(HNMO)- Theo cáo trạng vụ án, Hằng, vợ Tường, được Khánh chở bằng xe máy của chị Huyền, đi sau ô tô do Tường điều khiển. Sau đó, Hằng lên xe chồng, ngồi ghế phụ trước và can ngăn Tường không vứt xác nạn nhân.
Bị can Nguyễn Mạnh Tường |
Như vậy, sau hơn 1 tháng, kể từ ngày CQĐT CATP Hà Nội ra Bản kết luận điều tra, ngày 18-2, Viện KSNDTP Hà Nội đã ra bản cáo trạng số 110/VKS-P1A truy tố bị can Đào Quang Khánh về tội “ Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” theo khoản 2 điều 246 BLHS và tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 điều 138 BLHS.
Bị can Nguyễn Mạnh Tường bị truy tố về tội: “xâm phạm thi thể mồ mả, hài cốt” theo khoản 2 điều 246 BLHS và tội “vi phạm qui định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” theo khoản 1 điều 242 BLHS.
Lộ diện thêm người thứ 3 ngồi trong ô tô đi vứt xác
VKSND TP Hà Nội đã xác định sau khi chị Huyền bị tử vong vào chiều 19-10-2103 tại Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường, Đào Quang Khánh đã lợi dụng lúc chị Bùi Thị Hoa, nhân viên quản lý tài sản của chị Huyền đi ra ngoài để lấy trộm chiếc điện thoại Iphone 5 để trong túi xách bên cạnh xác của chị Huyền trị giá 12.000.000 đồng.
Khoảng 23h30 cùng ngày, Tường cùng một số nhân viên đưa thi thể chị Huyền lên xe ô tô đưa đến BV Bưu Điện. Khánh cầm túi xách của chị Huyền và đi xe máy của chị theo xe ô tô của Tường.
Khi đến cổng BV Bưu Điện, Tường thấy có nhiều người và xác chị Huyền bị cứng nên Tường sợ không đi vào trong mà dừng lại ngoài đường. Thấy vậy, Khánh nói với Tường không đưa xác chị Huyền vào bệnh viện nữa mà ném xác xuống sông. Tường đồng ý và lái xe ô tô chở xác chị Huyền, còn Khánh đi xe máy của chị Huyền chở Hằng, vợ Tường đi theo sau.
Tường đi theo đường Trần Khát Chân - Kim Ngưu - Lạc Trung - Minh Khai - cầu Vĩnh Tuy đến đường Cổ Linh, Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội thì Khánh đi xe máy vượt lên ngang với xe ô tô của Tường, Khánh ra hiệu cho Tường dừng xe lại. Khánh bỏ xe máy và túi xách của chị Huyền ở vỉa hè rồi cùng Hằng lên xe ô tô của Tường (ngồi ghế phụ trước).
Bị can Đào Quang Khánh |
Hằng can ngăn Tường không được vứt xác chị Huyền nhưng Tường không nghe mà tiếp tục lái xe đi ra quốc lộ 5 lên cầu Thanh Trì qua vị trí có nước khoảng 150m gần cột đèn số 44 thì dừng lại. Thấy không có xe và người qua lại, Tường và Khánh khiêng xác chị Huyền ra khỏi xe ô tô, đi qua giải phân cách giữa xe ô tô và xe máy, nâng xác chị Huyền qua lan can thành cầu rồi thả xuống sông Hồng. Sau đó, Tường, Khánh và Hằng đi về nhà.
Vợ BS Tường có đồng phạm vứt xác?
Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết theo quan điểm của Viện KSNDTP Hà Nội nhận định chị Hằng, là người ngồi trên xe ô tô, biết việc Tường và Khánh mang xác chị Huyền đi để vứt xác xuống sông. Chị Hằng nhiều lần can ngăn Tường và Khánh không được vứt xác chị Huyền. Hành vi nêu trên của Hằng không phạm tội. CQĐT không đề cập xử lý là có căn cứ.
Đối với một số nhân viên Trung tâm thẩm mỹ tham gia phụ giúp bị can Tường phẫu thuật thẩm mỹ gây nên cái chết của chị Huyền cũng như nhân viên có hành vi che giấu và không tố giác tội phạm không có căn cứ xử lý và cấu thành tội.
Đối với Nguyễn Quang Thành, BS Khoa ngoại BV Bạch Mai, người được Tường gọi đến Thẩm mỹ viện giúp Tường cấp cứu chị Huyền, nhưng chị Huyền tử vong. Sau khi chị Huyền tử vong, Thành không tố cáo với cơ quan chức năng. Tuy nhiên, hành vi trên của Thành không cấu thành tội. CQĐT không đề cập xử lý là có căn cứ.
2 tội danh, không quá 10 năm tù.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết, theo quan điểm truy tố của VKSND TP Hà Nội, do Tường vi phạm các qui định về dịch vụ y tế gây thiệt hại cho tính mạng chị Huyền thuộc trường hợp định khung theo khoản 1 điều 246. Sau khi làm chết nạn nhân mang đi vứt xác thì đã cấu thành một tội phạm khác theo điều 246 BLHS. Do đó những tình tiết định tội hoặc định khung hình phạt không được coi là tình tiết tăng nặng (khoản 2 điều 48 BLHS).
Mặt khác, qui định khoản 2 hay khoản 3 điều 242 BLHS thì không có văn bản pháp luật nào hướng dẫn trường hợp nào thì áp dụng khoản 2 hay khoản 3 điều 242 BLHS. Về nguyên tắc nếu không có hướng dẫn áp dụng thì áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo.
Điều 246. Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt
1. Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
Điều 242. Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác
1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 201 của Bộ luật này, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
Điều 138. Tội trộm cắp tài sản
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.