Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Những đổi mới căn bản

PGS.TS Nguyễn Viết Thông| 09/01/2016 07:18

LTS: Qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa...

LTS: Qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành đất nước đang phát triển có thu nhập trung bình, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; văn hóa - xã hội có bước phát triển; đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi. Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu đến bạn đọc loạt bài: "30 năm đổi mới - những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử".

Bài 1: Những đổi mới căn bản

Qua 30 năm đổi mới, nhận thức của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đã có những đổi mới căn bản so với quan niệm truyền thống về chủ nghĩa xã hội theo mô hình Xô viết trước đây, phù hợp với thực tiễn lịch sử đã biến đổi.

Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển văn minh, hiện đại, xứng đáng là trung tâm chính trị, trái tim của cả nước. Ảnh: Vũ Long


Về hệ mục tiêu của đổi mới - đặc trưng tổng quát của chủ nghĩa xã hội Việt Nam

Đại hội VI (tháng 12-1986) khi xác định hệ mục tiêu của đổi mới, Đảng ta mới xác định ba mục tiêu: Đổi mới vì dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh. Những mục tiêu Đại hội VI nêu ra có giá trị định hướng rất quan trọng đối với sự nghiệp phát triển đất nước, mà sâu xa là phát triển tiềm lực sáng tạo của nhân dân, hướng mục đích của đổi mới vào phục vụ nhân dân. Đến Đại hội VII (1991), qua thực tiễn những năm đầu chuyển sang cơ chế thị trường với cạnh tranh và phân hóa, nhất là phân hóa giàu - nghèo, Đảng ta đã bổ sung vào hệ mục tiêu một mục tiêu quan trọng, đó là công bằng thành: "Dâu giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh". Công bằng là thuộc tính bản chất của chủ nghĩa xã hội mà chúng ta hướng tới. Đó cũng chính là động lực thúc đẩy xã hội phát triển.

Đến Đại hội IX (2001), sau 15 năm đổi mới, Đảng ta bổ sung một mục tiêu đặc biệt quan trọng là dân chủ: "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Vấn đề dân chủ đặt trong hệ mục tiêu của đổi mới là một phát triển quan trọng về nhận thức lý luận của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội. Dân chủ là bản chất của chế độ ta, là mục tiêu, động lực của đổi mới, của phát triển, của chủ nghĩa xã hội. Đại hội X (2006), tổng kết 20 năm đổi mới, Đảng ta đã xác định hệ mục tiêu của đổi mới là đặc trưng tổng quát của chủ nghĩa xã hội Việt Nam: "Xã hội xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh...". Đại hội XI (2011), tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 (1991-2011) và thông qua Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011, hệ mục tiêu đổi mới vẫn được coi là đặc trưng tổng quát, là đặc trưng đầu tiên trong số các đặc trưng xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Song, Đảng ta đã đặt dân chủ trước công bằng. "Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Những phát triển nhận thức lý luận về các đặc trưng của xã hội XHCN Việt Nam

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam được Đại hội VII năm 1991 thông qua đã xác định sáu đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam:

Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Do nhân dân lao động làm chủ; có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân. Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới.

Những nhận thức mới của Đảng về đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng được thể hiện từng bước trong các văn kiện Đại hội VIII, Đại hội IX; đặc biệt rõ nhất trong văn kiện Đại hội X.

Đại hội XI trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991 bổ sung, phát triển năm 2011, với tám đặc trưng sau đây:

"Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới".

So với Cương lĩnh năm 1991, Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 có những điểm bổ sung và phát triển quan trọng sau đây:

Thứ nhất, bổ sung đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa có "Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo". Tư tưởng về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam được hình thành và khẳng định từ sau Đại hội VII, nhất là từ Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (tháng 1-1994). Đặc trưng về xây dựng Nhà nước pháp quyền đã làm rõ hơn nội dung chính trị, tức là phương diện chính trị, thể chế chính trị của chủ nghĩa xã hội trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và đẩy mạnh dân chủ hóa. Nhà nước pháp quyền do Đảng Cộng sản lãnh đạo là rường cột của hệ thống chính trị ở nước ta, là tác nhân chính trị trực tiếp để xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thể hiện sức mạnh của quyền lực nhân dân.

Thứ hai, từ Đại hội X (2006) và Đại hội XI (2011), Đảng ta xác định tám đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đặc trưng được bổ sung mới chính là hệ mục tiêu của đổi mới, được xem là đặc trưng tổng quát về chủ nghĩa xã hội. Nó có ý nghĩa là nhận thức chung về chủ nghĩa xã hội, là câu trả lời trực tiếp cho câu hỏi: Chủ nghĩa xã hội là gì? Xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta xây dựng là một xã hội như thế nào? Đại hội X nêu: "Xã hội xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh…".

Đại hội XI nhấn mạnh dân chủ, đặt dân chủ lên trước công bằng, văn minh; dân chủ không chỉ là một thuộc tính, một giá trị xã hội có vai trò mục tiêu và động lực phát triển của chủ nghĩa xã hội mà còn là điều kiện để thực hiện công bằng, văn minh trong chủ nghĩa xã hội. "Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…".

Thứ ba, trước đây, chúng ta quan niệm và khẳng định, xã hội xã hội chủ nghĩa là một xã hội do nhân dân lao động làm chủ. Từ Đại hội X và XI, Cương lĩnh Đảng nêu "nhân dân làm chủ". Đây là một sự cân nhắc thực tế, khi đất nước đã đi vào đổi mới 20, 25 năm, đã phát triển mạnh mẽ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, coi đó là mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ ở nước ta, khi Đảng đã có đường lối chủ trương đối ngoại hòa bình, hữu nghị, hợp tác và chủ động hội nhập quốc tế. Nói "nhân dân làm chủ", điều đó không hề xa rời định hướng xã hội chủ nghĩa hay từ bỏ quan điểm giai cấp như một số ý kiến nêu ra.

Thứ tư, đặc trưng xã hội xã hội chủ nghĩa về kinh tế, Đảng ta đã xác định, "…có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất".

Thứ năm, đặc trưng về quan hệ dân tộc, trong các văn kiện Đảng trước đây, kể cả Văn kiện Đại hội X xác định: "…các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng tiến bộ". Đến Đại hội XI, đã có một bổ sung quan trọng, nhấn mạnh rằng các quan hệ dân tộc "tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển". Đây là một điểm nhấn bảo đảm giải quyết đúng đắn quan hệ dân tộc, chính sách dân tộc trong một nước có kết cấu đa dân tộc - tộc người như nước ta.

Đó là những điều bổ sung, điều chỉnh, phát triển nhận thức lý luận của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội, từ Đại hội VII đến Đại hội XI, từ Cương lĩnh 1991 đến Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Những đổi mới căn bản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.