Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có đủ thế mạnh trong cung ứng dịch vụ khai thác điện gió trên bờ và ngoài khơi tại Việt Nam và quốc tế.
Nhiều tiềm năng phát triển
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có tiềm năng điện gió lớn nhất Đông Nam Á, với tổng công suất 513.360MW, bằng hơn 200 lần công suất của thủy điện Sơn La. Ở phía Nam, các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long và nhất là 2 tỉnh Nam Trung Bộ là Ninh Thuận, Bình Thuận có tiềm năng cao nhất.
“Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có thế mạnh tuyệt đối về cung ứng dịch vụ, vật tư phát triển các trụ điện gió, nhất là điện gió ngoài khơi, bởi đã có sẵn hệ thống cảng biển, cơ sở dịch vụ và năng lực sản xuất phục vụ khai thác dầu khí ngoài biển lâu nay. Giờ chuyển sang cung ứng dịch vụ cho các nhà máy điện gió ngoài khơi, sẽ rất thuận lợi, nhất là trong bối cảnh chuỗi cung ứng về năng lượng tái tạo ngoài khơi trên thế giới chưa hình thành, nên dư địa phát triển còn rất lớn”, ông Lê Mạnh Cường, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) thông tin.
PTSC hiện là doanh nghiệp duy nhất được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép triển khai đầy đủ các hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển để phát triển dự án điện gió ngoài khơi. Hiện doanh nghiệp có một căn cứ cảng quy mô ở thành phố Vũng Tàu với đầu đủ kho bãi, cầu cảng phục vụ chế tạo, vận chuyển, lắp đặt thiết bị điện gió.
Năm 2023, PTSC đã ký hợp đồng chế tạo và cung cấp 33 kết cấu móng chân đế hút chân không cho tua bin của dự án điện gió CHW2204 tại Đài Loan (Trung Quốc), trị giá 85 triệu USD. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có được hợp đồng xuất khẩu giá trị lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi.
Công ty cũng đang bàn với các đối tác phát triển dự án điện gió ngoài khơi Việt Nam để xuất khẩu khoảng 1,2GW điện sang Singapore qua đường cáp ngầm dưới biển.
Mới đây, Công ty TNHH CS Wind Việt Nam khánh thành nhà máy tháp gió OFFSHORE với quy mô lớn nhất Đông Nam Á tại Khu Công nghiệp Phú Mỹ 1 (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với tổng vốn đầu tư hơn 70 triệu USD, công suất 120 ống/tuần. Trong đó, ống có đường kính tối đa 10m (nhà máy cũ sản xuất ống có đường kính tối đa 7-7,5m), trọng lượng khoảng 450 tấn/ống, phục vụ lắp các trụ điện gió quy mô lớn theo quy chuẩn quốc tế hiện nay.
“CS Wind Việt Nam hiện đã trở thành nhà cung cấp tháp gió đáng tin cậy, được nhiều đối tác lớn trên thế giới tin tưởng”, Tổng Giám đốc CS Wind Việt Nam Nguyễn Thế Kiện cho biết.
Cần có chiến lược phù hợp
Theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các doanh nghiệp tại tỉnh có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu dịch vụ phát triển điện gió không chỉ ở Việt Nam mà còn cho thị trường nước ngoài. Một trong những yếu tố tiên quyết thành công là các bên cần liên kết, hợp tác với nhau để cùng phát triển, chinh phục thị trường nhiều tiềm năng này.
Đơn cử, trong vài năm tới, PTSC cần tìm nhà cung ứng thép đủ tiêu chuẩn để sản xuất, lắp đặt các trụ điện gió công suất lớn, với khối lượng lên đến 2 triệu tấn, trị giá hơn 2,4 tỷ USD. Với sự kết nối của Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, PTSC và một số doanh nghiệp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bước đầu tìm được tiếng nói chung trong liên kết tạo sức mạnh tổng hợp chinh phục thị trường ngành dịch vụ phát triển điện gió.
Trước mắt, Công ty Nhà thép PEB (có nhà máy tại Khu Công nghiệp Đông Xuyên, thành phố Vũng Tàu) cho biết có loại thép phù hợp để cung ứng cho PTSC.
Còn đại diện Công ty cổ phần China Steel & Nippon Steel Việt Nam (Khu Công nghiệp Mỹ Xuân A2, thị xã Phú Mỹ) cho biết có thể nhận thép tiêu chuẩn từ các công ty mẹ ở Đài Loan và Nhật Bản để cung ứng cho các dự án của PTSC.
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ nhân định tỉnh có nhiều nhà máy thép. Địa phương tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh thép chất lượng cao, phù hợp phát triển thiết bị điện gió, cùng với PTSC phát triển thị trường.
Về phía Chính phủ, phát biểu tại Lễ Công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời ký 2021-2030, tầm nhìn 2050, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo: “Tỉnh cần chủ động, tiên phong trong khai thác tiềm năng để trở thành trung tâm công nghiệp năng lượng gió ngoài khơi. Làm chủ các khâu thiết kế, chế tạo, vận chuyển, lắp đặt, lưu trữ điện năng, sản xuất nhiên liệu xanh..., phấn đấu trở thành trung tâm chuỗi cung ứng không chỉ của Việt Nam mà còn trên thế giới”.
Theo Kế hoạch triển khai Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), tổng công suất điện gió ngoài khơi là 6.000MW. Do đó, tiềm năng của ngành sản xuất thiết bị phục vụ cho các dự án điện gió là rất lớn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.