(HNM) - Năm 2013 là năm thứ 13 liên tục xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm) giữ vững thành tích xuất sắc về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, trong đó có nhiều năm liền đạt danh hiệu xã hai con, dẫn đầu phong trào thi đua của ngành, được UBND thành phố tặng Bằng khen.
Là địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp, số lượng thanh niên tử vong vì nhiễm HIV tăng khiến người dân phát sinh tư tưởng đẻ dự phòng. Rồi tư tưởng phong kiến về sinh nhiều con và sinh bằng được con trai vẫn tồn tại trong một bộ phận dân cư khiến việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và vận động giảm sinh mang tính bền vững ở Cổ Bi luôn gặp khó khăn và chịu nhiều áp lực. Trưởng thành từ một cộng tác viên (CTV) dinh dưỡng của xã nên bà Thêm nắm chắc hoàn cảnh từng gia đình, cũng như suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng của từng nhóm đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ. Từ đó, hằng năm, bà đều chủ động tham mưu với Đảng ủy, HĐND, UBND xã ra các văn bản chỉ đạo theo hướng: Tổ chức thực hiện đi liền với đôn đốc kiểm tra; lấy động viên, khen thưởng, hỗ trợ làm đòn bẩy tạo thành phong trào thi đua rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, bà Thêm xây dựng mối quan hệ mật thiết với các CTV và các đoàn thể, vừa trao đổi kinh nghiệm công tác, vừa chủ động hướng dẫn hoàn thiện hệ thống sổ sách bảo đảm. Mọi di biến động về dân số trên địa bàn đều được bà và các CTV bổ sung, cập nhật kịp thời, tạo sự thuận tiện, dễ dàng trong quản lý, theo dõi. Nhờ đó, các đợt chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản của xã năm nào cũng đạt kết quả cao.
Điều ghi nhận ở bà Thêm trong suốt 13 năm qua là sự chủ động, linh hoạt và sáng tạo trong việc phối hợp với các đoàn thể, các CLB tổ chức các hoạt động truyền thông giúp 100% đối tượng trong diện sinh đẻ đều có điều kiện tiếp cận, nâng cao kiến thức về DS-KHHGĐ và có cơ hội được hưởng các quyền lợi về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tư vấn và sử dụng biện pháp KHHGĐ an toàn tại trạm y tế. Mỗi khi được CTV thông tin có trường hợp khó trong vận động sử dụng biện pháp tránh thai hoặc đã mang thai lần 3 trở lên, bà Thêm đều tìm cách để gặp gỡ chị em nói chuyện tâm tình, tìm hiểu nguyên nhân, vướng mắc. Sau đó, bà hội ý với CTV, rồi khéo léo chia nhau vận động, thuyết phục từng người có liên quan. Khi đã vận động thành công, bà lại chủ động nhận việc đưa đón, chăm sóc sức khỏe, giúp đỡ việc nhà để chị em yên tâm thực hiện các biện pháp KHHGĐ. Với cách làm trên, ngoài thực hiện xuất sắc vai trò của một cán bộ thường trực dân số xã, bà Thêm còn vận động được hàng trăm trường hợp áp dụng thực hiện các biện pháp tránh thai cùng hàng chục trường hợp từ bỏ ý định sinh nhiều con, góp phần hạn chế tình trạng sinh lệch giới tính trên địa bàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.