Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Hạn chế bất cập

Hà Phong| 22/09/2015 05:50

LTS: Cải cách hành chính triệt để, tăng cường số hóa quản lý dân cư trong giai đoạn phát triển mới của đất nước là hai mục tiêu quan trọng, Quốc hội yêu cầu phải đạt được khi thông qua Luật Hộ tịch, Luật Căn cước công dân, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016.

LTS: Cải cách hành chính triệt để, tăng cường số hóa quản lý dân cư trong giai đoạn phát triển mới của đất nước là hai mục tiêu quan trọng, Quốc hội yêu cầu phải đạt được khi thông qua Luật Hộ tịch, Luật Căn cước công dân, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016. Tuy nhiên, phía sau câu chuyện này là không ít vấn đề: Những lo lắng về trình độ cán bộ chưa tương xứng, các văn bản thể chế hóa chưa được ban hành kịp thời là hoàn toàn có cơ sở. Đặc biệt trong bối cảnh thời gian từ nay đến thời điểm luật có hiệu lực không còn nhiều.

Bài 1: Hạn chế bất cập

Từ ngày 1-1-2016, Chính phủ cũng cho phép người dân có quyền lựa chọn cơ quan đăng ký hộ tịch cho mình mà không phải phụ thuộc vào nơi cư trú như trước đây. Thời gian giải quyết việc đăng ký hộ tịch và số lượng giấy tờ cũng sẽ giảm. Đề xuất này nhận được sự đồng tình của dư luận, nhưng vẫn đặt ra câu hỏi: Việc áp dụng quy trình mới có hạn chế được hiện tượng đẻ thêm thủ tục hành chính hay tình trạng "nhũng nhiễu" trong việc giải quyết hồ sơ tại nhiều xã, phường?

Nhiều quy định hiện hành gây khó cho công dân

Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực, Bộ Tư pháp Nguyễn Công Khanh nhận định: Lâu nay, việc đơn giản hóa giấy tờ trong lĩnh vực hộ tịch được quan tâm nhưng vẫn chưa thực sự thuận lợi cho người dân. Vấn đề là phương thức đăng ký mang tính thủ công. Cơ sở dữ liệu phân tán, không xâu chuỗi, kết nối được với nhau, nên khả năng tra cứu, phục vụ yêu cầu của người dân, của cơ quan, tổ chức còn hạn chế. Vì thế, hiện tượng lợi dụng đăng ký hộ tịch nhằm động cơ vụ lợi, hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước có dấu hiệu gia tăng. Chưa kể, nhiều nơi, cán bộ quan liêu, ngồi một chỗ đọc hồ sơ, hồ sơ thiếu giấy tờ gì là bắt người dân phải chạy đi chạy lại bổ sung, rất mất thời gian. Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực từng tiếp nhận điện thoại của một công dân phàn nàn vì thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ quá khó khăn. Bố cháu bé có hộ khẩu ở Hà Nội, mẹ ở TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, dù sinh ra tại Hà Nội, cháu bé không thể khai sinh được tại đây mà bắt buộc phải vào TP Hồ Chí Minh khai sinh theo mẹ. Trong khi đó, chi phí để làm các thủ tục đi lại, sao chụp giấy tờ, nhờ tư vấn pháp luật… không ít.

Luật Hộ tịch quy định rõ tiêu chuẩn, trình độ của đội ngũ làm công tác này. Ảnh: Bá Hoạt


Qua công tác thanh tra còn thấy, khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký kết hôn tại UBND, cán bộ tư pháp của UBND xã, phường còn "đẻ" thêm thủ tục, yêu cầu công dân phải đi về những nơi cư trú trước đây để xin xác nhận tình trạng hôn nhân gây khó khăn, tốn kém cho công dân. Hành vi trên vi phạm quy định của pháp luật. Tuy nhiên, là cánh tay nối dài, giúp Nhà nước quản lý về hộ tịch, những cán bộ công chức đảm nhận công việc này cũng có nỗi niềm riêng. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, nhiều ý kiến muốn làm chặt chẽ với người đã từng ở nhiều nơi cư trú khác nhau. Vì có địa phương đã xảy ra chuyện, vợ chồng bất hòa, chưa ly hôn nhưng vẫn được cấp giấy kết hôn mới gây những hệ lụy hết sức phiền toái. Thậm chí nhiều trường hợp vì quan hệ làng, xã nên nể nang mà cấp giấy chứng nhận độc thân trong khi không biết rõ công dân đó có tồn tại quan hệ hôn nhân hợp pháp hay không. Nếu quá tin tưởng giấy cam đoan do công dân xuất trình hoặc thiếu kiểm chứng... sẽ rất khó kiểm soát, quyền lợi của những đứa trẻ sinh ra từ những cuộc "hôn nhân hờ" đó không được bảo đảm, ít nhất là quyền được khai sinh, quyền thừa kế. Trong nhiều quan hệ dân sự khác, việc cấp giấy kết hôn cho người đang có vợ chồng hợp pháp là sự tiếp tay cho các hành vi lừa đảo, tẩu tán tài sản… Nhiều trường hợp sau thời gian rất lâu mới bị phát hiện và khi đó mọi việc đã "lỡ", giải quyết hậu quả pháp lý là rất khó khăn. Trong khi việc xử lý người cam kết không đúng hiện vẫn như "cánh cửa bỏ ngỏ".

Xóa bỏ địa hạt trong đăng ký hộ tịch

Với Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân vừa được Quốc hội thông qua, nhiều quy định mới mang tính đột phá, tạo cơ chế để quản lý dân cư bằng công nghệ thông tin hiện đại, dữ liệu thông tin về từng cá nhân sẽ dễ kiểm soát hơn.

Thay vì quản lý thủ công, chủ yếu viết vào sổ, bằng tay, cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, khai sinh vừa khó quản lý, vừa khó đối chiếu tính xác thực như phản ánh ở trên, Luật Căn cước công dân, Luật Hộ tịch quy định cấp số định danh cá nhân, lưu giữ thông tin hộ tịch cơ bản của mỗi người tại dữ liệu hộ tịch điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo đó, mọi biến động trong đời sống của mỗi cá nhân, từ việc khai sinh, thay đổi quốc tịch, xác định lại giới tính, kết hôn, ly hôn, nuôi con nuôi, khai tử sẽ được quản lý tập trung thống nhất. Các bộ, ngành, địa phương được toàn quyền sử dụng thông tin để phục vụ công tác xác minh, quản lý, làm thủ tục đăng ký kết hôn, khai sinh, khai tử… trên cơ sở thông tin đã cập nhật, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân một cách dễ dàng. Việc mã hóa thông tin sẽ tránh được tình trạng mỗi công dân phải lưu giữ gần 20 loại giấy tờ, từ CMND đến giấy phép lái xe, giấy tờ sở hữu xe, thẻ bảo hiểm y tế, giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn... như hiện nay.

Một điểm mới nữa trong Luật Hộ tịch là, nếu như trước đây, người đăng ký hộ tịch phải phụ thuộc vào nơi cư trú thì luật đã mở ra sự lựa chọn cho cá nhân khi họ có quyền lựa chọn cơ quan đăng ký hộ tịch cho mình. Người dân có thể nộp hồ sơ trực tiếp, gửi qua bưu chính hoặc qua hệ thống đăng ký hộ tịch trực tuyến khi điều kiện cho phép. Xác định đây là luật quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, Luật Hộ tịch cũng quy định rõ tiêu chuẩn, trình độ của đội ngũ làm công tác này. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, đến thời điểm này, trình độ cán bộ tư pháp hộ tịch chưa đồng đều, trong khi đó, khối lượng công việc phải giải quyết vài năm trở lại đây gia tăng theo cấp số nhân. Nếu không có biện pháp khắc phục, chắc chắn sẽ bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém trong giải quyết các yêu cầu hộ tịch ngay khi luật có hiệu lực. Báo Hànộimới sẽ phản ánh vấn đề này trong số báo tiếp theo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Hạn chế bất cập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.