư trường lớn nhất nhì Việt Nam, hơn nữa đây cũng là tỉnh có âu thuyền, bến cảng, chợ đầu mối và khu chế biến dịch vụ thủy sản hiện đại, thế nhưng vẫn không khuyến khích được nghề cá phát triển?!
Gặp các phóng viên sau chuyến đi biển gần hai tháng trở về, ông Đào Ngọc Bé, chủ tàu Đna - 90370, trú tại tổ 26 phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê) nở nụ cười mãn nguyện: "Chuyến này trúng lớn chú ạ. Gặp luồng cá, tàu tui thu hoạch hơn 30 tấn mực khô, bán buôn được ngót 4 tỷ đồng, trừ chi phí mỗi ngư dân trên tàu cũng kiếm được gần 70 triệu đồng". Lý giải về sự mai một nghề cá ở Đà Nẵng, ông cười vui: "Vẫn là cái khoản "đầu tiên" thôi. Nhiều người máu nghề, muốn làm ăn lớn nhưng để đóng tàu to rất tốn kém, vay mượn khó vì nghề này lắm rủi ro. Với chính sách hỗ trợ trực tiếp cho việc đóng mới tàu thuyền, mua sắm máy tầm ngư, thiết bị thông tin liên lạc... như thành phố thực hiện thời gian qua, chỉ thời gian ngắn nữa nghề khai thác hải sản xa bờ ở Đà Nẵng sẽ lại hồi sinh".
Ngư dân lép vế vì tàu quá nhỏ
Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là hai ngư trường truyền thống của ngư dân các tỉnh, thành khu vực miền Trung, đã hình thành từ hàng trăm năm nay. Vậy nhưng gần đây lại xảy ra một thực tế phi lý, đó là tình trạng tàu cá nước ngoài tranh giành, chiếm giữ ngư trường, thậm chí đánh đập, bắt cóc ngư dân của nước ta ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Giữa biển cả mênh mông, việc tàu cá nước ngoài xâm phạm chủ quyền lãnh hải xảy ra như cơm bữa. Đã là ngư dân đánh bắt xa bờ, ai cũng đã có lần va chạm với tàu cá nước ngoài, đặc biệt là tàu cá của Trung Quốc.
Chuyện với chúng tôi, ông Lục Nghĩa Minh, chủ tàu QNg 94779, trú tại xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi không giấu nổi những bức xúc: "Tui nói thật, nếu tàu cá của tui mà to, người đông là tui chiến đấu chứ không sá chi hết". Ông Minh kể lại chuyến đi biển hồi đầu tháng 7-2012, với ông đó là kỷ niệm buồn không thể nào quên. Sáng 6-7, tàu của ông Minh đang đánh bắt tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, bỗng xuất hiện rất nhiều tàu cá lạ của nước ngoài cùng đến tranh chấp ngư trường. Biết tàu của mình nhỏ, lượng thuyền viên ít, ông Minh bấm bụng "một điều nhịn, chín điều lành". Đi biển đã mười mấy năm nên ông đã quá quen với cảnh tàu cá nước ngoài ỷ thế to hơn lấn lướt tàu cá của Việt Nam. Nhiều khi muốn tranh giành ngư trường, tàu cá của nước ngoài chỉ cần tăng tốc, rẽ sóng lập tức tàu cá của Việt Nam chao đảo, lo chống chọi để khỏi lật tàu chưa xong nói chi đến chuyện đánh bắt. Nhường nhịn tưởng đã xong, ai ngờ chỉ ít phút sau đó có một tàu kiểm ngư của Trung Quốc xuất hiện. Ba nhân viên mặc sắc phục, cầm dùi cui điện nhảy lên tàu cá khống chế ông Minh cùng các ngư dân khác rồi đưa cả tàu lẫn người về đảo Hải Nam. Tại đây, họ phát cho mỗi người một tờ giấy trắng bắt điểm chỉ khống ở phía dưới. Vì bất đồng ngôn ngữ, lại yếu thế nên khi lực lượng kiểm ngư bắt làm gì các ngư dân đều làm theo. Ngày 8-7, phía Trung Quốc đã thả tàu của ông Minh và các ngư dân nhưng tịch thu toàn bộ lưới, ngư cụ và hơn 10 tấn hải sản, thiệt hại ước tính 2,7 tỷ đồng với lý do "xâm phạm lãnh hải". Ông Minh không phải là chủ tàu duy nhất bị "lép vế" với tàu cá nước ngoài ngay giữa tại vùng biển của Việt Nam. Ngọn nguồn của sự việc cũng chỉ vì tàu cá của ta nhỏ, thiếu hệ thống thông tin liên lạc và hoạt động đánh bắt đơn lẻ...
Không dễ để hiện đại hóa tàu cá
Để thực hiện lộ trình hiện đại hóa tàu cá, giúp ngư dân yên tâm bám biển, vừa qua, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) là địa phương được Thủ tướng Chính phủ chọn làm mô hình thí điểm chuyển đổi tàu cá vỏ gỗ sang vỏ sắt. Đây là bước đột phá quan trọng để phát triển kinh tế, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của quốc gia. Tuy nhiên, việc thay mới toàn bộ tàu cá vỏ gỗ sang vỏ sắt vẫn còn rất nhiều điều đáng bàn. Về vốn đầu tư, giá thành để đóng mới một tàu vỏ gỗ có công suất 400 mã lực hiện nay khoảng 3,2 tỷ đồng. Trong khi đó, theo mức giá đóng mới một con tàu vỏ sắt (cùng loại 400 mã lực) mà Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam đưa ra lên tới trên 4,5 tỷ đồng. Đây là khoảng cách khá lớn về chi phí đầu tư bởi ngư dân phần đông rất nghèo. Tàu sắt chắc chắn hơn tàu gỗ, điều đó ai cũng biết nhưng chi phí bảo dưỡng cũng sẽ đội lên rất nhiều. Ông Hồ Văn Tý, Giám đốc Công ty cổ phần kỹ thuật biển Stech Đà Nẵng phân tích với nhóm phóng viên: "Tàu vỏ gỗ tuy không chắc chắn nhưng có khả năng chịu mặn tốt và có thể hoạt động liên tục trên biển trong suốt 12 tháng mới cần đưa lên ụ duy tu bảo dưỡng. Nếu là tàu vỏ sắt, khả năng chịu mặn kém hơn, thường chỉ 6 tháng phải "nằm bờ" bảo dưỡng nên chi phí sẽ cao hơn rất nhiều. Đó là chưa nói tới những hạn chế nhất định trong hoạt động đánh bắt, bảo quản thủy sản vì người dân đã quen với loại tàu vỏ gỗ từ rất lâu rồi".
Dù còn băn khoăn nhưng với khát vọng muốn thay đổi diện mạo nghề cá, vừa qua UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ký hợp đồng với Vinashin đóng thí điểm 22 tàu cá bọc thép có công suất từ 400 đến 800 mã lực, riêng tàu hậu cần nghề cá có công suất 1.000 mã lực, với tổng kinh phí 120 tỷ đồng, để hỗ trợ ngư dân huyện đảo Lý Sơn và một số huyện ven biển. Dự kiến đầu năm 2013, những chiếc tàu vỏ sắt đầu tiên sẽ được hạ thủy, tham gia vào đội tàu đánh bắt xa bờ. Nếu mô hình tàu vỏ sắt đem lại hiệu quả cao, dự án này sẽ được triển khai nhân rộng ra 28 tỉnh, thành ven biển trong cả nước.
Mặc dù vậy, khi phóng viên Hànộimới đem theo những tín hiệu vui từ mô hình thí điểm dự án hiện đại hóa đội tàu, phần lớn ngư dân lại không mấy quan tâm. Đúng hơn là họ không dám mơ tới những con tàu vỏ sắt chắc chắn và hiện đại. Nói như lão ngư Phù Trung Việt, chủ tàu QB 92149 TS, trú tại xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới thì "xoay xở lấy 2 tỷ đóng chiếc tàu gỗ 200 mã lực xong, lo trả lãi đã bạc hết cả mặt, nghĩ chi đến chuyện đóng tàu sắt?".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.