Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bác Hồ với thanh niên

Phan Thế Hải| 16/03/2023 15:23

(HNNN) - Với các chính khách lớn, có tầm nhìn, điều đầu tiên mà họ hướng tới chính là thanh niên, những người trẻ tuổi giàu năng lượng, giàu hoài bão và dễ tiếp thu cái mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng không là ngoại lệ. Sự nghiệp cách mạng, tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh được bắt đầu từ rất sớm, khi còn vị thành niên, dấu mốc quan trọng nhất đó là khi Người làm giáo viên ở trường Dục Thanh, Phan Thiết.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Lao động Hà Nội lần thứ IV, ngày 28-12-1963. Ảnh tư liệu Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tự mình nêu gương khi còn rất trẻ

Mấy năm trước, khi đến Bình Thuận, tôi tìm đường đến Dục Thanh, ngôi trường nhỏ nằm bên bờ sông Cà Ti, phía Nam thành phố Phan Thiết. Đây vốn là nhà của cụ Nguyễn Thông, một thương nhân yêu nước đã khởi tạo ngôi trường này để giáo dục thanh, thiếu niên, nhi đồng.

Những tài liệu còn lưu lại ở trường cho biết: Năm 1905, các cụ Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp gặp các con của cụ Nguyễn Thông, bàn chuyện “chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh”. Theo hướng đó, tháng 5-1906, Liên Thành Xã, một tổ chức hoạt động văn hóa được hình thành; tháng 3-1906, Liên Thành Thương Quán, hoạt động kinh tế mang tính dân tộc, được khánh thành và năm 1907, trường tư thục mang tên “Dục Thanh học hiệu” được xây dựng trong khuôn viên khu đất của cụ Nguyễn Thông, do các ông Nguyễn Quý Anh, Nguyễn Trọng Lội con cụ Nguyễn Thông đứng ra sáng lập. Đây là trường tư thục có nội dung giảng dạy tiến bộ thời đó.

Do điều kiện lúc bấy giờ nên trường Dục Thanh có quy mô nhỏ hẹp, ngoài phòng học chung với 21 bộ bàn ghế cho học sinh, trường lấy nhà Ngư, nơi chứa ngư cụ và làm cá, mắm của gia đình cụ Nguyễn Thông làm nơi nội trú của thầy trò ở xa đến trường dạy và học. Giáo viên nhà trường lúc nhiều nhất có 7 người, học sinh lúc đông nhất có gần 60 người và trường được chia thành 4 lớp: Tư, ba, nhì và nhất.

Trong chặng đường từ Huế đến Bình Thuận, thanh niên Nguyễn Tất Thành đã dừng chân tại Quy Nhơn và rời Quy Nhơn theo chuyến ghe buôn, trên đường đi đã ghé vào cửa biển Ninh Chữ, tỉnh Ninh Thuận. Từ Ninh Chữ tiếp tục hành trình vào Duồng tìm đến nhà cụ Trương Gia Mô (Nghè Mô), một người cùng chí hướng với cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Tháng 9-1910, cụ Nghè Mô cùng Nguyễn Tất Thành theo đường biển từ Duồng vào Phan Thiết gặp ông Nguyễn Quý Anh để giới thiệu Nguyễn Tất Thành vào dạy học tại trường Dục Thanh.

Khi dạy học ở trường Dục Thanh, thầy Thành ăn mặc giản dị, phù hợp với thanh niên đương thời, được ông Nguyễn Quý Anh bố trí ở nhà Ngọa Du Sào, nhưng thầy lại ở nhà Ngư cùng chung với học sinh và các thầy giáo khác. Thường ngày, thầy Thành đến Ngọa Du Sào để đọc sách do cụ Nguyễn Thông để lại, với nhiều quyển sách có nội dung tiến bộ lúc bấy giờ. Thầy Thành còn vận động các thầy khác cùng đọc và góp thêm sách cho nhà trường. Thầy Thành miệt mài học tiếng Pháp do thầy Hải hướng dẫn, coi đó như là công cụ giao tiếp và tìm hiểu nền văn minh phương Tây. Những ngày nghỉ, thầy Thành thường ra bến Cồn Chà gặp ngư dân, tìm hiểu cuộc sống của họ và tìm hiểu cách xác định phương hướng ngoài biển cũng như luyện cách đi biển.

Thầy Thành được phân công dạy môn thể dục là chính và dạy môn Quốc ngữ, Hán văn và Pháp văn. Thầy quan niệm: Dạy cũng là cách tốt nhất để học, nhờ đó mà thầy đã tự trang bị vốn kiến thức về Hán văn và Pháp văn đáng nể. Cách dạy ở trường mô phỏng theo mô hình Đông Kinh Nghĩa Thục, tập trung vào các nội dung khơi dậy lòng yêu nước; vận động thực hiện duy tân đất nước và mở mang dân trí, rèn luyện thể lực cho thanh niên. Vừa học tiếng Pháp, vừa dạy tiếng Pháp, thầy Thành coi việc dạy cũng là một cách rất tốt để học.

Gieo khát vọng độc lập dân tộc cho lớp trẻ

Từ kinh nghiệm thời trai trẻ của mình, Hồ Chí Minh đánh giá đúng về thanh niên, tin tưởng vào thanh niên như Người đã từng tự tin vào chính tuổi trẻ, vào hoài bão lớn lao “giải phóng dân tộc, đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân” của mình ngày nào. Luận giải được nội dung những luận điểm của Lênin: Phải tổ chức và đoàn kết toàn thể thế hệ thanh niên, phải làm gương về giáo dục và lý luận trong cuộc đấu tranh này... mới có thể hoàn thành công cuộc xây dựng lâu dài của xã hội dân chủ, văn minh.

Từ khi còn hoạt động ở nước ngoài cho đến khi đã trở thành Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh luôn nhất quán quan điểm: Muốn thức tỉnh một dân tộc, muốn tiến hành một cuộc đấu tranh để giải phóng, thì trước hết phải thức tỉnh thanh niên, vì thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc. Từ đó, Người đã đặt niềm tin tưởng vào thanh niên, coi vận mệnh của dân tộc, sự hưng thịnh hay suy vong của dân tộc Việt Nam tùy thuộc vào sự giác ngộ cách mạng và trách nhiệm của các thế hệ thanh niên.

Bằng tất cả tấm lòng mình, bằng chính những hoạt động không mệt mỏi của mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng loài người, Hồ Chí Minh đã “Gửi thanh niên An Nam” những lời nhắn nhủ: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám Thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh”.

Vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, trong quá trình chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản, Hồ Chí Minh đã hướng vào thanh niên, đưa họ đến với cách mạng. Người quan niệm: “Dân tộc được giải phóng, thanh niên mới được tự do. Vì vậy thanh niên phải hăng hái tham gia cuộc đấu tranh của dân tộc”.

Người đã thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (6-1925) mà nòng cốt là Cộng sản đoàn, trực tiếp mở lớp huấn luyện chính trị, ra báo Thanh niên, đào tạo nhiều thanh niên Việt Nam yêu nước trở thành những cán bộ cốt cán của Đảng ta và của phong trào cách mạng sau đó. Từ nền tảng đó, Nguyễn Ái Quốc đã dồn tâm huyết và sức lực vào việc “thức tỉnh dân tộc” hướng tới mục tiêu giải phóng dân tộc trong những năm 1920.

Dẫu trong sự nghiệp cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh không được tận mắt chứng kiến ngày thống nhất nước nhà nhưng trong “Di chúc”, Người nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân phải luôn ghi nhớ rằng: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Luận điểm đó chứa đựng thế giới quan khoa học của một lãnh tụ cách mạng, phản ánh tầm nhìn xa trông rộng của một nhà hiền triết, một nhà văn hóa lớn.

Thanh niên với sự nghiệp kiến quốc

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ gieo khát vọng giành độc lập dân tộc vào tầng lớp thanh niên mà xa hơn thế là sự nghiệp kiến quốc, xây dựng Việt Nam thành quốc gia hùng cường.

Trong “Lời kêu gọi thanh niên Nam Bộ” ngày 30-10-1945, Người viết: “Trong cuộc chống xâm lăng này các bạn đã là bức Vạn Lý Trường Thành vững chắc, các bạn phải thống nhất mặt trận thanh niên, đoàn kết, nêu cao tinh thần tin tưởng ở sức mạnh của dân tộc. Những gương hy sinh anh dũng của các bạn đã sáng rọi khắp nước, những chiến công oanh liệt của các bạn đã làm cho toàn thể đồng bào thêm kiên quyết”.

Năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh có lời khẳng định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà... Nước nhà thịnh hay suy, mạnh hay yếu, một phần lớn là do các thanh niên”.

Trong các thư gửi thanh niên và trong các dịp trực tiếp gặp gỡ với thế hệ trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nhấn mạnh vai trò to lớn của thanh niên và động viên kịp thời những thành tích mà thanh niên cả nước đạt được trong mọi lĩnh vực học tập, sản xuất, chiến đấu, rèn luyện... Người luôn nhấn mạnh vai trò xung kích của thanh niên trong phong trào cách mạng: “Việc gì khó có thanh niên, ở đâu khó có thanh niên”.

Tin yêu và hy vọng ở thế hệ thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Thời đại này là thời đại vẻ vang của thanh niên. Mà thanh niên phải là đội xung phong trên các mặt trận chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật”.

Việt Nam đang đứng trước cơn lốc toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 - cuộc cách mạng dựa trên nền tảng kỹ thuật số. Sự phổ biến của các công nghệ như vạn vật kết nối, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây... đang xóa nhòa mọi ranh giới và giúp con người, sản phẩm, máy móc tự kết nối - giao tiếp với nhau. Hơn lúc nào hết, đọc lại những lời dạy của Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên tính thời sự.

Công cuộc đổi mới đất nước, giao lưu, hội nhập của Việt Nam với bạn bè quốc tế có thành công hay không phụ thuộc vào khả năng nắm bắt cơ hội của thanh niên. Một trong những điều mà thanh niên có thể học tập ở Chủ tịch Hồ Chí Minh ấy là khả năng tự học ngoại ngữ, tự tìm kiếm kho tàng tri thức khổng lồ của nhân loại, tiếp nhận tinh hoa phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh nước nhà để xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bác Hồ với thanh niên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.