(HNM) - Sinh thời, Đại tá Ngô Xuân Quýnh, nguyên Trưởng đoàn TDTT Quân đội đã kể rằng ông và các cán bộ thể thao quân đội rất quý mến Bác sỹ Chủ tịch Ủy ban hành chính TP Hà Nội Trần Duy Hưng.
"Có lẽ khó ai quên được hình ảnh Bác sỹ Trần Duy Hưng và Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, nhất là cảnh duyệt đội ngũ bộ đội trên sân Cột Cờ ngày tiến vào Hà Nội. Lâu lâu Chủ tịch thành phố lại thăm hỏi thể thao quân đội. Ông đã có lần căn dặn rất chí tình với các cầu thủ đội Thể Công rằng ở Thủ đô có hai đội bóng rất tiêu biểu, là Thể Công và Công an Hà Nội, những trận đấu của hai đội bóng đều phản ánh văn hóa của người Hà Nội và đó là điều hết sức quan trọng" - ông Ngô Xuân Quýnh kể.
Bác sỹ Trần Duy Hưng (người đứng trên xe) trong đoàn quân tiến vào tiếp quản Thủ đô ngày 10-10-1954.
Bác sỹ Trần Duy Hưng là khán giả thường xuyên ở sân Hàng Đẫy, nhất là với những trận đấu quan trọng, chẳng hạn trong giải Việt - Trung - Triều - Mông hay các trận giao hữu của bóng đá Việt Nam với các đội Bát Nhất (Trung Quốc), Cuba, Dầu lửa Petrolun (Rumani), Ngôi sao thành Péc-mơ (Tiệp Khắc), Sachio Đô-nết (Liên Xô), Campuchia…
Năm 1960, tôi và nhóm bạn học trường Việt-Đức chứng kiến không khí sôi nổi tại lễ khai mạc giải Bơi vượt sông Hồng. Hồi ấy theo thông lệ các tay đua sẽ xuất phát từ bên kia cầu Long Biên và điểm đến là Phà Đen. Bác sỹ Trần Duy Hưng và ông Vương Bích Vượng, phụ trách ngành TDTT động viên các kình ngư xuất phát, xong xuôi mới trở về dù công việc rất bận rộn. Là người yêu mến và hiểu biết về thể thao, Bác sỹ Trần Duy Hưng đã kịp thời có mặt động viên những điển hình tốt hay những cơ sở hoạt động TDTT như thăm trung tâm TDTT Đường sắt, phòng tập thể hình Hoàng Trần, Sở TDTT Hà Nội… Trong thời gian đương chức, hễ có dịp là vị Chủ tịch thành phố lại thể hiện sự quan tâm đối với hệ thống hạ tầng cơ sở dành cho ngành TDTT Hà Nội. Thành phố Hà Nội những năm trước đây chưa hề thiếu đất cho hoạt động TDTT, khu vực trung tâm thành phố vẫn còn hệ thống sân bãi dành cho việc tập luyện như các sân Hàng Đẫy, Ba Đình, Quần Ngựa, các sân Khúc Hạo, Lương Yên, Pasteur, Long Biên, hay sân Cột Cờ, Bạch Mai cùng các cơ sở của khối quân đội. Vào thời kỳ khó khăn của miền Bắc khi phải chống chiến tranh phá hoại của kẻ thù, bên cạnh việc lãnh đạo đồng bào Thủ đô vừa sản xuất vừa chiến đấu, Bác sỹ Trần Duy Hưng vẫn không quên công tác thể thao và đã chỉ thị cho ông Nguyễn Đắc Thọ, Giám đốc Sở TDTT Hà Nội củng cố các cơ sở thể thao của Hà Nội, trong đó có Trường Quần Ngựa. Vì thế, giữa một thời bom đạn, thể thao Hà Nội vẫn cung cấp cho Tổ quốc những tài năng ở nhiều nội dung khác nhau.
Bác sỹ Trần Duy Hưng rất quan tâm đến những môn thể thao dân tộc. Ông đến dự lễ khai mạc giải Cờ tướng Hà Nội vào mùa xuân năm Mậu Thân, tổ chức tại khu vực chợ Hòa Bình bây giờ. Ngoài ra, Bác sỹ Trần Duy Hưng và Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Trân đều rất yêu thích bóng bàn, nhiều lần dự khán các trận đấu vô địch miền Bắc hay thi đấu quốc tế tổ chức ở nhà thi đấu số 2F Quang Trung. Hai nhà lãnh đạo Thủ đô đã động viên khen ngợi những danh thủ Hà Nội như Nguyễn Ngọc Phan, Hoàng Thế Vinh, Nguyễn Thị Mai, Tô Bỉnh Huy, Nguyễn Đình Phiên… khi họ giành thành tích xuất sắc. Buổi chiều ngày 3-10 vừa qua, tại nhà hàng Cá Mập bên Bờ Hồ, tôi gặp lại cựu danh thủ bóng rổ của Bưu điện Hà Nội là Chu Quốc Sơn mới từ Canada về nước nhân dịp Hà Nội tưng bừng Đại lễ ngàn năm. Chu Quốc Sơn đã xúc động kể lại rằng ông may mắn là cầu thủ bóng rổ đầu tiên của Thủ đô trong danh sách được phong cấp. Đích thân Chủ tịch Trần Duy Hưng đã trao huy hiệu cho những kiện tướng đợt đầu trong buổi lễ được tổ chức tại câu lạc bộ Ba Đình vào tháng 2-1962.
Có lần, khi tâm sự với GS Nguyễn Xiển về hệ thống đê điều ở Hà Nội, Bác sỹ Trần Duy Hưng đã bày tỏ mong muốn Hà Nội rồi sẽ "ôm gọn" con sông Hồng, như sông Moscow ở Liên Xô, sông Seine ở Paris, sông Danuble ở Budapest… với nhiều ý tưởng hay, trong đó có việc tổ chức thêm những cuộc đua tài trên mặt nước cho Thăng Long - Hà Nội. Có lần, khi đến thăm sân Khúc Hạo, ông từng đề xuất ý tưởng tổ chức các cuộc thi đấu thể thao dành cho Thủ đô của các nước láng giềng.
Năm nay, Thủ đô Hà Nội bước vào Đại lễ, nhiều thế hệ người dân Thủ đô lại nhớ vị Chủ tịch kính mến của mình. Bên bờ Hồ Gươm hôm rồi, trước khi tiến hành đợt chạy đầu tiên Giải chạy Báo Hànộimới, tôi và nhiều người thuộc thế hệ U70 lại bồi hồi nhớ đến hình ảnh nhà lãnh đạo tâm huyết và tận tụy với sự nghiệp, một Chủ tịch mẫu mực và đáng tự hào của Hà Nội ngàn năm văn hiến. Chỉ riêng sự quan tâm và những đóng góp cho thể thao Thủ đô của Bác sỹ Trần Duy Hưng đã là một di sản tuyệt vời và là thứ "của để dành" cho các thế hệ Hà Nội và cho sự nghiệp xây dựng thành phố vì hòa bình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.