(HNM) - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng sáng tác bất tận cho văn nghệ sĩ nước nhà. Ở lĩnh vực mỹ thuật, các nghệ sĩ tạo hình thế hệ trước đây và sau này vẫn tiếp tục sáng tác nhiều tác phẩm tâm huyết về Người.
Họa sĩ Nguyễn Trọng Cát có mặt từ rất sớm, khi triển lãm mỹ thuật đặc biệt “Nhớ về Bác” bắt đầu mở cửa đón công chúng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) vào sáng 30-8. Ở tuổi ngoài 90, họa sĩ xúc động khi gặp lại bức tranh “Bác Hồ với thầy thuốc” mà ông sáng tác năm 1980, được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tập. Tác phẩm thể hiện bằng nghệ thuật khắc gỗ, về sự quan tâm, ân cần dặn dò của Bác với những người thầy thuốc. “Tôi có nhiều sáng tác về Bác, từ trong kháng chiến đến khi đất nước thống nhất và bây giờ vẫn tiếp tục. Các tác phẩm thường lấy cảm hứng từ sự quan tâm, chăm lo của Người với mọi tầng lớp nhân dân, như Bác Hồ với văn nghệ sĩ, bộ đội, công nhân, nông dân hay các em thiếu nhi…”, họa sĩ Nguyễn Trọng Cát chia sẻ.
Tác phẩm “Bác Hồ với thầy thuốc” là một trong 50 tác phẩm mỹ thuật tại triển lãm “Nhớ về Bác”, được tổ chức nhân 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 50 năm Ngày Bác đi xa. Ở đây, công chúng được thưởng lãm những tác phẩm của 39 họa sĩ, nhà điêu khắc thuộc nhiều thế hệ, trong đó có những danh họa hàng đầu nước nhà. Có thể kể đến là “Chân dung Bác” (Trần Văn Cẩn), “Bác Hồ” (Lê Lam) thể hiện vầng trán cao, ánh mắt sáng, chòm râu bạc và nụ cười hiền từ của Người; “Bác Hồ làm việc ở Việt Bắc” (Nguyễn Văn Tỵ), “Bác đi công tác” (Trần Đình Thọ) tái hiện phong thái khi Người làm việc; “Bác Hồ đến thăm gia đình nông dân” (Nguyễn Văn Thiện), “Bác Hồ thăm lớp vỡ lòng” (Đỗ Hữu Huề) cho thấy sự quan tâm của Bác với đồng bào; hay “Giải phóng quân thăm nhà Bác” (Văn Giáo), “Đền thờ Bác Hồ trong rừng đước mũi Cà Mau” (Nguyễn Văn Bình) thể hiện tình cảm kính trọng, tin yêu của cả nước hướng về Bác…
Các tác phẩm này chỉ là một phần trong vô vàn sáng tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh của giới nghệ sĩ tạo hình Việt Nam. Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận định, sáng tác nhiều nhất là thế hệ họa sĩ trưởng thành trong kháng chiến. Những tác phẩm còn lưu lại đến nay đều trở thành tài sản vô giá của nghệ thuật nước nhà. Chúng khắc họa hình ảnh Bác ở nhiều góc nhìn và thể hiện thành công sự giản dị, thân thuộc, thanh cao, tấm gương đạo đức ngời sáng của Người. “Bác Hồ luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các thế hệ họa sĩ, cả với những họa sĩ trẻ hiện nay chỉ được gặp Bác qua tài liệu, phim ảnh. Sáng tác của họ chủ yếu là đồ họa, mang những ngôn ngữ tạo hình mới, có kết nối với thời nay, rất đáng ghi nhận”, họa sĩ Trần Khánh Chương cho biết.
Lần đầu tiên đến với triển lãm quy tụ nhiều tác phẩm xuất sắc về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, Phạm Ngọc Bảo Hân, thành viên Câu lạc bộ Mỹ thuật, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) và bạn bè bày tỏ cảm phục các nghệ sĩ bậc thầy đã thể hiện sinh động, gần gũi hình ảnh Bác qua những loại hình khác nhau, từ hội họa, đồ họa, tranh cổ động đến điêu khắc… “Triển lãm đem lại cho em nhiều cảm xúc, nhiều bài học về nghệ thuật mà em nghĩ mình sẽ vận dụng tốt cho mỹ thuật - bộ môn em rất yêu thích”, Bảo Hân chia sẻ.
Tuy Bác đã ra đi xa, nhưng những hình ảnh, câu chuyện, bài học, lời căn dặn của Người vẫn sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam, tiếp tục khơi nguồn cảm hứng cho văn nghệ sĩ, đặc biệt là giới mỹ thuật. Chắc chắn, những sáng tác mỹ thuật về Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ được gìn giữ và nhiều lên theo năm tháng, giúp thế hệ ngày nay hiểu hơn về cuộc đời bình dị và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người, từ đó không ngừng phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.