(HNM) -
Trồng chè, hướng phát triển kinh tế chủ lực của 7 xã miền núi huyện Ba Vì. |
Giờ đây, nhà nào cũng có tivi, tủ lạnh, xe máy, nhà cửa khang trang, con trẻ được đến trường, rồi kinh tế trang trại, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển, nhân dân thoát cảnh nghèo khó..." - ông Phạm Đình Thông, thôn Hát Giang, xã Tản Lĩnh mở đầu câu chuyện. Ông Thông cho biết, điều đầu tiên ai cũng cảm nhận được là sau 5 năm về với "ngôi nhà chung" Thủ đô, cơ sở hạ tầng nông thôn được thành phố quan tâm đầu tư. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt. Nhiều tiến bộ khoa học, kỹ thuật đưa vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi...
Giúp chúng tôi hiểu rõ hơn sự đổi thay trong đời sống kinh tế - xã hội, ông Phùng Quang Lương ở xã Tản Lĩnh cho biết, nhờ cơ chế, chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, thế mạnh của Tản Lĩnh trong chăn nuôi gia súc lớn được phát huy hiệu quả. Đến nay, toàn xã có hơn 700 hộ nuôi 1.175 con bò sữa, mỗi ngày cung cấp cho thị trường trên 20 tấn sữa tươi. Gia đình nào nuôi ít thì 2-3 con bò sữa, nhà nhiều hơn chục con trở lên. Trừ các khoản chi phí, hộ nuôi một cặp bò cho thu lãi 50 - 60 triệu đồng/năm. Nhiều gia đình nuôi hươu, đà điểu, ba ba, ong mật, lợn, gà, thả cá, trồng cây cảnh cũng đều cho thu nhập khá. Theo ông Lương, Tản Lĩnh đã khoác lên mình tấm áo mới, mang dáng dấp của một đô thị sinh thái no ấm, đủ đầy.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Bạch Công Tiến cho hay: Năm 2008, tổng giá trị sản xuất của 7 xã của huyện đạt 450 tỷ đồng, trong đó giá trị nông lâm nghiệp chiếm 55%; thu nhập bình quân đầu người đạt 7,3 triệu đồng/năm. Sau 5 năm về với Hà Nội, tổng giá trị sản xuất được nâng lên gấp hơn 7 lần, đạt 3.161 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực; lĩnh vực du lịch, dịch vụ đã "soán ngôi" nông nghiệp khi đạt giá trị 775 tỷ đồng, chiếm 54% cơ cấu kinh tế. Thu nhập bình quân 20,5 triệu đồng/người/năm; tốc độ tăng trưởng kinh tế 10,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,03%; 6 xã có trạm y tế được công nhận đạt chuẩn quốc gia... Chăn nuôi, trồng cây công nghiệp và phát triển du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chăn nuôi bò sữa với hơn 5.700 con đã tạo nguyên liệu tại chỗ cho các công ty chế biến sữa trên địa bàn hoạt động, ngày càng nâng cao vị thế của thương hiệu sữa Ba Vì. Tại các xã như Ba Trại, Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài luôn duy trì 1.600ha trồng chè nhằm bảo đảm cho việc sản xuất chế biến chè ngay tại địa phương. Phát huy lợi thế của thiên nhiên, các xã như Ba Vì, Yên Bài, Vân Hòa, Ba Trại, Tản Lĩnh đã thu hút 12 doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch sinh thái kết hợp du lịch tâm linh. Năm 2012, số lượng khách đến các điểm du lịch quanh chân núi Ba Vì gần 2 triệu lượt người.
Về cơ sở hạ tầng, đến nay 7 xã miền núi huyện Ba Vì đã được đầu tư. Riêng năm 2012 có 83 dự án được triển khai thực hiện, với tổng mức đầu tư trên 1.066 tỷ đồng. Huyện đã thông qua quy hoạch đô thị Tản Viên Sơn tại xã Tản Lĩnh để tiến tới hình thành một thị trấn miền núi quy mô 10km2, là nơi giao lưu, phát triển kinh tế vùng. Nhiều chương trình, đề án như "Bảo tồn khôi phục và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số, giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020" được triển khai, với việc thành lập 7 đội bảo tồn văn hóa; sưu tầm 7 bộ cồng chiêng, triển khai chương trình phát thanh tiếng dân tộc phát trên sóng đài phát thanh huyện đã đáp ứng nhu cầu tinh thần, mang lại niềm vui cho đồng bào... Thành phố cũng đã đầu tư xây dựng một trường THPT ở xã Minh Quang, dự kiến hoàn thành trong năm học 2014-2015 để phục vụ con em 3 xã Minh Quang, Ba Vì và Khánh Thượng; mở rộng Trường Dân tộc nội trú thêm 2ha; triển khai dự án xây dựng bệnh viện miền núi khoảng 100 giường bệnh tại xã Ba Trại...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.