Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Bà Tây di sản”

Theo VGP News| 03/02/2011 09:13

Người ấy là bà Katherine Muller – Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam. Bà đã được nhiều người Việt Nam gọi bằng cái tên “Bà Tây di sản”, bởi đã dành nhiều công sức và tâm huyết với các di sản của Việt Nam.

Bà Katherine Muller – Marin. Ảnh: Chinhphu.vn

Người ấy là bà Katherine Muller – Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam. Bà đã được nhiều người Việt Nam gọi bằng cái tên “Bà Tây di sản”, bởi đã dành nhiều công sức và tâm huyết với các di sản của Việt Nam.

Đến Việt Nam đảm nhận vai trò Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO mới hơn 1 năm, nhưng bước chân của bà đã in dấu ở hầu hết các di sản của Việt Nam. Thường xuyên có mặt trước công chúng trong tà áo dài Việt Nam với nụ cười cởi mở, bà Katherine Muller thực sự gắn bó với các di sản của Việt Nam bằng trách nhiệm và tình yêu...

"Tôi yêu tất cả các di sản của Việt Nam"

Bà Katherine Muller nhấn mạnh như vậy trong cuộc gặp gỡ với các nhà báo viết về lĩnh vực di sản văn hóa dịp Tết đến, Xuân về.

Người phụ nữ Costa Rica gốc Đức này được nhiều người Việt Nam âu yếm gọi là “bà Tây di sản”, bởi bà có rất nhiều tư vấn và đóng góp cho Việt Nam trong việc gìn giữ cũng như quảng bá các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu.

Năm 2010 có thể coi là năm được mùa của di sản Việt Nam, với 4 di sản được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Đó là 82 Bia Tiến sỹ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Khu Di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long; Hội Gióng và Cao nguyên đá Đồng Văn - Hà Giang.

Trong tất cả các sự kiện liên quan đến di sản của Việt Nam, công chúng đều thấy bà Katherine Muller - Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam với vóc dáng cao lớn, mái đầu điểm bạc, phong thái ung dung xuất hiện trong bộ áo dài Việt Nam trang nhã…

Nhận nhiệm vụ ở Việt Nam từ tháng 9/2009, đến nay bà Katherine Muller đã có mặt ở rất nhiều vùng miền của đất nước ta, từ Cà Mau, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu đến Hà Giang...

Với cái nhìn của một nhà nghiên cứu văn hóa sâu sắc, bà Katherine Muller nhận xét: “Các di sản ở Việt Nam là sự hội tụ, tổng hòa của nhiều yếu tố, là sự liên kết giữa vật chất và tâm linh. Tất cả đều đẹp và có sự khác biệt, không trùng lắp. Thật khó nói là tôi yêu thích cái nào hơn cái nào, chỉ biết tôi dành tình yêu cho tất cả các di sản này”.

Đóng góp nhiều tâm huyết để giúp những di sản của Việt Nam được vinh danh ở tầm quốc tế, Katherine Muller cho biết bà luôn luôn hồi hộp chờ đợi kết quả bầu chọn và không giấu được niềm vui mỗi khi một di sản của Việt Nam được ghi danh.

Bà Katherine Muller đến Việt Nam công tác đúng vào khoảng thời gian có rất nhiều hoạt động sôi động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Bà chắc cũng không ngờ rằng mình sẽ có một nhiệm kỳ sôi động ở Việt Nam đến vậy. Bà vinh dự thay mặt UNESCO trao Bằng công nhận của tổ chức này cho nhiều di sản của Việt Nam. Năm 2010- đúng dịp Thủ đô tròn nghìn năm tuổi, 3 di sản của Hà Nội được UNESCO công nhận và với bà Katherine Muller đó là sự thành công ngoài mong đợi. Bà không giấu sự ngưỡng mộ về điều này bởi đây là lần đầu tiên trong lịch sử 60 năm của UNESCO, 1 thành phố có đến 3 di sản được vinh danh trong 1 năm.

Điều khiến bà vui mừng là sau khi được công nhận, các di sản của Hà Nội đang phát huy giá trị của mình. Những thành công của Hà Nội trong lĩnh vực di sản có tác dụng lan tỏa tới các địa phương khác và chúng ta càng thấu hiểu sự đóng góp của việc phát triển văn hóa, du lịch với sự phát triển kinh tế- xã hội của một đất nước.

Bà Katherine mong muốn người dân Thủ đô hãy nghĩ nhiều hơn tới việc bảo vệ môi trường bền vững của các di sản. Bà nói: “Tôi cũng muốn kêu gọi toàn thể nhân dân Hà Nội cùng nắm tay nhau làm cho Hà Nội trở thành thành phố sạch nhất châu Á - Thái Bình Dương. Trong môi trường đó, di sản sẽ được bảo vệ tốt hơn”.

Luôn đồng hành với các di sản Việt

Bà Katherine nhấn mạnh việc UNESCO sẽ đồng hành với Việt Nam trong việc bảo tồn các di sản, trong đó sẽ sẵn sàng giúp Việt Nam quản lý di sản, đặt trọng tâm vào việc vừa phát triển du lịch, vừa bảo vệ được di sản, bảo vệ hệ sinh thái vùng di sản mà UNESCO đã công nhận.

Điều bà quan tâm là cần phải để các di sản “sống” trong thời hiện đại mà không bị “bóp méo”. Bà Katherine Muller cũng cảnh báo nếu không thận trọng, di sản Việt Nam có thể bị “biến thành khu vực thương mại hóa” nhằm vừa lòng du khách. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng khu vực di sản la liệt rác thải, hàng quán và sẽ khiến người dân cũng cảm thấy nghẹt thở vì tác động không mong muốn này.

Với các di sản phi vật thể ở Việt Nam việc bảo tồn còn khó khăn, bởi nhiều di sản khi được công nhận cũng đồng nghĩa với việc phải bảo vệ khẩn cấp để chúng khỏi biến mất. Theo bà Katherine Muller, với di sản phi vật thể, cần nghiên cứu để bảo đảm tính nguyên gốc của nó, đào tạo bồi dưỡng để thế hệ sau yêu thích và tiếp thu. Chẳng hạn với cồng chiêng Tây Nguyên, địa phương đã thành lập hàng trăm câu lạc bộ giới thiệu cho giới trẻ cách biểu diễn cồng chiêng để nối dài đời sống của di sản, hoặc cần để thế hệ trẻ hiểu biết sâu sắc về Hội Gióng.

Coi Việt Nam là quê hương thứ hai

Ở Hà Nội một thời gian ngắn mà cuộc sống của bà Katherine Muller đã có rất nhiều thay đổi. Bà thường xuất hiện trước công chúng trong những chiếc áo dài truyền thống mềm mại mà sang trọng, làm từ chất liệu lụa tơ tằm Hà Đông. Bà tâm sự: “Tôi đã phải lòng tà áo dài khi sang đất nước này. Đó là trang phục truyền thống của Việt Nam. Nó có một vẻ đẹp đáng kinh ngạc. Tôi rất thích màu sắc, chất liệu lụa và hiện đã có một bộ sưu tập áo dài".

Bà rất thích không khí đón Tết của người Việt Nam. Năm ngoái, bà đã đón Tết Canh Dần với đủ đào, quất, mâm ngũ quả. Và năm nay, bà lại rất vui khi được đón Tết Tân Mão ở Việt Nam.

Bà Katherine Muller mong muốn được ở lại làm việc lâu dài tại Việt Nam và học tiếng Việt. Ở Việt Nam, bà nhận thấy sự ấm cúng của gia đình, tình bạn bè thân thiết và cũng chính vì thế, bà luôn mong muốn phải làm gì đó cho Việt Nam. Bởi với bà, Việt Nam như nhà, như quê hương thứ hai của bà vậy.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Bà Tây di sản”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.