Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Hành trình đi tìm chữ Thái

Hoàng Định| 21/04/2011 07:11

LTS: Từ khi Nghị quyết TƯ 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ra đời, kèm theo là các biện pháp của chính quyền, việc khai thác, bảo tồn di sản văn hóa được đẩy mạnh, đem lại sự đoàn kết toàn dân to lớn.

Hơn chục năm đã trôi qua, thực tế phát triển đất nước đã đặt ra những vấn đề mới, thách thức sự toàn vẹn của di sản trên các vùng miền khác nhau. Trong loạt bài này, Báo Hànộimới cố gắng chọn vài loại hình di sản tương đối đặc trưng ở vùng cao phía bắc, Tây Nguyên, mô tả sự tồn tại của chúng, qua đó góp phần giúp những cơ quan, địa phương có trách nhiệm nhận thức sâu sắc hơn về sự cấp bách phải có ngay các biện pháp hữu hiệu để bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa.

Dân tộc Thái có một kho tàng văn hóa vô cùng phong phú, trong đó múa xòe có hàng chục điệu. Ảnh: Yến Ngọc


Sơ lược về người Thái
Dân tộc Thái ở nước ta phân bố trên 7 tỉnh, đông nhất tại vùng Tây Bắc. Có nhiều cách giải thích về sự xuất hiện của người Thái tại Việt Nam, Thái Lan, Lào…, đa phần cho rằng từ phương Bắc xuống (như Xi Xoong Ba Na ở Vân Nam - Trung Quốc), do bị tộc người hùng mạnh hơn xua đuổi. Để đánh dấu cuộc di cư bi thảm trong đêm trăng ấy, nhà người Thái Đen thường có chiếc khau cút ở đầu hồi. Quắm tố mường (Kể chuyện bản mường) có lẽ là bộ “thông sử” văn xuôi chính thức nhất của người Thái Đen. Truyện thơ Xống chụ xôn xao (Tiễn dặm người yêu), GS Đặng Nghiêm Vạn đánh giá “như Truyện Kiều của tộc người Thái… phải được coi là một trong những truyện thơ hay nhất của kho tàng văn học Việt Nam”.

Cư trú gần sông suối, cấy lúa nước trên thung lũng vùng cao, vừa đi rừng làm nương vừa quăng chài bắt cá, người Thái thường “tên nước thế nào tên bản thế nấy”, như mường (xã, bản) Tè bên nậm (suối, sông) Tè. Một mường thường có ruộng nước, ao, đất ở, vườn, nương, rừng “trèo” từ thấp lên cao, mái nhà khum khum hình mai rùa thấp thoáng bên bóng nhãn, muỗm. Bây giờ, chuồng trại nuôi súc vật dưới sàn được đưa nhiều ra ngoài để giữ vệ sinh.
Người Thái có một kho tàng văn hóa vô cùng phong phú.  Phụ nữ, nét thô hay xinh xắn, đều duyên dáng, tràn trề nữ tính. Chiếc áo cóm tạo hình “kinh cốm nôm tẳng” (mình thon vú dựng), chân váy quấn vào thân dưới như bỏ bùa khách si tình. Váy áo ấy đẹp như đi hội vẫn cứ địu con lên nương hay xuống sông giặt giũ. Ma chay cưới hỏi theo “bài”. Những điệu dân vũ dân ca hát múa vài đêm không hết. Múa xòe vùng Thái Trắng có tới hàng chục điệu với trình thức lên rất cao, từ bản mường tới “cung đình”, không biết có thể so với Quan họ vùng Kinh Bắc? Món ăn thì thường phải đủ ba vị chua, cay, đắng. Quả rừng, bì, thịt, cá, mẻ, lá rừng cho vị chua, mắc (quả) khén, mắc mạt, mắc ướt, gừng, riềng cho vị cay, còn đắng từ phèo súc  vật, gọi là pịa, hay mật lũ nhím, chó, dê, trâu, bò, gà, lợn, cá. Rượu gạo cất, rượu cần, rượu ngọt cứ phải uống với phủ tạng không “giặt” sạch hẳn như người Kinh, còn gây gây mới vào thun thút. Do đi nương ban ngày nên xôi nếp đồ, món nướng thành thức quen thuộc.


Tìm chữ Thái
Tộc nào thì cũng có tiếng nói riêng. Nhưng “mất chữ là mất văn hóa”. Chuyên chú vào câu nói ấy tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam của nhà thơ Tày Nông Quốc Chấn, chúng tôi mải miết dõi theo sự thăng trầm của chữ Thái, một hành trình đem lại những cảm xúc cũng thăng trầm, sự bức xúc hay lạc quan cứ lúc đứt lúc mờ và đặt ra những câu hỏi không dễ trả lời về  bản sắc từng nền văn hóa.

Người Kinh, trong quá trình chịu ảnh hưởng nước người, luôn hướng tới con chữ của mình. Sau Bắc thuộc, sang giai đoạn quốc gia hình thành, chữ Nôm sinh ra dùng cạnh chữ Hán, bộ sử chính thức “Đại Việt sử ký toàn thư” soạn theo tinh thần độc lập. Người phương Tây sang, quốc ngữ hình thành, lại trở lại làm một khí cụ tranh đấu, tồn tại dân tộc.

Người Thái cũng vậy. Chính là vì có chữ mà hôm nay ta mới biết được những văn bản Quắm tố mường (Kể chuyện bản mường), Păn bản păn mường (Chia bản  chia mường) - văn xuôi, Săng mường (Dặn lại mường), Xống chụ xôn xao (Tiễn dặm người yêu),  Chàng Lú nàng Ủa - truyện thơ… Những tác phẩm đặc sắc ấy phát lộ lịch sử, luật lệ, cuộc sống nên thơ, lãng mạn của tộc Thái, tạo nên sức sống trường tồn cho cộng đồng giữa sự cạnh tranh, ảnh hưởng của các nền văn minh khác.

Theo nhà nghiên cứu Hoàng Trần Nghịch, chủ biên “Từ điển Thái - Việt” (soạn những năm 60, in 1991), chữ Thái ít nhất có từ thế kỷ XVI, cùng ngữ hệ với Tày nhưng không phải chữ Nôm. Về phát âm, có hai thanh “uốn xuống” và “véo lên” mà tiếng Việt không biểu đạt được, cũng không có các “vần” gờ, rờ, â, aư. Do nhiều nguyên nhân, khoảng bốn chục năm nay các trường phổ thông ngưng dạy chữ Thái, trẻ em lớn lên mới học qua múa hát “vì lý do tâm linh”. Năm 1954, khi rút đi, người Pháp mang theo gần như tất cả những văn bản vùng Thái Trắng Lai Châu. Thư viện Sơn La hiện còn bốn, năm nghìn cuốn sách chữ cổ, ghi chủ yếu về Thái Đen, nhưng ít người khai thác được.

Sách dạy tiếng Thái.

Một dân tộc có chữ nhưng chỉ có vài nhà nghiên cứu dùng đến, còn thanh thiếu niên biểu đạt, viết thư tỏ tình cho nhau đều “hướng ra” chữ phổ thông, nghĩa là một giai đoạn văn hóa có cơ “đứt”. Thử tưởng tượng ra người Kinh không biết câu Kiều nào, ăn nói toàn “tôi đến từ Thanh Hóa”, “tôi được dạy bởi giáo sư Nguyễn”… sẽ dễ hiểu nỗi bức xúc của người Thái cao tuổi, nhất là những cụ trí thức. Ông Lương Thế Trần tuổi ngoài 70 ở bản Nà Bó 2, xã Mường Sang, Mộc Châu - Sơn La dấm dứt: “Tôi vốn là giáo viên tiếng Thái sư phạm Tây Bắc, giờ về hưu, có những thứ trong sách Thái cổ đọc rồi cười hay rơi nước mắt đều một mình, chả nói lại cho ai nghe được. Trong đó có những túi khôn, cộng đồng mình nên hứng lấy, không thì lẫn vào tộc khác à? Đến trường, ra tỉnh, lên trung ương đâu đâu thì thân thể, lương bổng là của người nhưng về bản là người Thái rồi, tâm hồn phải là của dân tộc. Con trai tôi sinh năm 1979, kể tục cũ nó có buồn nghe đâu, vì xã hội không cần nữa, chỉ còn văn hóa truyền hình. Ái ngại cho xóm bản, cái mình đang thấy mất thì không ai thấy”. Cách nay chục năm, ông Trần cùng ông Sa Văn Phong, nguyên Trưởng ty Văn hóa Sơn La xin mở lớp không được; có “văn bản”, “chủ trương” nào đâu.

Giờ thì ông Lương Thế Trần không còn quá cô đơn. Mường Sang quê ông có những người cùng chung tâm trạng, nhưng trẻ, có lực và đặc biệt là lạc quan hơn. Năm 2010 ông Lường Văn Hoạt, chi hội trưởng khuyến học bản Nà Bó làm tờ trình mở lớp tiếng Thái, xã không ra ủng hộ nhưng cũng không cản. Cán bộ xóm bảo “học làm gì, các văn bản bằng tiếng Kinh cả rồi…”. Nhưng lớp vẫn mở, thầy Lò Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường PTTH Tân Lập dạy các tối thứ bảy tại một nhà kho. 30 học viên từ bảy đến sáu chục tuổi chả phải đóng góp gì, thầy in tài liệu, có máy chiếu hẳn hoi mà mỗi mùa vụ lại “rụng” vài người, nay còn một nửa. Vừa dạy vừa “dỗ”, lớp cứ chập chờn lúc rộ lúc đứt, người học vừa đọc vừa “đoán” quyển “Truyện thơ và trường ca dân gian Thái” rồi lại tái mù, mà thầy Thắng không nản. Lớp thứ hai của thầy mở ở Tân Lập được xã ủng hộ bằng nghị quyết “cán bộ trong diện phải đi học”; cũng một phần là nhờ bí thư Hà Ngọc Quý vừa có xưởng chè – nghĩa là có tài lực - vừa muốn giữ cội nguồn. Tài liệu, ngoài những sách kể trên, còn có bài cúng tiễn hồn người chết về đất gốc… “Kể ra có giáo trình, chứng chỉ nghiêm chỉnh thì tốt hơn, nhưng người ta đi học cho là tốt rồi”, thầy Thắng nói rất biết mình biết người.

(Còn tiếp)
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Hành trình đi tìm chữ Thái

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.