(HNM) - Đã 5 năm, tôi trở lại Trường Sa, nhúm ruột thân thương của Tổ quốc giữa biển khơi muôn trùng bão tố. Vẫn vẹn nguyên cảm giác bồi hồi khi đặt chân lên những đảo chìm, đảo nổi quê hương: Nam Yết, Song Tử Tây, Sinh Tồn Đông, Đá Tây, Đá Nam, Đá Lát, Trường Sa...
Đồng chí Ngô Thị Doãn Thanh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội thăm một lớp học trên đảo Song Tử Tây. |
Thật may mắn là trong chuyến đi lần này, tôi được là thành viên đoàn công tác của TP Hà Nội do đồng chí Ngô Thị Doãn Thanh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội dẫn đầu tới thăm và làm việc với quân và dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.
Với tinh thần ''Cả nước với Trường Sa'', mặc dù đang trong giai đoạn gấp rút chuẩn bị Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội với bộn bề công việc, Hà Nội vẫn ưu tiên dành cho Trường Sa một tình cảm đặc biệt, sự quan tâm sâu sắc. Còn nhớ, những ngày cuối trước khi lên đường đến với Trường Sa, mặc dù phải liên tiếp dự các buổi tiếp xúc cử tri chuẩn bị cho Kỳ họp thứ bảy, QH Khóa XII, đồng chí Ngô Thị Doãn Thanh vẫn chỉ đạo sát sao công tác chuẩn bị, sao cho chuyến về với Trường Sa của TP Hà Nội thiết thực và hiệu quả nhất. Ngoài hoạt động trung tâm là khánh thành Nhà khách Thủ đô tại thị trấn Trường Sa, huyện đảo Trường Sa - một công trình đặc biệt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, các LLVT Hà Nội dành tặng cho CBCS, nhân dân huyện đảo, đoàn công tác còn thực hiện nhiều công việc quan trọng: Thăm, tặng quà quân và dân huyện đảo Trường Sa; làm lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ Hải quân đã anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc; khảo sát, đo đạc địa điểm chuẩn bị xây dựng Nhà truyền thống tặng huyện đảo... Mỗi công trình, hoạt động đều được chuẩn bị chu đáo, yêu cầu cao về chất lượng và mang đậm dấu ấn của Thủ đô Hà Nội, hậu phương lớn nơi đất liền đối với biển đảo, phần lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.
Đến Trường Sa trước Kỳ họp thứ bảy, QH Khóa XII với rất nhiều nội dung quan trọng, trên cương vị là Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội, đồng chí Ngô Thị Doãn Thanh cho biết, bên cạnh những nhiệm vụ của TP, đây còn là dịp để các ĐBQH Hà Nội nắm rõ thực tế cuộc sống sinh hoạt sẵn sàng chiến đấu của quân, dân huyện đảo Trường Sa cũng như tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của CBCS và đồng bào để kiến nghị với Đảng, Nhà nước, QH và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có những chính sách, hoạt động quan tâm hơn đến Trường Sa, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo.
Sau ít giờ đồng hồ ngắn ngủi dừng chân tại bán đảo Cam Ranh, con tàu HQ 936 kéo 3 hồi còi chào tạm biệt đất liền, đưa đoàn công tác của Thủ đô Hà Nội đến với Trường Sa. Con tàu với những ba lô nặng trĩu hành lý, những món quà tặng quân, dân huyện đảo và trên hết là tình cảm thân thương của đất liền dành cho Trường Sa thân yêu thẳng tiến biển Đông, nối Hà Nội với Trường Sa, Trường Sa với Hà Nội. Trong đoàn công tác, phần lớn thành viên đều lần đầu đến với Trường Sa nên ai cũng háo hức, muốn dành tặng Trường Sa những gì thân thương nhất. Ngoài hơn 360 triệu đồng do Thành ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ TP và các sở, ngành, quận, huyện quyên góp, ủng hộ, còn rất nhiều phần quà của đất liền được chuẩn bị cho CBCS và nhân dân trên đảo trị giá hàng trăm triệu đồng. Đó là máy tính, đàn ghi ta, hạt giống rau, vở tập, sách giáo khoa, bánh kẹo, thuốc lá... do Thành đoàn Hà Nội, Hội LHPN TP, Sở GD-ĐT TP... gửi tặng và đội văn công xung kích của Sở VH, TT&DL Hà Nội đem theo những món ăn tinh thần không thể thiếu đối với quân và dân huyện đảo. Theo lộ trình đã được sắp xếp, điểm đầu tiên mà đoàn công tác đến thăm chính là Song Tử Tây, 1/3 đảo nổi lớn nhất của quần đảo Trường Sa. Đây cũng chính là đảo ''gần'' hơn cả với Thủ đô Hà Nội về mặt địa lý và là đảo đầu tiên trong quần đảo Trường Sa được giải phóng tháng 4-1975.
Thế hệ trẻ trên đảo Song Tử Tây. |
Nằm ở cực Bắc của quần đảo Trường Sa, có vị trí địa chính trị quan trọng, có nước lợ, thềm san hô bao bọc và khí hậu tốt, ngoài nhiệm vụ phòng thủ trên biển, đảo Song Tử Tây còn có nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu ngư dân và cung cấp nguyên, vật liệu phục vụ đánh bắt hải sản cho một ngư trường sôi động. Trải qua 35 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng, Song Tử Tây đã trở thành một xã đảo xanh tươi, giàu đẹp, đầy sức sống giữa biển Đông. Hiện, Song Tử Tây đã có một cơ sở vật chất tương đối hiện đại với ngọn hải đăng cao 36m, dẫn dường cho những con tàu vượt biển an toàn qua những vùng biển đầy đá ngầm, cát cạn; có trạm thủy văn làm nhiệm vụ đo gió và âu tàu đủ sức chứa hàng trăm tàu đánh cá công suất lớn cùng 1 trạm sửa chữa, cung cấp dầu diezen cho ngư dân... Nơi đây cũng vừa được lắp đặt hệ thống năng lượng gió, hệ thống pin mặt trời, cung cấp đủ điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt, chiến đấu và công tác trên đảo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần của CBCS và nhân dân, giúp họ có thêm sức mạnh trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió, canh giữ biển, đảo quê hương.
Đón đoàn công tác ngay tại cầu tàu đảo chính là hàng tiêu binh danh dự của các chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam trong trang phục chỉnh tề cùng những công dân ưu tú của đảo Song Tử Tây. Những gương mặt rám nắng và nụ cười rạng rỡ của quân và dân xã đảo trong buổi gặp mặt đã làm vơi đi rất nhiều mệt nhọc của người thành phố lần đầu làm quen với sóng gió. Thăm hỏi, tặng quà quân và dân xã đảo, đồng chí Ngô Thị Doãn Thanh và Chuẩn đô đốc Quân chủng Hải quân Nguyễn Văn Ninh vui mừng nhận thấy đảo Song Tử Tây ngày càng giàu đẹp, diện mạo xã đảo ngày càng khởi sắc, đời sống nhân dân ngày càng cải thiện. Thượng tá Đỗ Quốc Ánh, Chính trị viên, quê Chương Mỹ, Hà Nội, ra đảo tháng 7-2009 hồ hởi cho biết, năm qua, Song Tử Tây đã đạt nhiều thành tích trên các mặt công tác, góp phần làm tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và giữ gìn môi trường hòa bình trên biển, đảo. Mặc dù sống xa đất liền, điều kiện sinh hoạt còn thiếu thốn, song tất cả CBCS và nhân dân trên đảo đều yên tâm công tác, thực sự coi ''đảo là nhà, biển cả là quê hương''. Trong đó, người có thâm niên cao nhất phải kể đến là Trung tá Ngô Duy Đỗ, Đảo trưởng, Chủ tịch UBND xã, người đã có 22 năm công tác trên quần đảo Trường Sa. Tại đây còn có 7 CBCS người Hà Nội cùng chiến đấu, công tác, giúp đỡ nhau trong cuộc sống và nguyện xứng đáng là người Thủ đô.
Đến thăm lớp học của các cháu tại xã đảo Song Tử Tây được xây dựng khang trang bên những hàng phong ba mùa này đang nở những chùm hoa trắng xanh như hoa sữa, chúng tôi vô cùng xúc động trước những ánh mắt thơ ngây, trong trẻo của những công dân tương lai của đảo. Quây quần quanh đoàn công tác, các cháu Tố Quyên, Nhật Quang, Trường Kiên, Xuân Huy... học sinh Trường Tiểu học Song Tử Tây cùng hát vang bài hát ca ngợi quê hương do nhạc sỹ Đức Trịnh vừa sáng tác trong dịp ra thăm đảo: Song Tử Tây bốn bề sóng vỗ/đảo nhỏ thêm yêu, xanh một góc trời/ánh điện sáng đêm về như phố/nổi bật một ngôi chùa linh thiêng giữa mây trời/(bi bô)/ những đôi mắt tròn bé thơ và bài hát về người lính đảo Trường Sa...
(còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.