LTS: Thông qua nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, các trường đại học thể hiện đẳng cấp, uy tín bằng việc sáng tạo các tri thức mới đóng góp cho sự phát triển của xã hội và nâng cao chất lượng đào tạo.
LTS: Thông qua nghiên cứu khoa học (NCKH) và phát triển công nghệ, các trường đại học (ĐH) thể hiện đẳng cấp, uy tín bằng việc sáng tạo các tri thức mới đóng góp cho sự phát triển của xã hội và nâng cao chất lượng đào tạo. Theo Luật KH&CN năm 2013, trong công tác nghiên cứu, các trường ĐH được xác định là một loại hình tổ chức KH&CN bình đẳng với các viện nghiên cứu. Nghị quyết của Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ĐH Việt Nam đặt ra mục tiêu: Các trường ĐH lớn phải là các trung tâm NCKH mạnh của cả nước. Tuy nhiên, mục tiêu này có thể đến đích được hay không phụ thuộc vào một yếu tố mang tính quyết định, đó là cơ chế tự chủ. Loạt bài viết "Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các trường ĐH: Không tự chủ, khó thành công" sẽ đề cập tới những rào cản trên con đường để trường ĐH tự chủ được trong NCKH.
Bài 1: Những vướng mắc mang tính hệ thống
Để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ĐH phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, biện pháp, song, việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường ĐH được coi là khâu quyết định, là yếu tố mang tính đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH. Tự chủ trong NCKH là một trong những nội dung quan trọng để các trường ĐH tự chủ, nhưng lại là vấn đề ít được quan tâm nhất hiện nay?
Sinh viên thực hành tại Phòng Thí nghiệm hệ thống điều khiển công nghiệp (Viện Điện - Đại học Bách khoa Hà Nội). Ảnh: Hoàng Hùng |
Những vướng mắc lớn
Trong một phát biểu về vấn đề NCKH tại các trường ĐH, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân nêu quan điểm rằng, Bộ KH&CN coi các trường ĐH là những cơ sở KH&CN quan trọng nhất: "Nền khoa học của chúng ta chỉ là một nền khoa học què quặt nếu không có các trường ĐH, bởi như thế là thiếu về lực lượng, nguồn trí tuệ cũng như là môi trường để ứng dụng các kết quả nghiên cứu".
Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành KH&CN cũng nêu: Vướng mắc lớn nhất trong hệ thống khoa học của chúng ta nằm ở sự thiếu gắn kết giữa đào tạo với nghiên cứu và sản xuất kinh doanh; ở chỗ làm thế nào để nghiên cứu xong có địa chỉ ứng dụng sản phẩm nhằm phục vụ xã hội, để nghiên cứu được thương mại hóa, mang lại nguồn thu cho chính người làm nghiên cứu. Những vướng mắc này đến từ sự bất cập của cơ chế quản lý, dẫn đến những tồn tại cơ bản, đang là rào cản cho sự phát triển KH&CN nước ta. Đó là mối liên kết thiếu chặt chẽ giữa đào tạo, đặc biệt là đào tạo trình độ cao, với hoạt động nghiên cứu thuộc các chương trình, dự án KH&CN các cấp. Quan hệ giữa các trường ĐH, các viện nghiên cứu và môi trường kinh tế - xã hội chưa được thiết lập đủ mức cần, và đặc biệt là chưa đáp ứng được nhu cầu và đòi hỏi của thực tế sản xuất, kinh doanh. Việc chuyển giao công nghệ còn nóng vội, không bảo đảm quy trình, do đó khó duy trì và phát triển công nghệ sau chuyển giao. Đội ngũ đông đảo nhà khoa học, đặc biệt là những người trẻ có tâm huyết và năng lực chưa được sử dụng hợp lý cho việc triển khai các chương trình phát triển…
Nguyên nhân của những tồn tại này đã được đúc kết, trước hết, là do công tác quản lý đề tài nặng về quản lý hành chính và tài chính; thiếu vắng các chương trình KH&CN đặc biệt nhằm giải quyết những vấn đề mang tính chiến lược của đất nước. Bên cạnh đó là chưa có cơ chế để gắn kết NCKH với đào tạo, sản xuất kinh doanh và chưa khuyến khích các giảng viên, nhà khoa học tham gia NCKH. Một nghịch lý đang tồn tại trong các trường ĐH: Những người có đủ khả năng nghiên cứu cũng chính là những người có thể đảm nhiệm và phải đảm nhiệm số giờ giảng nhiều hơn, bởi thế, quỹ thời gian của họ được dành phần lớn cho việc giảng dạy. Trong thực tế, giảng viên tại các trường đã và đang phải giảng dạy rất nhiều giờ, gấp 200%, thậm chí 400% định mức. Vì thế, thời gian dành cho nghiên cứu hầu như không còn.
Cần cải cách mang tính hệ thống
Giải quyết những tồn tại nêu trên không chỉ là phần việc của Bộ GD&ĐT và Bộ KH&CN, mà liên quan tới nhiều bộ khác, nhiều luật khác nhau. Hệ thống luật pháp còn chưa đầy đủ và thông thoáng khiến các trường không phát huy được tính tự chủ nói chung, chưa nói tới tự chủ trong hoạt động KH&CN.
Mặc dù Luật KH&CN 2013 xác định trường ĐH là một loại hình tổ chức KH&CN bình đẳng với các viện nghiên cứu trong công tác nghiên cứu, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Nội vụ giao biên chế nghiên cứu chuyên nghiệp cho các trường ĐH đang chỉ có biên chế giảng dạy, tuy nhiên, tới nay, Bộ Nội vụ vẫn cho rằng không có chuyện giao biên chế nghiên cứu, biên chế sự nghiệp cho các bộ nữa, chỉ giao biên chế hành chính theo đúng Luật Công chức và Luật Viên chức có hiệu lực từ năm 2003. Do không có biên chế nên Bộ Tài chính không có căn cứ để cấp kinh phí cho các nhà nghiên cứu ở các trường ĐH. Trong khi đó, hiện nay, cả nước có gần 200 trường ĐH, Bộ GD&ĐT trực tiếp quản lý hoạt động KH&CN của 3 đại học vùng, 32 trường ĐH, học viện. Đội ngũ giảng viên cán bộ nghiên cứu của các cơ sở giáo dục ĐH chiếm tỷ lệ khá cao trong đội ngũ cán bộ khoa học của cả nước, hoạt động chuyên môn trong hầu hết các lĩnh vực KH&CN. Tuy có tiềm năng và đội ngũ nghiên cứu lớn nhất nhưng so với tất cả các bộ, kinh phí nghiên cứu từ ngân sách mà Bộ GD&ĐT được cấp lại ở mức thấp nhất. Đầu tư từ ngân sách cho hoạt động KH&CN, đặc biệt là cho những trường ĐH-CĐ có tiềm lực KH&CN mạnh chưa đúng mức; đồng thời thiếu biện pháp hữu hiệu để huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, đặc biệt là từ các doanh nghiệp, cho hoạt động này tại các cơ sở đào tạo đã dẫn đến thực trạng kinh phí NCKH của các trường không đủ để tạo ra kết quả xứng với tiềm năng.
Các trường ĐH được giao quyền tự chủ, nhưng chưa có được cơ chế để vận hành một cách thích hợp. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân nói: "Chúng tôi mong những rào cản này từng bước được tháo gỡ, các trường ĐH được giao quyền tự chủ thật sự. Đứng về góc độ KH&CN, tôi mong muốn trong các trường ĐH của chúng ta sẽ có các trường ĐH nghiên cứu ở trình độ quốc tế, những trường ĐH mà đội ngũ giáo sư, tiến sĩ tại đó phải thật sự làm khoa học, có công bố quốc tế, có sáng chế". Đồng thời, chia sẻ những khó khăn của Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, nếu không có những cải cách mang tính hệ thống sẽ rất khó cho ngành GD&ĐT.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.