Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Hãi hùng “mafia lò gạch”

Nhóm PV Hànộimới| 08/04/2010 06:24

(HNM) - Hàng ngàn hécta đất bãi ven sông Hồng, thuộc địa bàn huyện Mê Linh, bị khai thác để sản xuất gạch, ngói, gây ảnh hưởng tới quy hoạch, ô nhiễm môi trường và an ninh chính trị địa phương. Các

Bài 2: Vì sao trên bảo dưới chẳng nghe?

Lò gạch tràn ngập tại vùng đất bãi sông Hồng thuộc huyện Mê Linh. Ảnh: Tuấn Khải


Không quá lời khi những người dân tiếp nhóm PV Hànộimới gọi những khu đất bãi ven sông Hồng thuộc địa bàn huyện Mê Linh là "vùng cấm" và lo sợ bị trả thù vì chống tiêu cực. Trong suốt những ngày rong ruổi dọc các xã để tìm hiểu thông tin, chỉ duy nhất một người dám đưa chúng tôi đi với lời dặn: "Không dám bảo đảm an toàn cho các nhà báo!".

Vào "vùng cấm"
Khu vực khai thác đất và nung gạch, ngói ở thôn Tráng Việt (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) rộng mênh mông, nhìn ngút tầm mắt. "Nói thật, tôi vốn là dân giang hồ đã "rửa tay gác kiếm" nên chúng còn ngại. Dù sao các nhà báo cũng phải hết sức cẩn thận!" - người dẫn đường cho chúng tôi dặn.

Con đường độc đạo dẫn ra cánh đồng bị hàng chục xe tải, máy xúc hằng ngày cày nát nên rất khó đi. Xung quanh là vài chục lò gạch đang vào vụ, phun khói mù mịt. Chỉ những hố sâu tới 7-8m trên mặt ruộng, đường kính thì khó đo đếm vì quá rộng, người dẫn đường cho biết: "Giấy phép chỉ cho đào cỡ 2m nhưng họ cứ làm bừa như vậy. Chính quyền dung túng, người dân địa phương đành bất lực. Sai phạm đã thành hệ thống và kéo dài nhiều năm, đến nỗi người dân không còn tin vào chính quyền địa phương nữa". Máy xúc, xe tải đang hoạt động nhộn nhịp nhưng khi thấy tôi chụp ảnh liền lập tức dừng lại. Có người tỏ ý đe dọa, nhưng có lẽ thấy xe ô tô của chúng tôi mang "biển xanh" nên họ còn có đôi chút kiêng dè.

Tại xã Văn Khê cách đó không xa vẫn còn khoảng 40 lò gạch đang hoạt động. Ông Nguyễn Văn Bàn (70 tuổi, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã) bức xúc: Lúc cao điểm nhất, Văn Khê có trên 100 lò hoạt động hết công suất, làm chết cây cối, hoa màu và ô nhiễm môi trường. Một số người dân Văn Khê tố cáo các doanh nghiệp khai thác đất tại đây đều vượt thời gian và diện tích gấp đôi, gấp ba so với hợp đồng. Trong nhiều năm liền, tiền thu của các lò gạch không đưa vào sổ sách kế toán của xã. Khi chúng tôi đề nghị đưa ra hiện trường, bà con chỉ dám tả đường và đưa đi một đoạn vì "chúng nó ghê gớm lắm!" Ông Bàn kể, có lần có người mang đến nhà 20 triệu đồng và bảo ông cầm lấy mà dưỡng già để cho con cháu làm ăn. Kèm theo đó là những lời đe dọa. Tôi tức quá đuổi nó ra khỏi nhà. Tôi luôn tin vào Đảng và tin rằng một ngày kia, những sai phạm ở đây sẽ được đưa ra ánh sáng.

Hàng tập đơn khiếu nại đã được người dân gửi đến cơ quan chức năng nhưng chưa nhận được câu trả lời.


Chém người như "xã hội đen"
Huyện Mê Linh có khoảng 1.518ha đất bãi ven sông Hồng thuộc địa bàn các xã: Tráng Việt, Văn Khê, Hoàng Kim, Thạch Đà, Tiến Thịnh và Chu Phan. Toàn bộ diện tích này từ nhiều năm trước đã sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, chưa được cấp thẩm quyền nào phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng vào mục đích khai thác đất để sản xuất gạch, ngói. Tuy nhiên, những năm gần đây do nhu cầu về vật liệu xây dựng tăng mạnh nên hoạt động khai thác đất trái phép để sản xuất gạch, ngói và san lấp mặt bằng của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn cũng vì thế mà phát triển như "nấm mọc sau mưa". Công tác quản lý đất đai bị buông lỏng, sai quy định của pháp luật. Thậm chí, các cấp chính quyền địa phương còn "vội vàng" ban hành quyết định khi còn thiếu cơ sở pháp lý hoặc ký sai thẩm quyền. Hàng loạt hợp đồng khống, hợp đồng kinh tế không số đã được lập để kiếm lời. Ngay cả những khu đất mà UBND huyện Mê Linh (khi còn thuộc tỉnh Vĩnh Phúc) đã có quyết định thu hồi để khai thác sản xuất gạch, ngói lại nằm trong quy hoạch khu công viên cây xanh, du lịch sinh thái đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 208/2004/QĐ-TTg ngày 13-12-2004.

Các ông Ngô Văn Xô, Ngô Văn Bách, Vương Văn Xoa (thôn Tráng Việt, xã Tráng Việt) đưa ra hàng tập văn bản, đơn khiếu nại mà nếu đem cân cũng phải nặng tới vài kilôgam. "Hơn 5 năm qua, chúng tôi đã gửi tới khắp các cơ quan chức năng nhưng không có hồi âm hoặc chỉ nhận được giấy khất hẹn giải quyết. Số lần khất hẹn nhiều đến nỗi không nhớ xuể" - vừa nói, ông Ngô Văn Bách vừa cởi áo cho chúng tôi xem những vết chém chằng chịt trên lưng, trên vai vừa mới lành miệng. "Khi tôi đang bơm nước phục vụ tưới tiêu thì một số kẻ bịt mặt lao vào chém. Cho đến bây giờ, cơ quan chức năng vẫn bảo chưa điều tra được vụ án".

Ông Lưu Văn Bình (thôn Khê Ngoại, xã Văn Khê) bức xúc: "Huyện ở xa mà xã thì buông lỏng. Xa thì xa, tôi vẫn đi đấu tranh chống tiêu cực và yêu cầu được gặp người có thẩm quyền nhưng cơ quan chức năng lại quá vô cảm. Tôi vẫn còn giữ được vài chục tờ giấy hẹn giải quyết của huyện nhưng lần nào đến, nhân viên văn phòng cũng nói lãnh đạo bận họp nên khất lần khác".

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Mạnh Xuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Tráng Việt cũng thừa nhận có những bất cập và sai phạm trong việc quản lý đất đai tại địa phương. Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt vấn đề biết sai sao chính quyền không xử lý, ông Xuyên viện lý do, cái khó với địa phương hiện nay là nếu cưỡng chế xóa sổ ngay các lò gạch thủ công thì phải bồi thường cho chủ lò rất nhiều, vì hàng loạt hợp đồng đến tháng 10-2010 mới hết thời hạn (?!).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Hãi hùng “mafia lò gạch”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.