Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Điểm tên vi phạm trong nội đô

Nhóm PV điều tra| 07/08/2012 06:28

LTS: Thường trực Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo xử lý nghiêm công trình sai phạm và những tổ chức, đảng viên có liên quan theo phân cấp quản lý. Loạt bài của Hànộimới sẽ


Đặc biệt, trên địa bàn các quận nội thành, dù cách không bao xa trụ sở các cơ quan quản lý vẫn có những công trình lớn ngang nhiên mọc lên, bất chấp các quy định về quản lý TTXD, khiến dư luận bức xúc. Mới đây, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo xử lý nghiêm công trình sai phạm và những tổ chức, đảng viên có liên quan theo phân cấp quản lý, thể hiện quyết tâm của Hà Nội trong việc chấn chỉnh TTXD đô thị. Loạt bài của Hànộimới sẽ "mổ xẻ" nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tràn lan, đồng thời nêu ra một số giải pháp với kỳ vọng góp phần lập lại kỷ cương trong lĩnh vực này.

"Vô địch" về công trình sai phép

"Danh hiệu" ấy có lẽ thuộc về phường Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng. Chỉ trên 3 tuyến phố trọng điểm của phường này đã có đến 6 công trình vi phạm nghiêm trọng các quy định về quản lý TTXD tại các địa chỉ: 19 Triệu Việt Vương, 22 Triệu Việt Vương, 107A Bùi Thị Xuân, 135-137 Bùi Thị Xuân, 67 Mai Hắc Đế và 86 Mai Hắc Đế. Từ tháng 4-2012, những vi phạm trên đã được Sở Xây dựng phát hiện, có văn bản yêu cầu UBND quận Hai Bà Trưng kiểm tra, xử lý vì đây là những công trình thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND quận "đang xây dựng với quy mô lớn, không phù hợp với cảnh quan và nội dung giấy phép".


Công trình vi phạm các quy định về quản lý TTXD tại 135-137 Bùi Thị Xuân (phải). Ảnh: Linh Tâm

Theo tìm hiểu của phóng viên, những vi phạm chủ yếu của chủ đầu tư các công trình này là xây dựng vượt số tầng quy định trong giấy phép với diện tích sàn chênh lệch cả ngàn mét vuông. Đơn cử như công trình số 19 Triệu Việt Vương, giấy phép chỉ cấp cao 9 tầng nhưng hiện đã xây đến 12 tầng, diện tích sai phép là 1.055m2, không bảo đảm độ lùi công trình theo quy định. Ngôi nhà xây dựng theo lối kiến trúc Pháp, hiện đã được quét sơn, trang trí xong 12 tầng, nhìn bề ngoài đã khá hoàn thiện. Những ngày này, toàn bộ tầng 1 của tòa nhà được quây rào sắt kín mít, liên tục có hai nhân viên mặc đồng phục bảo vệ túc trực trước cổng. Hay tòa nhà ở 135-137 Bùi Thị Xuân chỉ được cấp phép 10 tầng nhưng hiện đã cao đến 13 tầng, tổng diện tích sai phép lên đến hơn 1.500m2. Ngôi nhà hiện đã cơ bản được hoàn thiện, các cửa sổ đã lắp kính từ tầng 1 đến tầng 13, tầng 1 cũng được quây tôn kín mít và luôn im ỉm đóng. Số nhà 22 Triệu Việt Vương chỉ được cấp phép 6 tầng nhưng chủ đầu tư đã tự ý chồng thêm 3 tầng, với diện tích sai phép là 1.239m2… Đã được Sở Xây dựng cảnh báo từ ngày 11-4-2012, nhưng đến tận ngày 4-5-2012, UBND quận Hai Bà Trưng mới ra Quyết định số 1079/QĐ-UBND về việc thành lập Đoàn kiểm tra các công trình vi phạm trật tự xây dựng - đô thị kể trên (?). Vì vậy, khi triển khai quyết định thì… việc đã rồi!

Ngày 4-7-2012, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Lâm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng không cung cấp danh sách cụ thể những vi phạm trên mà chỉ nêu 3 vụ việc tiêu biểu. Ông Tuấn cho biết, các công trình trên chủ yếu vi phạm về việc xây quá số tầng quy định, sai mật độ xây dựng và không bảo đảm độ lùi theo giấy phép được cấp. Ngày 20-6-2012, Quận ủy Hai Bà Trưng đã ra nghị quyết về việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý TTXD trên địa bàn quận năm 2012 và những năm tiếp theo. Chủ trương của quận là các công trình sai phạm sẽ phải xử lý kiên quyết, triệt để. Bà Nguyễn Thị Huệ, Phó Chủ tịch UBND phường Bùi Thị Xuân, người trực tiếp phụ trách lĩnh vực TTXD cho biết, tính đến ngày 2-7-2012 đã có 5/6 chủ đầu tư các công trình trên có phương án xin tự tháo dỡ phần xây dựng sai phép gửi đến UBND phường. Hiện chủ đầu tư công trình 19 Triệu Việt Vương đã cắt điện nước, tháo dỡ toàn bộ bình nóng lạnh, điều hòa nhiệt độ, vách ngăn, kính ở tầng trên cùng. Riêng tòa nhà số107A Bùi Thị Xuân hiện đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng, chủ đầu tư chưa có đơn gửi ra phường. Khi phóng viên đặt câu hỏi, tại sao các công trình vi phạm nghiêm trọng quy định về TTXD kể trên đều ở trên mặt các tuyến phố trung tâm, diện tích xây dựng lớn, tập trung tại địa bàn một phường, cách không xa trụ sở các cơ quan chức năng quận Hai Bà Trưng mà lại chậm được phát hiện, xử lý như vậy, đại diện chính quyền phường Bùi Thị Xuân và quận Hai Bà Trưng đều chưa trả lời câu hỏi trên.

Một vụ việc khác cũng trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, đó là vi phạm TTXD tại số 171 phố Bà Triệu, phường Lê Đại Hành. Dù diện tích vi phạm không lớn nhưng hiện vụ việc đang gây khiếu kiện phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trong khu vực. Ngày 3-5-2012, UBND phường Lê Đại Hành đã có báo cáo gửi UBND quận Hai Bà Trưng về những hành vi vi phạm như xây dựng cơi nới, chiếm dụng diện tích sử dụng chung mới phát sinh, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của các hộ dân. Báo cáo này được lập trên cơ sở chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND quận Lâm Anh Tuấn, để làm rõ nội dung giải quyết đơn khiếu nại của bà Dương Phương Vinh, địa chỉ 171 Bà Triệu. Nhưng cho đến nay, chính quyền địa phương chỉ vạch ra vi phạm rồi… để đấy mà chưa có biện pháp xử lý triệt để.

Tại quận Hoàn Kiếm, một công trình sai phép khác nằm tại vị trí 55A-55B phố Bà Triệu, tuyến phố trung tâm, có vị trí "nhạy cảm" chỉ cách Hồ Gươm vài trăm mét, cũng đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Đây là công trình nhà ở kết hợp văn phòng và bảo tàng tư nhân đầu tiên tại Hà Nội, đã từng được Sở Xây dựng cấp giấy phép thay thế lần thứ hai để nâng chiều cao tòa nhà lên đến 9 tầng, chưa kể 3 tầng hầm và tầng kỹ thuật. Thế nhưng sau đó chủ đầu tư lại tiếp tục có văn bản đề nghị được mở rộng thêm diện tích xây dựng công trình. Và trong lúc chưa nhận được cơ quan chức năng và cấp có thẩm quyền cho phép, chủ đầu tư đã tự ý xây dựng đến tầng thứ 13, vượt quá 3 tầng và vượt chiều cao 5,2m so với giấy phép được cấp. Lãnh đạo thành phố đã yêu cầu UBND quận Hoàn Kiếm kiểm tra, lập biên bản, ra quyết định xử phạt, yêu cầu chủ đầu tư tự tháo dỡ phần xây dựng sai phép. Ngày 14-5-2012, chủ đầu tư bắt đầu triển khai tự tháo dỡ gần hết cột, sàn tầng 3. Tuy nhiên, với tiến độ vừa tháo dỡ vừa… nghe ngóng như hiện nay, dư luận cho rằng nếu không giám sát chặt chẽ thì việc chủ đầu tư tự khắc phục hậu quả chỉ là chuyện "làm phép" để che mắt các cơ quan chức năng.

Đường làm chưa xong, nhà sai phép đã mọc

Cuối năm 2011, nhiều người dân quận Cầu Giấy đã phấn khởi khi mặt bằng tuyến đường Trần Quốc Hoàn được giải phóng. Nhiều người mong mỏi "nút thắt cổ chai" này sẽ trở nên thông thoáng, sạch đẹp, không còn cảnh ùn tắc giao thông triền miên và hàng quán nhếch nhác lấn chiếm lòng lề đường. Thế nhưng trong khi việc giải phóng mặt bằng vẫn đang được tiến hành thì hàng chục hộ dân thuộc địa bàn phường Dịch Vọng Hậu đã ồ ạt tập kết vật liệu, xây dựng nhà ngay mặt đường mà không cần "đếm xỉa" đến việc chưa được UBND quận cấp phép. UBND phường đã lập biên bản đình chỉ vi phạm song không ngăn cản được những ngôi nhà mọc lên ngày càng nhiều. Sự việc này một lần nữa gây bức xúc cho người dân khu vực về nguy cơ đoạn đường bị "thắt cổ chai", tuyến phố vừa được mở rộng lại mọc lên hàng quán nhếch nhác, nhà siêu mỏng, siêu méo, siêu… tạm bợ, làm mất mĩ quan đô thị, vi phạm quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cũng cùng cảnh chưa được cấp phép, nhưng nếu người dân ở phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy chỉ "dám" xây nhà từ một đến vài chục mét vuông thì một chủ đầu tư ở ngõ 83 đường Ngọc Hồi thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai đã không ngần ngại dựng lên hẳn một chung cư 8 tầng với tổng diện tích cả ngàn mét vuông. Khu đất này vốn là đất công do xã Hoàng Liệt (trước đây thuộc huyện Thanh Trì) quản lý nhưng để hoang hóa, nên Công ty TNHH Cơ khí Hưng Sơn xin thuê làm văn phòng, nhà xưởng. Đến năm 2008, UBND TP đã cấp giấy chứng nhận cho công ty được sử dụng 4.889m2 đất làm trụ sở và văn phòng giới thiệu sản phẩm, trong đó 2.529m2 được sử dụng 50 năm kể từ năm 2007 và 2.360m2 sử dụng hằng năm, tuyệt đối không được xây dựng kể cả tường rào vì nằm trong chỉ giới làm đường, khi Nhà nước thu hồi phải bàn giao theo quy hoạch. Sau đó công ty này có văn bản đề nghị được chuyển sang xây dựng tòa nhà hỗn hợp gồm trụ sở công ty, nhà cho thuê và nhà ở. Được thành phố đồng ý về chủ trương, nhưng khi các thủ tục chuyển đổi chưa hoàn thiện thì với lý do "ngày đẹp, hợp tuổi giám đốc", ô tô chở vật liệu xây dựng đã ùn ùn kéo về, làm ngày làm đêm dựng nên tòa chung cư cao chất ngất, bất chấp hàng chục biên bản, quyết định ngăn chặn, xử phạt của chính quyền địa phương. Vụ việc đã được chính quyền phường Hoàng Liệt phát hiện từ khi công trình đang đổ móng, đã có hàng chục biên bản vi phạm, tạm giữ tang vật… được lập nhưng chỉ đến khi dư luận bức xúc, báo chí phát hiện, vào cuộc thì quyết định đình chỉ thi công của chính quyền địa phương mới được thực thi. Trước đó nhiều tháng, hàng loạt thông tin rao bán căn hộ tại đây đã được đăng đầy rẫy trên các sàn giao dịch bất động sản và đã có nhiều khách hàng đổ tiền vào công trình này mà không biết đến ngày nào mới được nhận nhà. Đến hôm nay, trên nhiều diễn đàn bất động sản, hàng chục người vẫn phấp phỏng hỏi nhau, là đến tháng 6-2012 liệu công trình có được cấp phép theo như lời hứa hẹn của chủ đầu tư? Ngày 4-7-2012, trao đổi với phóng viên Hànộimới, ông Phùng Trung Hải, Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt cho biết, hiện công trình vẫn chưa được cấp phép xây dựng, đang bị đình chỉ tuyệt đối, chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra để bảo đảm chủ đầu tư không tiếp tục thi công, chờ hướng giải quyết, xử lý của quận và thành phố. Tuy nhiên, trên thực tế thì việc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đã để xảy ra sai phạm nghiêm trọng tại công trình trên theo chỉ đạo của UBND thành phố hiện vẫn chưa được UBND quận Hoàng Mai hoàn tất, công khai cho dư luận rõ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Điểm tên vi phạm trong nội đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.