(HNM) - Tiến độ thực hiện mục tiêu xóa phòng học tranh tre, nứa lá, phòng học bán kiên cố xuống cấp giai đoạn 2009-2010 theo kế hoạch số 86/KH-UBND của UBND thành phố tại huyện Ba Vì vẫn chưa đạt yêu cầu do nguồn vốn đối ứng khó khăn.
Giáo viên và học sinh nơi đây tiếp tục phải dạy và học trong các phòng xuống cấp. Việc khắc phục tình trạng thiếu phòng học, xóa phòng học tạm bằng tranh tre, nứa lá tránh tình trạng "có gì dạy nấy", "trường không ra trường, lớp không ra lớp" đang rất cần sự quan tâm. Thực hiện Kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội, trong hai năm 2009-2010 đầu tư 171,08 tỷ đồng nâng cấp cho 63 trường với 611 phòng. Năm 2009, huyện đã triển khai thực hiện được 32 trường với 242 phòng, tổng mức đầu tư là 85,736 tỷ đồng, trong đó kế hoạch vốn được bố trí là 57,023 tỷ đồng. Như vậy, vốn còn thiếu của các công trình năm 2009 đã thi công là 28,713 tỷ đồng. Các công trình thi công năm 2009 đã hoàn thành nhưng hết tháng 6 mới bàn giao được 10 công trình, số còn lại đang hoàn thiện hồ sơ, dự kiến tháng 7-2010 mới bàn giao các trường còn lại. Năm 2010, việc xóa phòng học tạm trên địa bàn cũng chưa thấy sáng sủa. Đến thời điểm này, Ba Vì triển khai xây dựng mới 43 trường với 301 phòng học của 3 khối với tổng mức đầu tư 142,545 tỷ đồng, nhưng kế hoạch vốn mới được bố trí 84,608 tỷ đồng, trong khi đó vốn còn thiếu năm 2010 của các công trình đã thi công là 57,937 tỷ đồng.
Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản Ba Vì, trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch 86, do chưa được đầu tư đồng bộ cho các công trình phụ trợ nên khó khăn cho nhà trường trong việc quy hoạch xây dựng; một số trường học phải chuyển địa điểm xây dựng phù hợp với quy hoạch chung của nhà trường nên phải thay đổi thiết kế, điều chỉnh, bổ sung dự án cho phù hợp. Mặt khác năng lực một số nhà thầu còn hạn chế, chậm lập hồ sơ quyết toán công trình, ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao.
Do thiếu phòng học, các địa phương ở Ba Vì phải thực hiện các giải pháp tạm thời để hạn chế tình trạng học sinh phải học 3 ca. Đây là hệ quả của việc chưa tìm được vốn đối ứng triển khai các công trình xóa phòng học tạm theo Kế hoạch số 86 của UBND thành phố. Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản huyện Ba Vì, do nguồn thu hạn hẹp, nguồn đấu giá đất ít nên vốn đối ứng gặp khó khăn, miền núi Ba Vì rất cần sự quan tâm hỗ trợ của thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.