Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Cho màu xanh yêu thương

Duy Biên - Chí Đạo| 30/03/2012 06:23

Thành lập ngày 28-3-1976, với tinh thần "Đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì", thanh niên xung phong (TNXP) thành phố Hồ Chí Minh đã viết nên những trang sử hào hùng của tuổi trẻ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

LTS: Thành lập ngày 28-3-1976, với tinh thần "Đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì", thanh niên xung phong (TNXP) thành phố Hồ Chí Minh đã viết nên những trang sử hào hùng của tuổi trẻ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng đánh giá: Đối với thành phố Hồ Chí Minh, phong trào TNXP là lứa hoa tiên tiến đầu tiên nở từ mùa xuân thứ nhất. Hôm nay, trên thành phố mang tên Bác, lớp lớp những "lứa hoa tiên tiến" đã và đang tỏa ngát hương thơm trên những vùng đất mà họ đi qua, mang lại màu xanh cho đất, sức sống cho những bản làng xa xôi, những miền quê hẻo lánh và sự bình yên cho từng con đường, khu phố…

Bài 1: Cho màu xanh yêu thương

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, hàng nghìn TNXP ở Sài Gòn đã không ngại gian khổ, tình nguyện lên đường đến những vùng xa xôi, hẻo lánh để khắc phục hậu quả chiến tranh, khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới. Khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, họ lại sát cánh phục vụ bộ đội trên chiến trường. 36 năm trôi qua, hình ảnh, những năm tháng cống hiến tuổi xanh cho quê hương vẫn khắc sâu trong tâm trí nhiều cựu TNXP TP Hồ Chí Minh.

Hồi sinh những vùng quê mới

Những ngày cuối tháng Ba, chúng tôi đến tìm gặp ông Dương Kim Kết, Chủ tịch Hội Cựu TNXP quận Bình Thạnh. Năm 1976, ông Kết là Liên đội trưởng Liên đội TNXP Bình Thạnh, chỉ huy 1.000 đội viên TNXP. Sau những năm tháng đi TNXP, trở về đời thường, ông Kết thành lập Công ty Thương mại, dịch vụ Vẫn Xanh Màu Áo chuyên kinh doanh mặt hàng giấy do ông làm Giám đốc. Ông lý giải, sở dĩ tôi đặt tên công ty này như vậy là để nhớ về một thời mình từng khoác bộ quần áo màu xanh mạ non…

Lực lượng TNXP trở về thành phố (năm 1979) sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại biên giới Tây Nam.

Ông Kết bồi hồi nhớ lại: Sài Gòn những ngày sau 30-4-1975, bên cạnh niềm vui lớn Bắc - Nam sum họp một nhà là ngổn ngang, bộn bề khó khăn của thành phố vừa được tiếp quản. Hậu quả của chiến tranh quá tàn khốc và nặng nề. Ngót 2/3 diện tích Đồng bằng Nam bộ được coi là "vùng đất trắng" đất đai bạc màu, hoang hóa. Chưa kể một bộ phận không nhỏ thanh niên Sài Gòn rơi vào trạng thái hoang mang không định hướng được tương lai, số khác là tàn dư của chế độ cũ đang ngập ngụa trong tệ nạn, rượu chè… Đáp ứng lời kêu gọi của thành phố, ngày 28-3-1976, hơn 10.000 thanh niên trong Tổng đội TNXP, đội ngũ chỉnh tề đã tập hợp tình nguyện lên đường đi xây dựng các vùng kinh tế mới. Đó là buổi xuất quân khí thế hào hùng nhất của TNXP, sau này thành ngày kỷ niệm của lực lượng TNXP thành phố. Ngày đó, mới 20 tuổi nhưng tôi đã được giao trọng trách hết sức nặng nề là lo chỗ ăn, chỗ ở và tổ chức cuộc sống của 1.000 đoàn viên ở những vùng đất mới. Vừa đặt chân đến nơi đóng quân nằm sâu trong rừng, cách thị trấn Chơn Thành (Sông Bé cũ) khoảng 20km, TNXP đã giúp đồng bào vùng kinh tế mới ổn định sinh hoạt. Giai đoạn khổ nhất là cuối năm 1976 và đầu năm 1977, đơn vị thiếu lương thực nghiêm trọng. Cả mấy tháng liền, anh chị em phải ăn bo bo, bột mỳ thay gạo và phải đi xa hàng chục cây số mua khoai mì của dân địa phương…

Chị Phạm Thị Sen, cựu TNXP quận Gò Vấp kể: "Ngày 13-5-1976, tôi cùng hơn 700 đội viên Liên đội TNXP Gò Vấp lên đường vào khai hoang tại ấp Bến Trường, xã Hảo Đước, huyện Tân Biên, Tây Ninh. Gọi là ấp, nhưng chẳng thấy một bóng người. Theo sự chỉ đạo của cấp trên, TNXP đã chặt cây rừng, cắt tranh về làm nhà cho cụm kinh tế phát triển E1 và E". Vào khoảng giữa tháng 6-1976, đơn vị chia làm hai cánh quân. Một cánh gồm hai đại đội vượt sông Vàm Cỏ sang Tà Nông, Ấp Bố Lớn, xã Hòa Hội khai thông đường, phát hoang chuẩn bị mặt bằng xây dựng vùng kinh tế mới hướng Bến Sỏi phía nam Tây Ninh. Cánh còn lại di chuyển sang Cầu Vịnh, Phước Hưng, cách nơi đóng quân cũ vài cây số, tiếp tục nhận nhiệm vụ dựng khu kinh tế trọng điểm Hảo Đước. Đến cuối năm 1976, liên đội tiến sang Tà Chốt triển khai công tác mới, đốn cây rừng lắp dựng đủ 400 bộ khung nhà cho dân kinh tế mới lên lập nghiệp. Trải qua bao khó khăn, TNXP các vùng Tây Ninh, Đồng Nai, Sông Bé… đã biến những vùng đất cằn cỗi, đầy ắp bom đạn còn sót lại thành nơi xanh tươi, màu mỡ, thành những vùng quê trù phú.

Ký ức không thể nào quên

Số nhà 173 phố Bùi Đình Túy hiện là cửa hàng văn phòng phẩm với cái tên XP do chị Nguyễn Thị Anh Thư phụ trách. Cũng như ông Kết, chị Thư đặt tên cửa hàng XP chỉ hai chữ "Xung Phong" để kỷ niệm một thời tham gia TNXP. Năm 1976, tròn 18 tuổi, biết tin Tổng đội TNXP có đợt đi xây dựng vùng kinh tế mới, chị Thư tình nguyện tham gia Liên đội TNXP Dũng Cảm để lên đường. "Bố mất sớm, nếu biết tôi đi TNXP chắc mẹ tôi sẽ cản nên tôi không dám nói với ai trong gia đình. Ngày xuất quân 28-3-1976, tôi chờ mẹ đi chợ để xách đồ đến nơi tập kết". Chị Thư nhoẻn miệng cười nói tiếp: "Khi đổ quân đến vùng đất mới, đúng lúc trời mưa như trút nước. Buổi tối đầu tiên xa nhà, chúng tôi trải chiếu ở đất để ngủ, khi đó mới thấu hiểu thế nào là cảnh màn trời, chiếu đất. Lúc bước chân ra khỏi nhà, tôi không hình dung cuộc sống ở nơi rừng rậm âm u như thế nào. Thời gian đầu, mấy chị em trong đơn vị ôm nhau khóc vì nhớ nhà. Nhưng rồi mọi người động viên nhau cố gắng vượt qua. Sau hơn 30 năm, mỗi khi gặp lại các cựu TNXP trong Liên đội Dũng Cảm, ai cũng nhận ra một điều, chính những năm tháng trong lực lượng TNXP là môi trường rèn luyện cho mình kỹ năng sống mà ai đã trải qua không thể nào quên được.

Chị Mai Kim Ngân hiện là Chi hội trưởng Chi hội Cựu TNXP phường 2, quận Bình Thạnh. Trước giải phóng, chị học Đại học Luật Sài Gòn. Năm 1976, chị là một trong những lớp đội viên đầu tiên thuộc Liên đội TNXP Dũng Cảm xung phong đi xây dựng vùng kinh tế mới ở tỉnh Sông Bé. Mới tiếp xúc với chị, chúng tôi nghĩ rằng chị là người rất ít nói. Vậy nhưng, khi nhắc đến những kỷ niệm vui buồn về thời TNXP, nét mặt chị khác hẳn. Chị đã ngâm hai câu thơ: Ta chưa góp máu xương vào thế hệ/Thì mồ hôi phải đổ luống cày sâu.

Chị Ngân bảo, hai câu thơ khái quát tinh thần của thế hệ thanh niên Sài Gòn thời kỳ sau ngày giải phóng. Khi Liên đội TNXP Dũng Cảm đổ quân đến vùng Kiên Giang thấy cả một vùng đồng không, mông quạnh. Lúc đó toàn người từ độ tuổi 16-20, mấy ai có kinh nghiệm sống.

Có bữa, được chỉ huy giao cho đi cắt tranh về lợp nhà, các chị cắt nhầm cả lúa của dân vì nghĩ là cỏ tranh. Đóng quân ở miền Đông Nam bộ, anh chị em khổ sở bởi thiếu nước. Chuyển sang miền Tây Nam bộ, anh chị em TNXP lại phải đối mặt với ngập lụt. Đầu năm 1978, bị một trận lụt lớn, không còn gạo, cả đơn vị phải ăn bí đỏ, bo bo trừ bữa hàng tháng trời. Đã thế, nhiều người, nhất là chị em không biết bơi nên liên đội phải ra nghị quyết "xóa mù bơi". Mặc dù nước ngập bốn bề, nhưng vẫn không có nước ngọt để sử dụng, muốn có nước uống phải căng ni lông hứng, tích trữ nước mưa trong can. Khó khăn là vậy, nhưng trên công trường, tinh thần lạc quan, lời ca, tiếng hát đã giúp mọi người hoàn thành tốt nhiệm vụ". Không lâu sau ngày TNXP lên đường xây dựng vùng kinh tế mới, từ đầu năm 1977, tình hình nước ta trở nên căng thẳng ở các vùng ven biên giới phía Tây Nam. Tháng 9-1977, quân Khmer đỏ từ Campuchia đồng loạt tiến công sang đất nước ta. Trước tình hình đó, tôi lại xung phong phục vụ tải thương, tải đạn ở mặt trận.

Nói về kỷ niệm buồn, chị Ngân rơm rớm nước mắt: "Gia đình tôi có 3 chị em thì cả ba đều phục vụ tiền phương, trong đó 2 em là bộ đội. Hằng ngày, nhìn đoàn quân trùng trùng, điệp điệp tiến ra mặt trận, tôi mỏi mắt nhìn theo với hy vọng biết đâu nhìn thấy các em mình. Một ngày cuối tháng 4-1978, tại một căn cứ ở tỉnh Tây Ninh, tôi tình cờ biết đơn vị em trai dừng chân đóng quân nên tìm đến thăm. Thế nhưng, đêm hôm đó, tôi vừa đến nơi thì pháo địch bắn dữ dội, mọi người đều phải chui dưới hầm tránh đạn. Sáng hôm sau, tôi đi tìm em, biết đơn vị đã ra mặt trận. Không lâu sau đó, tôi biết tin em trai đã hy sinh trên đất bạn Campuchia và mãi mãi không còn cơ hội gặp lại em nữa".

Từ những mảnh đất ngoại thành hoang vu, cằn cỗi đến những cánh đồng hoang hóa Long An hay bưng biền xa xôi miệt An Biên (Kiên Giang), Hồng Dân (Minh Hải); từ núi rừng hoang vu ở Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Giáo (Bình Dương) đến khu ngập mặn Cần Giờ đầy ô rô, cóc kèn, lau sậy… dấu chân TNXP đặt đến nơi nào, nơi ấy hồi sinh. Bàn tay lao động cần cù của những người trẻ tuổi đã biến những nơi này thành vành đai xanh, thành bờ xôi ruộng mật và những vườn cây cao su bạt ngàn. Trên các vùng đất đó đã từng có biết bao mồ hôi, nước mắt và cả máu của TNXP thấm xuống mới có được ngày hôm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Cho màu xanh yêu thương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.