Vùng đất Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều cửa sông, cảng biển, là đầu mối giao thông đường thủy quan trọng trong toàn vùng. Cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, trong quá trìmh khai phá vùng đất phương Nam, đã có nhiều luồng dân cư qua lại cửa ngõ này và chọn Bà Rịa - Vũng Tàu làm nơi định cư lâu dài. Cũng từ đó, tại đây hình thành những khu dân cư làng xã có lịch sử lâu đời như Vũng Tàu, Bà Rịa, Long Điền, Đất Đỏ...
Chính tại những vùng đất này, qua nhiều thế kỷ, lần lượt hình thành các làng nghề truyền thống mang dấu ấn lưu dân, trong đó có nghề đánh bắt thủy hải sản. Tính từ Đông sang Tây, ven biển Bà Rịa - Vũng Tàu có những làng cá nổi tiếng lâu đời như Phước Hải, Long Hải, Phước Tỉnh, Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam...
Làng cá Phước Hải
Trong số những làng cá lâu đời ở Bà Rịa - Vũng Tàu, làng cá Phước Hải (huyện Đất Đỏ) có lịch sử lâu đời nhất. Nước mắm và cá khô Phước Hải là hai sản phẩm nổi tiếng khắp vùng. Lịch sử hình thành Phước Hải được truyền đời qua câu chuyện lý thú và hấp dẫn. Chuyện kể rằng, vào khoảng năm 1725 - 1730, có một người tên Trần Văn Mầu đến vùng biển thuộc ấp Hải Lạc bây giờ khai phá đất hoang (hiện nay dân Phước Hải tôn ông là Tiền hiền, xây dựng lăng miếu hương khói quanh năm). Thuở ấy đây còn là vùng đất hoang vu, cây cối um tùm, nhiều thú dữ. Hằng ngày ông vào rừng lấy dây mấu về đánh nhuyễn, đan thành sợi lưới, rê theo con nước lên xuống để đánh bắt tôm, cá. Một số người dân thường ngày ra biển lấy vỏ sò về nung vôi, thấy ông rê được nhiều tôm cá, đời sống khá hơn, bèn bỏ nghề cùng ông đan lưới, đánh bắt hải sản, sinh cơ lập nghiệp. Dần dần nơi đây hình thành một xóm, gọi là xóm Lưới Rê - ngôi làng cổ nhất của xã Phước Hải và là một trong những ngôi làng cổ của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau này, cuộc sống của người dân xóm Lưới Rê ngày càng thịnh vượng, tên xóm được đổi thành Hải Chữ.Đến thời Gia Long, Hải Chữ và Phước Điền được sáp nhập lại, gọi là Phước Hải thôn. Quá trình tụ cư lập nghiệp trên vùng đất lành cùng với sự phát đạt của nghề cá đã làm cho Phước Hải ngày một trù phú: Ngó lên Đất đỏ làm cỏ cho quen/ Lưới Rê đi cưới một thiên cá mòi/ Không tin dỡ hộp ra coi/ Rau răm ở dưới cá mòi ở trên. Hiện nay, Phước Hải có hơn 2/3 dân số sống bằng nghề đánh bắt cá, 1/3 làm nghề nông và buôn bán. Đội tàu đánh cá của Phước Hải có 5.300 chiếc, với tổng công suất 36.000 CV, khai thác khoảng 7.000 tấn hải sản/năm.
Làng cá Phước Tỉnh
Phước Tỉnh (huyện Long Điền) là làng cá hình thành từ rất sớm, nằm ở phía Đông Cửa Lấp, thuận lợi cho ghe tàu đánh cá ra vào và đỗ nghỉ. Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết, từ thời Gia Long (1802-1820), người ta đã dựng Đàn Kỳ Phong ở Phước Tỉnh để thờ các vị hải thần. Trước năm Minh Mạng thứ 18 (1837) Phước Tỉnh có tên gọi là làng Giếng Bộng. Dân gian lưu truyền rằng, trong quá trình bôn tẩu đánh nhau với quân Tây Sơn, Nguyễn ánh đã cho đào phía Đông Cửa Lấp một cái giếng, chu vi chừng 10 thước, độ sâu 12 thước, nước rất ngọt. Dân địa phương gọi là giếng ngự hay giếng bộng. Tài liệu của người Pháp cho biết, năm 1900, Phước Tỉnh có 1.628 người dân. Còn theo tài liệu của chính quyền Sài Gòn, năm 1970, Phước Tỉnh có 11.527 người. Cư dân Phước Tỉnh sống chủ yếu nhờ đánh cá và các hoạt động dịch vụ trên bờ phục vụ nghề này. Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, Phước Tỉnh là một trong những làng cá lớn nhất và giàu có trong số các làng cá ở Nam bộ. Cơ cấu kinh tế của Phước Tỉnh là ngư nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - thương mại dịch vụ. Trong đó mũi nhọn của xã là ngư nghiệp. Số lượng tàu thuyền hiện có 1.073 chiếc với công suất 127.570 CV, trong đó có 966 tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Sản lượng khai thác hàng năm của Phước Tỉnh đạt khoảng 50.000 tấn hải sản các loại, trong đó có 14.000 tấn hải sản xuất khẩu có giá trị cao. Thu nhập bình quân đầu người hằng năm khoảng 700USD.
Làng cá Tam Thắng
Theo truyền thuyết, đầu đời vua Minh Mạng (1820), ba viên đội Phạm Văn Dinh, Lê Văn Lộc và Ngô Văn Huyền được phái đến Vũng Tàu trấn ải, lập đồn binh, dẹp yên nạn cướp biển. Từ chính sách “ngụ binh ư nông”, ba ông đội này lập ra ba làng (Tam Thắng) gồm: Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam. Năm 1836, Tam Thắng thuộc tổng An Phú Thượng, huyện Phước An. Ngày 1-5-1895, thực dân Pháp thành lập thành phố Cap Saint Jacques bao bồm ba làng Thắng. Năm 1898, con đường nối liền Bà Rịa với thành phố Cấp được hoàn thành. Ba năm sau đó, dân số Vũng Tàu có 5.690 người, trong đó có gần 2.000 người di cư từ miền Bắc vào, sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt thủy hải sản.
Hiện nay, sản lượng đánh bắt thủy sản của Vũng Tàu đạt khoảng 68.000 tấn/năm, chiếm 41% tổng sản lượng toàn tỉnh. Cũng như các làng cá lâu đời của Bà Rịa- Vũng Tàu, Tam Thắng xưa (Vũng Tàu nay) có một đặc điểm là quá trình hình thành và phát triển gắn liền với quá trình tụ cư, mà trong đó chủ yếu là các quá trình di dân tự do từ các tỉnh miền Trung và Nam Trung bộ. Vì vậy, nguồn gốc dân cư hay nói đúng hơn là truyền thống văn hóa của các cộng đồng dân cư hội tụ về sinh sống ven biển Bà Rịa - Vũng Tàu đã có tác động quan trọng trong việc hình thành các lễ hội cũng như nét văn hóa đặc trưng của ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu.
HNM
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.