LTS: Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt vụ sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ở các hộ dân và doanh nghiệp. Vẫn biết việc làm này là tội ác, là đầu độc giống nòi nhưng vì lợi nhuận, người ta sẵn sàng bất chấp tất cả.
LTS: Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt vụ sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ở các hộ dân và doanh nghiệp. Vẫn biết việc làm này là tội ác, là đầu độc giống nòi nhưng vì lợi nhuận, người ta sẵn sàng bất chấp tất cả. Mặt khác, tại sao tội ác vẫn diễn ra? Phải chăng chế tài xử phạt quá nhẹ nên những kẻ thủ ác tiếp tục coi thường pháp luật, bất chấp mọi thủ đoạn để kiếm lợi? Và đâu là giải pháp để ngăn chặn, xử lý dứt điểm vấn nạn này?
Bài 1: Hám lợi, bất chấp thủ đoạn
Có một thực tế rất đáng lo ngại là không chỉ người dân mà ngay cả các doanh nghiệp kinh doanh thức ăn chăn nuôi (TĂCN) cũng đang tiếp tay cho các hộ dân sử dụng "chất cấm". Trong khi đó, các cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn trong việc kiểm soát, ngăn chặn…
Nhiều người tìm đến siêu thị với hy vọng mua được thực phẩm “sạch”, tuy nhiên, không phải |
Thương lái tiếp tay…
Theo Bộ NN&PTNT, 16% số mẫu thịt được kiểm tra có chất tăng trọng, tạo nạc; 7,6% số mẫu thịt được kiểm tra có dư lượng chất kháng sinh vượt ngưỡng cho phép… Chất vàng O trong TĂCN làm gia cầm có thịt màu vàng, đẹp cũng khiến người dân lo lắng, bất an. Vừa qua, Thanh tra Bộ NN&PTNT phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra Công ty TNHH thức ăn chăn nuôi Trường Phú, TP Hải Dương (tỉnh Hải Dương), phát hiện doanh nghiệp này sử dụng chất vàng O. Tại hiện trường, đoàn kiểm tra phát hiện có 2 thùng vàng O có trọng lượng 13kg (trọng lượng ban đầu là 30kg/thùng).
Tại một số công ty ở Hưng Yên, TP Hồ Chí Minh… khi kiểm tra, lực lượng chức năng cũng phát hiện việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Đầu tháng 12-2015, Thanh tra Bộ NN&PTNT phối hợp với C49 Bộ Công an đã kiểm tra và lấy 2 mẫu tại Trang trại chăn nuôi Quyền Anh (tại xã Dương Liễu, Hoài Đức), trong đó 1 mẫu TĂCN do Công ty Bule star cung cấp và 1 mẫu bột màu trắng để phân tích. Kết quả cho thấy: Mẫu chất bột trắng có phát hiện chất Sabultamol với hàm lượng 484,5 ppb, vượt ngưỡng cho phép xấp xỉ 100 lần, còn mẫu thức ăn có kết quả âm tính với Sabultamol. Cũng trong những ngày đầu tháng 12, Đoàn kiểm tra liên ngành của TP Hà Nội đã tịch thu, tiêu hủy 716kg thịt lợn không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu bị bệnh, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm…
Ông Phạm Tiến Dũng, Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, thời gian gần đây, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã ở mức báo động. Việc đưa chất vàng O vào TĂCN để làm cho da và chân gà vàng đẹp, thịt lợn màu hồng nhằm đánh lừa người tiêu dùng sẽ gây hậu quả nghiêm trọng bởi chất vàng O có nguy cơ gây ung thư, biến đổi gen và có khả năng di truyền qua các thế hệ. Hơn nữa, thủ đoạn của các đối tượng bán "chất cấm" hết sức tinh vi, họ vào tận các hộ dân cũng như trang trại để chào mua hàng, sau đó hứa sẽ mua lại sản phẩm với giá cao hơn thị trường (từ 200.000 đến 300.000 đồng/con lợn) khiến cho người chăn nuôi hám lợi, bất chấp mọi thủ đoạn. Trong khi đó, việc tiêu thụ thực phẩm của Việt Nam nằm trong tay thương lái tới 80% khiến cho tình trạng sử dụng "chất cấm" thời gian qua tiếp tục gia tăng, nhất là ở khu vực chăn nuôi nông hộ ở những thị trường tiêu thụ nhiều thực phẩm.
Người tiêu dùng rất sợ mua phải thịt lợn tồn dư chất cấm. Ảnh: Bùi Tuấn |
Người dân bất chấp
Theo ông Đỗ Phú Sơn - Phó Phụ trách Chi cục Thú y Hà Nội, việc "bắt tận tay" các hộ nông dân sử dụng chất cấm là rất khó, vì chăn nuôi của Việt Nam vẫn chiếm 60-70% nhỏ lẻ trong khu dân cư. Ngoài ra, các đối tượng buôn bán và sử dụng chất cấm hoạt động với nhiều thủ đoạn tinh vi nên nếu chỉ kiểm tra các cửa hàng thuốc thú y hay TĂCN không thể phát hiện. Việc kiểm tra lấy mẫu giám sát chất lượng ở các hộ chăn nuôi còn ít nên không xử lý tận gốc tình trạng này. Trong khi đó, chế tài xử phạt quá nhẹ, khiến cho các đối tượng "nhờn luật".
Theo quy định hiện hành, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khi phát hiện dùng "chất cấm" bị phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng, còn trang trại chăn nuôi từ 12 triệu đến 25 triệu đồng. Những doanh nghiệp sản xuất TĂCN bị phạt từ 70 triệu đến 100 triệu đồng nên với một doanh nghiệp lớn, mức xử phạt hành chính như vậy là quá thấp so với mối lợi thu được khi đưa chất cấm vào sản xuất khiến cho các đối tượng bất chấp mọi thủ đoạn.
Chủ trang trại chăn nuôi lợn ở Thanh Oai, Trần Trọng Long cho biết: Lợn sử dụng chất cấm sẽ đẹp mã hơn so với các con khác nên bán được giá cao hơn (từ 50 đến 100.000 đồng/con) so với các lợn thông thường nên nhiều hộ chăn nuôi nhỏ vẫn sử dụng. Người chăn nuôi đưa "chất cấm" từ giai đoạn trộn thức ăn nên rất khó phát hiện và đa số người bán chất cấm tới tận trang trại để bán cho người sử dụng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.