Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bác sĩ tại nhà: Có nên cạo gió khi bị cảm cúm?

Bác sĩ Nguyễn Công Bình| 19/03/2022 05:52

(HNMCT) - Hỏi: Mỗi lần bị cảm cúm, trúng gió, tôi thường sử dụng phương pháp cạo gió bằng đồng bạc trắng. Cạo gió xong tôi thấy sức khỏe được cải thiện, cơn cảm cúm cũng qua nhanh. Tuy nhiên, gần đây tôi nghe thông tin rằng, việc cạo gió không đúng phương pháp rất nguy hiểm. Xin hỏi bác sĩ, khi cạo gió cần lưu ý những điểm gì? Trần Minh Quân (Kim Mã, Hà Nội)

Đáp: Theo y học dân gian thì cạo gió, đánh cảm là một trong những phương pháp chữa bệnh rất hiệu quả. Có rất nhiều phương pháp đánh cảm.

Tùy theo điều kiện và tình trạng bệnh mà chọn đánh cảm bằng đồng bạc cộng trứng gà, gừng tươi với rượu, dầu gió, thìa bạc hay sừng trâu... Thậm chí, có thể đánh gió bằng tay nếu thông thạo Đông y.

Tuy nhiên, đánh cảm bằng nguyên liệu gì không quan trọng bằng đánh đúng cách.

Lưu ý khi đánh cảm là người bệnh cần được nằm thẳng, ngay ngắn, nằm nơi kín gió, dụng cụ cạo gió phải được sát trùng.

Phải lần lượt cạo từ vùng này sang vùng khác, cạo khắp nơi trên cơ thể: Cổ, gáy, trán, trên đầu, hai thái dương, bả vai, bên trong bên ngoài 2 cánh tay, mu bàn tay, ngón tay, lưng, ngực, bụng, mông, bên trong và ngoài đùi, chân, bắp vế, mu bàn chân, ngón chân.

Cạo chậm rãi, có thể kéo đường càng dài càng tốt. Thời gian cạo mỗi vùng từ 2 - 3 phút là da ửng đỏ.

Không nên cạo gió quá lâu, không nên sử dụng lực quá mạnh để tránh gây xước da hoặc xuất huyết. Nếu cạo gió đúng cách thì sẽ không bị đau, cạo xong sẽ có cảm giác thoải mái. Còn nếu khi cạo xong mà người bệnh thấy đau ở nơi bị cạo, trong người có cảm giác bứt rứt khó chịu thì đó là do cạo chưa đúng vị trí, làm bệnh nhân hao phí khí huyết và không tạo ra hiệu quả. Khi đồng bạc bị đen, chúng ta có thể bỏ vào chén, bên dưới lót miếng giấy bạc rồi đổ nước sôi lên, đồng bạc sẽ trắng trở lại và có thể dùng lần sau.

Cạo gió được sử dụng phổ biến để trị các chứng bệnh cảm cúm, đau nhức cơ thể, đau đầu. Nhưng không phải ai cũng có thể áp dụng cách này, không cẩn thận sẽ gây hậu quả khó lường.

Trẻ em, phụ nữ mang thai, người bị bệnh tim mạch, cao huyết áp, người sốt cao, bị bệnh ngoài da... tuyệt đối không đánh cảm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bác sĩ tại nhà: Có nên cạo gió khi bị cảm cúm?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.