(HNM) - 17 năm làm tổ trưởng tổ dân phố 63, khu dân cư (KDC) số 8, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, bà Nguyễn Thị Xoan đã để lại nhiều dấu ấn trong việc vận động xã hội hóa xây dựng hạ tầng cơ sở tại địa phương.
Ngõ 40 đường Thanh Nhàn (thuộc tổ dân phố 63) trước đây có đoạn đường đất mấp mô, thường lầy lội khi trời mưa; đồng thời 48 hộ trong tổ chưa có đường nước mắc vào nhà, phải dùng chung một bể nước rất bất tiện. Bà Xoan đã họp bà con trong tổ, vận động đóng góp để làm luôn đường nước và đường giao thông. Sau khi có sự thống nhất cao, bà làm các thủ tục hành chính với UBND phường rồi trực tiếp trao đổi với cán bộ của Công ty Nước sạch quận Hai Bà Trưng để việc mắc nước đúng với nguyện vọng của từng hộ gia đình. Ngay sau khi xong đường nước, tiến hành ngay việc làm đường, tránh phải đào đường nhiều lần. Để tránh lãng phí, tận dụng diện tích, bà đã đề xuất xây dựng Nhà văn hóa của KDC số 8 trên nền của bể nước sinh hoạt chung của tổ 63 trước đây. Nhằm bảo đảm ANTT cũng như tạo thuận tiện cho bà con đi lại, bà đã vận động đóng góp để lắp đèn chiếu sáng trong ngõ. Đích thân bà lại giao dịch với công ty đèn chiếu sáng để việc lắp đặt phù hợp với tình hình thực tế trong tổ. Trong ngõ 40, cứ cách 5 nhà lại có một đèn chiếu sáng. Bóng đèn gần nhà nào thì nhà đó tự nguyện chịu trách nhiệm bật, tắt hằng ngày. Với kết quả này, năm 1996, tổ 63 trở thành tổ đầu tiên trong phường Thanh Nhàn thực hiện thành công từ xã hội hóa mà có điện chiếu sáng trong ngõ và nước sạch vào từng hộ gia đình.
Trong lần đóng góp nào tên gia đình bà cũng đứng đầu danh sách. Năm 1998, khởi công xây dựng Nhà văn hóa của KDC, cùng với việc ủng hộ, bà đã bỏ tiền túi cho KDC vay để hoàn thiện được công trình. Khi nâng cấp Nhà văn hóa này vào năm 2002, tổ 63 đóng góp được 6,5 triệu đồng, trong đó, riêng bà Xoan góp 1 triệu đồng. Nhiều lần, có hiện tượng đổ trộm phế thải cứng vào trong ngõ, bà lại đi quyên góp mọi người để có kinh phí thuê người dọn dẹp, thậm chí, bà còn bỏ tiền túi của mình ra thuê người chở phế thải đi.
Suốt quá trình làm tổ trưởng, bà luôn nhiệt tình, nghiêm túc và giữ chữ tín. Trong việc vận động xã hội hóa, bao giờ bà cũng xét trên hoàn cảnh thực tế của từng gia đình, không tạo gánh nặng cho họ. Bà luôn chủ động cùng bà con trong tổ giải quyết luôn những vấn đề bất cập phát sinh trong tổ (mặt đường xuống cấp, "rác" trên tường, rác dưới đường...) chứ không chờ đợi cơ quan cấp trên. Bà chia sẻ: "Thực hiện tốt việc xã hội hóa để xây dựng cơ sở hạ tầng mang lại lợi ích cho chính những người sống trên địa bàn, đồng thời cách làm này khiến mỗi người có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ, giữ gìn cơ sở hạ tầng trong khu vực mình sinh sống".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.