Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Đã bớt chướng tai, gai mắt

Minh Ngọc| 13/02/2011 08:29

(HNM) - Bản chất của lễ hội là tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, những phong tục, tập quán tốt đẹp của các địa phương, ghi nhận công lao của những nhân vật có công xây dựng và bảo vệ đất nước…

LTS: Bản chất của lễ hội là tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, những phong tục, tập quán tốt đẹp của các địa phương, ghi nhận công lao của những nhân vật có công xây dựng và bảo vệ đất nước… "Gần xa nô nức yến oanh…" đã thành lệ, đầu xuân phàm là người Việt thường muốn được tham dự ít nhất một lễ hội nào đó, hoặc để lễ bái cầu may, hoặc để tham dự phần hội rộn rã, cũng có thể chỉ là đi du lịch vãng cảnh… Rất tiếc, thời gian gần đây, vì nhiều lý do mà nhiều người đi lễ hội vui ít, buồn nhiều. Vì sao vậy? Loạt bài "Vui, buồn lễ hội đầu năm" của Hànộimới sẽ góp phần làm rõ những cái được và chưa được trong quản lý, tổ chức lễ hội hiện nay tại một số địa phương.

Bài 1: Đã bớt chướng tai, gai mắt

Mỗi độ xuân về, người dân lại nô nức đi lễ chùa, dự hội cầu may. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu các lễ hội diễn ra đúng với ý nghĩa văn hóa, tâm linh vốn có, song không thể không nói khi ngày càng có nhiều lễ hội linh thiêng trở nên trần tục, nhộn nhạo ngay trước cửa thánh thần. Với nhiều nỗ lực trong việc tổ chức và quản lý lễ hội từ TƯ đến địa phương, có thể nhận thấy mùa lễ hội Xuân Tân Mão cũng đã phần nào bớt đi những điều "chướng tai, gai mắt".

Giật mình... nhìn lại


L khai hi Chùa Hương năm 2011.


Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có gần 8.000 lễ hội lớn nhỏ, trải đều trên phạm vi cả nước, trong đó có nhiều lễ hội quy mô lớn diễn ra đầu xuân như chùa Hương, hội Gióng (Hà Nội); đền Trần, chợ Viềng (Nam Định); đền Hùng (Phú Thọ); hội Lim (Bắc Ninh); Yên Tử (Quảng Ninh); chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng); chùa Bà (Bình Dương)… Nhiều du khách đi hội xuân Canh Dần đến nay vẫn chưa hết bàng hoàng khi phải chứng kiến cảnh chen lấn, xô đẩy dẫn đến hỗn loạn tại lễ khai ấn, phát ấn ở đền Trần; cảnh hàng trăm du khách bị treo lơ lửng trên không nhiều giờ tại lễ hội chùa Hương; cảnh "chặt chém" vô tội vạ tại lễ hội Yên Tử; cảnh chất ngất đồ mã để "hóa" trong lễ hội đền Bà Chúa Kho...

Nói như PGS Trần Lâm Biền, Cục Di sản văn hóa thì những cảnh tượng nói trên là điều không thể chấp nhận. Bởi lẽ, xã hội ngày càng văn minh, con người ngày càng được học rộng, biết nhiều, hiểu nhiều thì càng phải biết chắt lọc và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của lễ hội, song đáng tiếc là họ đang làm ngược lại. Ví như, Bà Chúa Kho vốn là một người trông giữ kho quân lương cho quân đội nhà vua, nhưng ngày nay người ta lại trông mong vào việc vay tiền (âm) từ Bà để buôn may, bán đắt. Hay lễ khai ấn đền Trần vốn là một phong tục đẹp, mang đậm dấu ấn thanh cao của việc làm quan xưa: Cuối năm rửa ấn cất đi, đầu năm mang ấn ra khai để bắt đầu một năm mới làm việc sáng suốt, công việc hanh thông, thì người ta lại gắn nó với chuyện mua quan bán tước... Vì vậy, cả người tổ chức và người tham gia đều có lỗi khi làm cho các lễ hội mất dần giá trị văn hóa vốn có.

Quyết liệt chấn chỉnh

Tháng Giêng là mùa lễ hội. Lễ hội càng lớn, càng đông người tham gia thì càng bị phàn nàn nhiều, tập trung vào một số điểm chính như lộn xộn, ùn tắc, chen lấn, bắt chẹt khách, thương mại hóa lễ hội, ứng xử thiếu văn hóa, xâm phạm cảnh quan môi trường… Từng bước xây dựng nếp sống văn minh lễ hội, các cơ quan hữu quan đã có hàng loạt động thái nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các hiện tượng tiêu cực trong lễ hội. Sự chuyển biến tích cực ở một số lễ hội lớn Xuân Tân Mão 2011 chính là bằng chứng rõ nhất khẳng định sự quyết tâm này của các cấp, các ngành.

Nếu như những năm trước, du khách đến với chốn "Nam thiên đệ nhất động" phải phiền lòng khi hệ thống loa âm thanh cỡ lớn đua nhau vặn hết công suất để giới thiệu các mặt hàng được bày bán tại đây thì hiện nay hệ thống loa này đã được dùng để tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa của lễ hội chùa Hương, tuyên truyền nếp sống văn minh, hành vi văn hóa, không xả rác, đặt tiền "giọt dầu", đốt vàng mã bừa bãi... Chị Bùi Thị Hoa, chủ cửa hàng bán bánh củ mài "Chú Béo" cho biết: Không có loa quảng cáo, lượng bánh củ mài mà cửa hàng chị bán ra năm nay vẫn tăng hơn mọi năm.


Vic thp hương quá nhiu d gây ha hon ti các đình, đn, chùa. nh: Nht Nam


Nạn bán quẻ thẻ đoán vận hạn đầu năm ở đền Bà Chúa Kho gây cho du khách những phiền toái không đáng có khi bốc phải "quẻ xấu" đến nay đã được khắc phục triệt để. Đáng nói hơn, ngày 11-2 (mùng 9 tháng Giêng), đoàn công tác của Bộ VH,TT&DL "mục sở thị" lò "tiêu thụ" đồ mã lớn bậc nhất miền Bắc trong đền Bà Chúa Kho đã ghi nhận việc đốt đồ mã hầu như không còn. "Đội quân" khấn thuê tuy vẫn hoạt động nhưng không chèo kéo, bắt ép khách. Có được sự thay đổi theo hướng tích cực như trên, ông Nguyễn Văn Tuyến, Trưởng BTC lễ hội đền Bà Chúa Kho cho hay: BTC đã bố trí gần 100 người làm công tác an ninh, trật tự ở tất cả các địa điểm diễn ra lễ hội (gấp 3 lần năm 2010) và thay nhau trực 24/24 giờ. Lực lượng này đã góp phần ngăn chặn kịp thời hàng chục chuyến xe chở đồ mã vào đền, bắt được hơn 20 trường hợp trộm cắp, móc túi, gây mất an ninh, trật tự.

Quyết không để yếu tố mê tín dị đoan có cơ hội chen chân vào hội Gióng - lễ hội đầu tiên của Việt Nam được đứng trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, BTC lễ hội đền Sóc (Sóc Sơn) đã in 3 vạn tờ gấp tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa cũng như trách nhiệm của người dự hội để phát cho du khách gần xa. Mặt khác, BTC lễ hội còn có sáng kiến làm hoa tre - biểu tượng thiêng liêng nhất của hội Gióng, phát cho người dự hội như một món quà đầu xuân nhằm hạn chế tình trạng du khách bẻ cành cây mang lộc về nhà. Đây cũng là một trong số ít di tích được đoàn công tác Bộ VH,TT&DL đi kiểm tra lễ hội ngày 11-2 đánh giá không còn tình trạng "hối lộ" thánh thần bằng cách đặt tiền lẻ vào tay tượng. Chia sẻ kinh nghiệm xử lý hình ảnh phản cảm này, ông Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Quản lý khu du lịch đền Sóc Sơn cho biết: Đa số du khách đến tham quan di tích, dự hội đền Sóc đều được hướng dẫn viên của Trung tâm giải thích: "Theo niềm tin của người Việt, thánh thần có khả năng ban cho dân chúng phúc lộc, bình an, tiền tài, danh vọng thì không có lý gì thánh thần phải chìa tay để xin dân chúng chút tiền lẻ, vì thế mỗi người hãy đi lễ bằng cái tâm hướng thiện".

Qua những nét chuyển biến tích cực kể trên, bước đầu có thể nhận thấy: Chính quyền các địa phương có lễ hội một mặt cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng chủ động xây dựng, triển khai phương án bảo đảm an ninh, an toàn lễ hội; mặt khác cần trang bị cho người dân kiến thức cơ bản về văn hóa ứng xử trong lễ hội. Còn về phía người dân, nếu mỗi người biết tự điều chỉnh hành vi của mình thì lễ hội sẽ giàu ý nghĩa hơn.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam:
"Để hạn chế những mặt trái của lễ hội hiện nay, theo tôi, trước hết những người tổ chức lễ hội phải trả lời được câu hỏi, tổ chức lễ hội vì ai, cho ai và vì cái gì. Khi biết mục đích của lễ hội là gì thì lễ hội sẽ đi đúng hướng hơn".

Phó Giáo sư Trần Lâm Biền:
"Tôi cho rằng phải dùng cả tâm và trí để làm lễ hội, bởi có tâm mà không có trí thì dễ dẫn đến mê tín dị đoan, có trí mà không có tâm thì dễ dẫn đến sự sai lệch, lộn xộn".
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Đã bớt chướng tai, gai mắt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.