Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Nhọc nhằn nghề quét rác

Trường Giang| 04/09/2013 05:53

LTS: Trong khi các

LTS: Trong khi các "sếp lương khủng" đang lo ứng phó trước sự thật bị phanh phui thì những công nhân trong doanh nghiệp của họ vẫn cặm cụi với công việc hằng ngày vô cùng khó khăn vất vả, thậm chí là nguy hiểm cả tới tính mạng… Trong đôi mắt họ giờ đậm nỗi buồn, bởi lẽ là người chuyên đi làm đẹp cho thiên hạ, nhưng ngờ đâu chính các "sếp" của mình - "bộ phần đầu não" của doanh nghiệp - lại "lấm"!

Bài 1: Nhọc nhằn nghề quét rác

Nửa đêm, ngồi phệt một góc đường, thấm những giọt mồ hôi chảy dòng trên khuôn mặt khắc khổ, anh N.V.Tám (công nhân một đơn vị công ích ở TP Hồ Chí Minh) ra điều kiện với chúng tôi: "Anh không được nêu tên thật cũng như tên công ty tôi. Nếu không có thể tôi sẽ "toi" trước, rồi đến gia đình, vợ con tôi ra đứng đằng sau".

Dù nắng hay mưa, người quét rác vẫn phải cặm cụi.


21 năm chưa được ở nhà đón Giao thừa

Sau khi nhận được cái gật đầu chắc chắn từ người đối thoại, Tám chỉ những bịch ni lông tung tóe và ngao ngán rằng, mấy ngày như Giáng sinh, ngày lễ..., đối với người công nhân quét rác là cơ cực nhất, phải làm việc gấp đôi, gấp ba ngày thường. Bởi những ngày đó, người dân khắp nơi đổ về thành phố chơi, và cũng như một lẽ tự nhiên, rác cũng vì thế mà ngập đường. Những tuyến đường trung tâm như Lê Duẩn, Nguyễn Thị Minh Khai… chẳng khác gì bãi chiến trường. Có những kỳ nghỉ lễ lớn, đám thanh niên đi chơi xuyên đêm, trời lại hay mưa về đêm, giấy vụn bám chặt xuống đường, túi ni lông thì bê bết, không tài nào quét đi hết được, công ty phải huy động cả trăm công nhân hì hụi nhặt từng cọng rác để kịp sáng ngày mai, giờ hành chính, đường phố sạch sẽ. "21 năm đi làm cũng là 21 cái Tết tôi không được đón Giao thừa cùng gia đình. Bởi tối 30 Tết cho đến sáng mùng Một là khoảng thời gian vất vả nhất trong năm. Trong khi mọi người diện đồ mới, cùng gia đình đi chơi và đón Giao thừa, tụi này vẫn phải cặm cụi dọn rác để sớm mai, sang một năm mới, đường phố tươm tất. Sướng nhất của tụi tôi chỉ nửa ngày mùng Một Tết, được ngủ để lấy sức cho ngày hôm sau..." - Tám buồn bã nói!

Tôi đứng dậy cầm cái chổi tập quét đường để mong cảm nhận phần nào "phận" người quét rác. Cái chổi to, nặng chịch. Quét được vài mét đường, tay tôi ran rát mà rác thì bay loạn xạ khiến Quốc Anh (một công nhân quét rác mới 23 tuổi) đừng gần đó phì cười! "Quét rác đường phố không thể phẩy phẩy như quét nhà đâu. Chổi thì phải vừa tay, cán không cao quá, không thấp quá, phải buộc chặt thì khi quét mới đưa đi đưa lại thoải mái được. Khi quét, không mạnh tay để tránh bụi bay vào người đi đường. Một buổi, mỗi người được phân công quét dọn khoảng 10.000m2 đường, nhưng chỉ có 30 phút nghỉ ngơi ăn uống nên khi quét, đẩy xe rác, không phải cứ bặm môi lấy sức đẩy mà phải nương theo đà xe để giữ sức nhưng phải tính thời gian xe thu gom rác đến ra sao để vừa làm xong việc mà lại có ít phút nghỉ ngơi... Nếu không biết cách thì chỉ làm được một buổi là nằm liệt giường liền à!". Quốc Anh kể, hồi mới vào nghề (năm 2011), chỉ mới quét sơ sơ vài đoạn đường thôi mà lưng anh đau nhừ, tưởng không nhấc mình dậy nổi, nhiều lúc muốn bỏ việc.

Anh N.V.Tám nói rằng làm công nhân quét rác hầu như không có ngày nghỉ, chỉ cần nghỉ một buổi thôi, rác lại tràn ngập đường phố. Thế nên dù trưa nắng như thiêu như đốt, hay lúc mưa to gió lớn, khi mọi người đều đã tìm được chỗ trú thì những chiếc xe rác vẫn kẽo kẹt một cách chậm rãi để chắc chắn rằng những nơi mình đi qua không còn rác. Rồi khi đêm xuống, trong khi mọi người say giấc nồng thì tiếng chổi tre lại loẹt quẹt giữa không gian yên tĩnh.

Nghiệt ngã nghề

N.V.Tám, Quốc Anh, hay rất nhiều công nhân môi trường mà chúng tôi gặp đều nói rằng, những rủi ro trong nghề, nhiều nhất là tai nạn giao thông, là khó tránh khỏi. N.V.Tám kể nhiều lần người tham gia giao thông không để ý đâm sầm vào công nhân quét rác, nhẹ thì sây sát, nặng thì đi viện. "Vợ tôi cũng làm nghề như tôi. Cách đây mấy năm, cô ấy đang đẩy xe rác thì bị một cậu thanh niên say rượu đâm thẳng vào. Cả người thanh niên, xe máy, vợ tôi và xe rác đổ nhào ra đường, tung tóe, máu me bê bết. Lúc đó, may mà tôi đứng gần đó, vừa khóc vừa cùng mọi người bế vợ và cậu thanh niên ấy đi cấp cứu giữa đêm. Cũng may mắn lần đó vợ tôi không bị thương nặng". Còn Quốc Anh kể mà ánh mắt còn nguyên vẻ kinh sợ: "Những đêm gió bão, cây đổ là đáng sợ nhất, bởi làm sao lường được trước tai họa thiên nhiên. Có hôm, tôi đang còng lưng đẩy xe rác thì nghe cái rầm sau lưng, quay lại thấy cái cây cổ thụ bị gió hất bật gốc đổ đè bẹp cả cái ô tô đằng sau lưng".

Bên cạnh sự nguy hiểm, nỗi buồn của công nhân quét rác chính là thái độ của một bộ phận không nhỏ người dân. "Có một lần, tôi nghe đâu đó tiếng trẻ con đọc một bài thơ về đời người lao công, đại khái là tiếng chổi tre làm đẹp đường phố cho hàng hoa thơm ngát gì đó... Nghe xong thấy tủi lắm". Chị P.T.Hoa, công nhân cùng ca với Quốc Anh, buông chiếc chổi, ngồi lại bắt chuyện cùng chúng tôi. Tôi giật mình, ngay đến bản thân mình, nếu không được nhắc lại, chưa chắc đã nhớ nổi bài thơ "Tiếng chổi tre" của Tố Hữu. Tôi khe khẽ đọc: "Những đêm đông/Khi cơn giông/Vừa tắt/Tôi lắng nghe/Trên đường/Lặng ngắt/Chị lao công/Như sắt/Như đồng/Đêm đông/Quét rác...". Nghe tôi đọc, mắt anh N.V.Tám chợt tối sầm, bức bối: "Mình quét rác, giữ sạch sẽ cho người ta mà nhiều khi còn bị chửi. Có hôm, vừa quét xong đoạn đường, một người đi đường quẳng ngay cốc nước vừa uống xuống, trong khi thùng rác ở ngay phía trước. Tôi bực bội nhắc thì họ dừng xe quay lại nói đổng: Nếu tụi này không xả rác thì mấy người làm gì có việc để làm... Tôi không nói gì nữa, ra nhặt cái rác đó bỏ vào thùng. Nhẫn nhịn miết, quen rồi". Còn Quốc Anh phần mới vào nghề, phần đang là thanh niên nên có ấm ức khác "Nhiều người, đặc biệt là mấy cô cậu trẻ thấy mình đẩy xe rác là cười trêu, có người còn bịt mồm bịt mũi khi mình đi qua nữa. Cũng đỡ là tụi này bịt kín mồm mũi rồi, ít người nhận ra".

"Nghề độc hại, nguy hiểm..." nhưng đồng lương mà người làm lâu năm như N.V.Tám nhận được chỉ chừng 5-7 triệu đồng/tháng. Còn với Quốc Anh, vì đang là hợp đồng thời vụ nên thấp hơn nhiều. Với đồng lương đó, trong lúc mọi nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống như điện, nước, xăng, thực phẩm liên tục tăng giá, tấm lưng của người công nhân quét rác như trĩu nặng hơn. "Cũng may là ngày đêm đối mặt rác thải nên hình như chúng tôi có sức đề kháng tốt hơn mọi người...". N.V.Tám cười đầy ẩn ý.

N.V.Tám kể rằng, cuộc sống gia đình, học hành tương lai của ba đứa con đều trông vào đồng lương của vợ chồng anh. Lúc con nhỏ đòi mẹ, người vợ vừa làm việc, vừa tranh thủ chút thời gian nghỉ về chăm con, còn anh chồng cố gắng làm thêm phần việc của vợ. Cho con ăn xong, người vợ lại tất tả quay lại gom rác, cùng chồng ăn vội suất cơm, vừa tiết kiệm, vừa giữ chút gọi là "không khí gia đình".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Nhọc nhằn nghề quét rác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.