Hà Nội kết nối

Bà Rịa - Vũng Tàu: Huyện mới Long Đất sẵn sàng tái lập để phát triển tốt hơn

Nhóm phóng viên 21/11/2024 - 16:01

Theo chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính mới, từ ngày 1-1-2025, hai huyện Long Điền và Đất Đỏ của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ sáp nhập thành huyện mới Long Đất. Các cấp, ngành đang triển khai những phần việc cuối cùng để huyện mới sẵn sàng hoạt động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

585-202411211536081(1).jpg
Hai huyện Long Điền và Đất Đỏ sẽ sáp nhập thành huyện Long Đất. Nguồn: UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Những thay đổi lớn

Theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 24-10-2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2023-2025, có hiệu lực từ ngày 1-1-2025. Theo đó, thành lập huyện Long Đất với 7 xã và 4 thị trấn trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 77,67km2, quy mô dân số 155.438 người của huyện Long Điền và toàn bộ diện tích tự nhiên là 189,74km2, quy mô dân số 86.063 người của huyện Đất Đỏ.

Trước đó, để sẵn sàng thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngay khi được thông qua, tỉnh đã lập Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã, triển khai các nội dung về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị và công tác cán bộ… Cùng với đó, tổ chức lấy ý kiến, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hơn 107.000 cử tri huyện Long Điền và gần 60.950 cử tri huyện Đất Đỏ về sáp nhập huyện, xã. Tính đến tháng 11-2024, mọi công việc đã gần như hoàn tất.

585-202411211536082.jpg
Huyện mới Long Đất có cơ hội phát huy thế mạnh tổng hợp rừng, núi, biển và đồng bằng để phát triển. Ảnh: DH

Ông Nguyễn Minh Thành, ngụ tại thị trấn Long Điền, huyện Long Điền chia sẻ: “Dân số mình ít, địa bàn, diện tích hẹp so với các tỉnh khác. Nhập lại thì cũng hợp lý”. Còn ông Phạm Văn Ba, ngụ tại ấp An Phước, xã An Ngãi, huyện Long Điền chia sẻ: “Gia đình tôi cũng đồng thuận việc sáp nhập 3 xã An Nhứt, An Ngãi và Tam Phước thành xã Tam An như năm 1984 và mong có thêm cơ hội nâng cao mọi mặt đời sống”.

Theo phương án của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trụ sở trung tâm hành chính huyện Đất Đỏ hiện nay sẽ được bố trí, sử dụng làm Trung tâm Hành chính - Chính trị huyện Long Đất. Các bên đang nỗ lực hoàn thành sắp xếp nhân sự, bố trí nơi làm việc của các cơ quan chính quyền để sẵn sàng hoạt động phục vụ người dân, doanh nghiệp từ ngày 1-1-2025.

585-202411211536083.jpg
Trung tâm hành chính của huyện mới Long Đất. Ảnh: DH

Để có thêm kinh nghiệm sớm ổn định các mặt sau sáp nhập huyện, xã, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cử đoàn công tác đi học tập kinh nghiệm tại tỉnh Nam Định. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Đặng Minh Thông, Trưởng đoàn công tác, Nam Định là địa phương đi đầu cả nước về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 với số lượng địa phương sắp xếp, sáp nhập lớn (2 huyện, 77 xã); đã hoạt động ổn định từ ngày 1-9-2024 với nhiều cách làm hay, kinh nghiệm quý, để tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tham khảo, học tập.

Sớm ổn định mọi mặt

Ủng hộ chủ trương chung về sáp nhập huyện, xã như một trong những hình thức thực hiện tinh gọn bộ máy, song bà Nguyễn Thị Minh Hiếu, Trưởng ban ấp An Phước, xã An Ngãi, huyện Long Điền cũng bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng nhanh chóng giúp người dân sửa giấy tờ với tên mới để sớm ổn định cuộc sống.

585-202411211536084.jpg
Người dân các địa phương sắp sáp nhập bày tỏ nguyện vọng, mong muốn thông qua phiếu xin ý kiến của cơ quan chức năng. Ảnh: DH

Về vấn đề này, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông tin, khi sáp nhập các đơn vị hành chính, những loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp theo đơn vị hành chính cũ nếu chưa hết thời hạn theo quy định, vẫn được tiếp tục sử dụng. Cơ quan chức năng sẽ tạo điều kiện thuận lợi và miễn phí cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện các thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ do thay đổi địa giới đơn vị hành chính.

Với nhân sự sau sáp nhập, các địa phương sẽ lựa chọn những người đảm bảo đủ tiêu chuẩn theo quy định hiện hành để bầu giữ các chức vụ lãnh đạo. Số cán bộ dôi dư sẽ được bảo lưu hệ số phụ cấp chức vụ theo quy định; có phương án điều động, bố trí những cán bộ này giữ các vị trí phù hợp tại các đơn vị còn thiếu nhân sự, chức danh. Cơ quan chức năng cũng vận động cán bộ, công chức lớn tuổi, chưa đạt chuẩn… tự nguyện xin nghỉ để hưởng các chế độ, chính sách theo quy định…

585-202411211536085.jpg
Một khu dân cư tại huyện mới Long Đất. Ảnh: DH

Đơn cử, tại huyện Đất Đỏ, số cán bộ công chức dôi dư sau sáp nhập là 20 người. Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ Đỗ Thị Hồng thông tin, cơ quan chức năng đã chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của số cán bộ này và đã có hướng giải quyết thấu đáo cho các bên theo các quy định hiện hành và đạt được sự đồng thuận cao.

Về trụ sở công, toàn tỉnh có 119 trụ sở liên quan đến sáp nhập huyện, xã. Sau khi sắp xếp, ngoài số trụ sở tiếp tục sử dụng, số dôi dư là 11 trụ sở cấp huyện và 17 trụ sở cấp xã. Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trương Thanh Phong cho biết, cơ quan chức năng sẽ chuyển 4 trụ sở này cho cơ quan, đơn vị có nhu cầu sử dụng; chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý 24 trụ sở theo quy định.

585-202411211536086.jpg
Huyện mới Long Đất đặt nhiều kỳ vọng về cơ hội phát triển sau sáp nhập. Ảnh: DH.

Có thể nói, tính đến nửa cuối tháng 11-2024, các cấp, ngành tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cơ bản hoàn thành đa số phần việc trong kế hoạch sắp xếp huyện, xã giai đoạn 2023-2025 theo chủ trương của Trung ương và tỉnh, góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội, hiệu quả, hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bà Rịa - Vũng Tàu: Huyện mới Long Đất sẵn sàng tái lập để phát triển tốt hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.