Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Khó "cán đích" đúng hẹn

Hương Ly| 20/10/2015 06:11

(HNM) - Theo số liệu Bộ Tài chính vừa công bố trong cuộc họp giao ban định kỳ quý III-2015, mới có 94 DN trong tổng số 289 DNNN hoàn thành CPH theo chỉ đạo của Chính phủ. Mặc dù Chính phủ sẵn sàng phê duyệt những đề xuất linh hoạt nhằm đẩy nhanh quá trình CPH, sớm tái cơ cấu

Chậm vì thiếu minh bạch?

Theo Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), trong 9 tháng năm nay, có 94/289 DNNN đã CPH theo kế hoạch. Như vậy, để hoàn thành đúng tiến độ, số DN phải CPH trong gần 3 tháng cuối năm lên tới 195 đơn vị. Nhận xét về điều này, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN cho biết, cơ chế chính sách cho quá trình CPH mặc dù đã được tháo gỡ nhưng vẫn còn sự e ngại từ phía nhà đầu tư. Trên thực tế, nhà đầu tư nước ngoài có vào, nhưng số lượng chưa nhiều. Mặc dù Chính phủ đã có những giải pháp chỉ đạo công khai khi xác định giá trị DN, nhưng đối với các nhà đầu tư, quan trọng nhất vẫn là việc số liệu đã công khai có chính xác và tin cậy hay không? Thực tế cho thấy, sự thiếu minh bạch đã làm tiến trình CPH ở nhiều DNNN trở nên ì ạch, gây thiệt hại lớn về tài chính cho nhà nước cũng như các nhà đầu tư.

Việc cổ phần hóa ở nhiều doanh nghiệp nhà nước gặp khó khăn vì cổ phiếu chào bán ít được thị trường đón nhận.



Theo phản ánh của nhà đầu tư, cán bộ, công nhân, viên chức đã hưởng ứng cuộc vận động mua cổ phần khi Nhà nước CPH Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco), quá trình CPH DN này mặc dù được khởi động từ năm 2004, nhưng đến nay, sau hơn 10 năm vẫn còn dang dở. Đại diện các nhà đầu tư cho biết, chủ trương CPH Hacinco đã được thực hiện từ năm 2004 với sự nhất trí của Ban Đổi mới DN Trung ương, UBND TP Hà Nội. Tại thời điểm CPH, Hacinco đang gặp nhiều khó khăn, các khoản nợ vay đầu tư lớn, trong đó có cả nợ xấu và nợ lương người lao động nhiều tháng. Để tháo gỡ, Ban Đổi mới DN Hacinco đã vận động nhiều chủ nợ thực hiện chuyển nợ thành vốn mua cổ phần. Yêu cầu này được hầu hết chủ nợ chấp thuận, đồng thời đăng ký tham gia đấu giá mua cổ phần của Hacinco trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội khi đơn vị tổ chức bán đấu giá theo quy định. Mọi việc tưởng chừng đã kết thúc tốt đẹp, các chủ nợ sẽ trở thành cổ đông, Hacinco thoát khỏi nợ nần và có thêm nguồn vốn để tiếp tục hoàn thiện các dự án, công trình còn dang dở. Thế nhưng, từ một kiến nghị bất thành của bà Nguyễn Thị Chi - một cổ đông lớn đại diện sở hữu số cổ phần lên tới 16 tỷ đồng và là một trong 5 thành viên của HĐQT, yêu cầu phải được giữ một trong hai chức danh: Chủ tịch HĐQT hoặc Giám đốc điều hành, nhưng không được HĐQT chấp thuận, tiến trình CPH của Hacinco lập tức đình trệ. Bà Nguyễn Thị Chi đã làm đơn đề nghị Sở Tài chính Hà Nội kiểm toán báo cáo tài chính của Hacinco với lý do đơn vị mất cân đối về tài chính; đồng thời kiến nghị dừng giải ngân vốn của đơn vị. Trước những tác động của cổ đông này, quyết định chuyển Hacinco thành công ty cổ phần đến nay vẫn chưa được ban hành, cơ quan chức năng cũng chưa có giải thích rõ ràng. Trong khi đó, tiền vốn của các nhà đầu tư, vốn là những "chủ nợ" của Hacinco phải nằm "đắp chiếu" hơn 10 năm, thậm chí không biết đến khi nào mới có thể thu hồi, bởi việc chuyển nợ thành vốn góp tại thời điểm này được các cơ quan chức năng kết luận là "chưa hợp lệ".

Xem xét trách nhiệm người đứng đầu

Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế xung quanh việc CPH DN đang diễn ra một cách chậm chạp hiện nay. CPH DN là chuyển đổi sở hữu từ Nhà nước sang sở hữu khác, chủ yếu là sở hữu của tư nhân trong nước và sở hữu nước ngoài. Vì vậy, tiến trình này cần thực hiện một cách thận trọng. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những tác động tích cực mà CPH sẽ mang lại, đó là việc thu hẹp ảnh hưởng của khu vực DNNN, phân bổ lại nguồn lực của nền kinh tế, chuyển dịch một số nguồn lực từ khu vực DNNN, như tài chính, tín dụng, nhân lực, đất đai… sang khu vực DN tư nhân trong nước và khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài để sử dụng có hiệu suất, hiệu quả hơn. Thông qua đó, CPH cũng sẽ tạo điều kiện thúc đẩy sự tham gia của hai khu vực kinh tế tư nhân trong nước và đầu tư nước ngoài vào phát triển kinh tế đất nước.

Việc tiến độ CPH chưa đúng với lộ trình có nhiều nguyên nhân, như tiến trình CPH trong bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô không thuận lợi, đối tượng CPH là những DN có quy mô lớn, phức tạp, cần nhiều thời gian hơn cho quá trình sắp xếp, tái cơ cấu đi liền với CPH. Quá trình CPH các DNNN quy mô lớn, các tập đoàn kinh tế và tổng công ty khó hơn vì có nhiều vấn đề hơn DNNN nhỏ… Song, một trong những nguyên nhân làm chậm tiến trình này là vấn đề nhân sự lãnh đạo quản lý của chính DN.

"Hội chứng 59" từng xảy ra tại Trung Quốc là một minh chứng rõ nét cho việc trì hoãn CPH do sợ ảnh hưởng tới quyền lợi của người đứng đầu DN. Đó là thực trạng về việc trước 59 tuổi, lãnh đạo DNNN tìm mọi cách trì hoãn, không chịu cải cách, CPH vì sợ ảnh hưởng quyền lợi. Khi sang tuổi 59, chuẩn bị nghỉ hưu họ lại tỏ ra sẵn sàng CPH. Nhận xét về điều này, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, sau nguyên nhân về thiếu minh bạch thông tin, nguyên nhân thứ hai làm chậm tiến trình CPH chính là khó khăn về con người mà cụ thể ở đây là lãnh đạo các DN. Nhiều lãnh đạo e ngại CPH là vì sợ mất vị trí và đặc biệt là tiến trình CPH có thể "lộ" ra những tồn tại gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Điều này khiến việc tổ chức, thực hiện CPH chưa quyết liệt.

Mặt khác, có thể nói hoàn thành kế hoạch CPH không quan trọng bằng chất lượng CPH. Điểm cốt lõi là phải thay đổi tư duy lãnh đạo sau CPH, có thể phải thay đổi nhân sự, chấp nhận nguyên tắc thị trường, phải đăng ký trên thị trường chứng khoán để chính thị trường đánh giá và "soi" DN. Sắp tới, cơ quan chức năng tiếp tục nêu tên các đơn vị chậm CPH.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Khó "cán đích" đúng hẹn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.