(HNM) - Bộ Y tế vừa phê duyệt đề án Bác sĩ gia đình (BSGĐ) nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình và cộng đồng.
Bác sĩ đa năng
TS Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, triển khai đề án BSGĐ sẽ giúp việc giảm tải tại các cơ sở khám chữa bệnh (KCB). Từ năm 2013 đến 2015, sẽ thí điểm mở 80 phòng khám bác sĩ gia đình tại 8 địa phương gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Tiền Giang. Các mô hình linh hoạt cho phòng khám BSGĐ như phòng khám thuộc các cơ sở khám chữa bệnh công lập; phòng khám BSGĐ lồng ghép chức năng với trạm y tế xã và phòng khám BSGĐ tư nhân. "Lâu nay, phòng khám bác sĩ tư là dịch vụ tự chi trả của người bệnh, nhưng khi tham gia hệ thống phòng khám BSGĐ, các phòng khám này sẽ tiếp nhận cả bệnh nhân BHYT. Hiện BHXH Việt Nam đang xây dựng các tiêu chí cụ thể để Quỹ BHYT tham gia chi trả cho khu vực phòng khám bác sĩ tư tham gia mô hình BSGĐ" - ông Tường nói.
Triển khai Đề án bác sĩ gia đình sẽ góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Ảnh: Như Ý |
Với mô hình này, BSGĐ sẽ có vai trò là cơ sở KCB ban đầu, theo dõi, chăm sóc các bệnh mạn tính, tư vấn trong phòng ngừa bệnh tật, tham vấn loại bỏ các hành vi nguy cơ giúp người dân trong cộng đồng có thể tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe. Đồng thời BSGĐ còn thực hiện khám bệnh tại nhà cho người bệnh và tham gia các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. "Lâu nay, đây là hai mảng trống trong khi nhu cầu rất lớn. Nhiều gia đình đang cần dịch vụ này, đặc biệt là gia đình có người mắc bệnh hiểm nghèo giai đoạn cuối rất vất vả để có người chăm sóc y tế tại nhà. Mô hình BSGĐ sẽ lấp vào khoảng dịch vụ y tế rất thiết yếu mà vẫn bị bỏ trống lâu nay" - ông Tường nhấn mạnh.
Theo TS Nguyễn Phương Hoa, Phó trưởng Bộ môn Y học gia đình Trường ĐH Y Hà Nội, BSGĐ sẽ đảm đương ba vai trò chính: khám lâm sàng, y tế dự phòng và bác sĩ tâm lý cho bệnh nhân. Cùng lúc sẽ giải quyết được nhiều vấn đề sức khỏe của bệnh nhân. Như vậy, đồng nghĩa với việc kiến thức chuyên môn của BSGĐ phải rộng với cách nhìn toàn diện hơn, trong đó chú trọng đến việc phát hiện và xử lý các ca bệnh, cấp cứu thường gặp, ưu tiên quản lý và điều trị ngoại trú (đáp ứng 80-90% nhu cầu chăm sóc sức khỏe). Đặc biệt, không chỉ khám bệnh, kê toa, dự phòng bệnh tật mà BSGĐ còn quan tâm đến các yếu tố tâm lý, xã hội để đưa ra hướng điều trị phù hợp với hoàn cảnh, khả năng kinh tế của người bệnh.
Băn khoăn "tay nghề" BSGĐ
PGS.TS Phạm Lê An, Trưởng Trung tâm Đào tạo BSGĐ (ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh) cho biết, xuất hiện ở Việt Nam khoảng 10 năm nay, nhưng BSGĐ dường như còn khá mới mẻ trong suy nghĩ của nhiều người. Không ít người vẫn nghĩ rằng BSGĐ là những người KCB theo yêu cầu và phục vụ người bệnh tận nhà, dành cho các gia đình khá giả. Thế nhưng BSGĐ ở đây chính là người nắm rõ từng hoàn cảnh bệnh nhân cũng như tiền sử gia đình của họ. Vì vậy, chăm sóc bệnh nhân là một quá trình chăm sóc sức khỏe toàn diện không chỉ khi ốm đau mà còn cả lúc khỏe mạnh và như vậy BSGĐ có ích cho mọi người, nhất là người có thu nhập thấp. Sự có mặt của BSGĐ trong mạng lưới y tế Việt Nam sẽ giúp việc chăm sóc ban đầu hiệu quả hơn. Khi ấy, các bệnh viện chuyên khoa chỉ tập trung xử trí những ca bệnh khó và đóng vai trò là tuyến trên thực sự. Việc đánh giá đúng bệnh, cần chữa trị ở đâu sẽ giúp người bệnh tránh cảnh chờ đợi và giảm chi phí do giảm tỷ lệ chuyển tuyến không cần thiết.
Bác sĩ gia đình là những thầy thuốc gắn với dân, gần nhân dân và là bạn của mỗi gia đình. Ảnh: Đức Long |
Về chất lượng BSGĐ, PGS An cho rằng, thực tế BSGĐ chính là đội ngũ bác sĩ đa khoa 6 năm, BS chuyên khoa khác được đào tạo thêm về chuyên ngành y học gia đình để bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe cho mọi cá nhân. Họ sẽ là người đầu tiên tiếp xúc với bệnh nhân, vì thế BSGĐ là những thầy thuốc điều trị ngoại trú khá giỏi, phải có kinh nghiệm lâm sàng để định hướng cho bệnh nhân đi đúng chuyên khoa cần khám và điều trị bước đầu như các chuyên khoa. BSGĐ phải là những thầy thuốc có thể xử lý những bệnh thông thường "chắc tay" như BS chuyên khoa, để có thể xác định đúng nguyên nhân của triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải, từ đó đưa ra phương cách điều trị chuẩn bước đầu như một thầy thuốc chuyên khoa.
Khẳng định hiệu quả của mô hình, TS Nguyễn Phương Hoa dẫn chứng, một nghiên cứu tại Anh đã chỉ ra rằng, nếu tăng thêm một BSGĐ cho cộng đồng dân cư gần 10.000 dân sẽ giảm được 6% tỷ lệ tử vong chung. Các đánh giá cho thấy, chỉ khoảng 10% những cuộc khám đầu tiên của bệnh nhân với BSGĐ cần chuyển khám chuyên khoa và chuyển viện. Vì thế, nếu y tế gia đình tuyến cơ sở bảo đảm chất lượng phục vụ sẽ giải quyết khoảng 80% yêu cầu chăm sóc sức khỏe.
Ông Trần Quý Tường cho biết, tại Việt Nam hiện có 500 bác sĩ chuyên khoa cấp I và 70 bác sĩ định hướng y học gia đình được đào tạo và làm việc tại cơ sở y tế. Với cơ sở pháp lý này, BSGĐ sẽ hoạt động với đúng chức năng của mình là chăm sóc toàn diện, liên tục cho người bệnh, có mối quan hệ lâu dài và bền vững với người bệnh, là những thầy thuốc gắn với dân và gần dân nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.