(HNM) - Bà Lucie Aubrac sinh ngày 29-6-1912 và chồng là ông Raymond Aubrac sinh ngày 31-7-1914. Bà học rất xuất sắc nên đã thi đậu vào Trường đại học sư phạm, nhưng bà không vào học và chỉ muốn làm giáo viên.
Bà Raymond Aubrac.
Từ chối vào Trường đại học, năm 17 tuổi bà vào làm người rửa bát trong một nhà hàng ở Paris. Bà làm quen với các đảng viên cộng sản trẻ, đi bán báo. Bà là một nữ thanh niên của thời gian giữa hai cuộc chiến tranh. Bà đi dự Đại hội thể thao thế giới năm 1936 ở Đức và đã phát hiện ra nguy cơ của chủ nghĩa phát-xít. Đồng thời bà tiếp tục đi học đậu hai bằng lịch sử và địa lý ở Sorbonne rồi bằng thạc sĩ về lịch sử. Bà được cử làm giáo sư ở Strasbourg. Tại đây bà đã gặp Raymond Aubrac, lúc đó là kỹ sư cầu cống và hai người đã lấy nhau. Năm 1940 khi Pháp đầu hàng Hitler và thành lập Chính phủ Vichy, hai vợ chồng đã bí mật tham gia kháng chiến ở Lyon và đã trở thành những nhân vật quan trọng, góp phần thành lập Phong trào giải phóng miền Nam nước Pháp Raymond được cử vào bộ tham mưu quân đội bí mật. Ngày 15-6-1943 được lực lượng kháng chiến cứu thoát, ngày 21-6-1943 ông bị Gestapo bắt lại. Bà Lucie bèn chỉ huy một cuộc tập kích giải thoát chồng. Sau đó hai vợ chồng rời nước Pháp vào tháng 2-1944 theo De Gaulle sang Anh và Alger.
Sau chiến tranh bà được cử làm đại biểu Hội đồng tư vấn và trở lại làm cô giáo. Lucie Aubrac trở thành một nhân chứng lịch sử và một tấm gương đấu tranh vì sự nghiệp phụ nữ.
Còn ông Aubrac là anh hùng Kháng chiến chống phát-xít Đức, là đại diện trẻ nhất của Chính phủ Cộng hòa Pháp ở Marseille, miền Nam nước Pháp (1944-1945) sau vào làm việc trong Bộ Xây dựng phụ trách gỡ mìn trong toàn quốc (1945-1948).
Năm 1946, nhận lời mời của Chính phủ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sang thăm chính thức Cộng hòa Pháp với tư cách Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Cũng trong thời gian này ở Pháp có Hội nghị Fontainebleau giữa Pháp và Việt Nam, đoàn Việt Nam do ông Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn. Chủ tịch Hồ Chí Minh không tham gia đoàn đại biểu Việt Nam ở Hội nghị.
Trong thời gian ở Paris, Bác Hồ đã đến ở nhà ông bà Raymond Aubrac 6 tuần lễ và được chăm sóc hết sức thân tình và chu đáo. Chính bà Aubrac và bà cụ thân sinh ra bà Aubrac đã nấu cơm cho Bác. Sau ít lâu có thêm ông Ty, Việt kiều đến giúp đỡ.
Bà Aubrac lúc đó mới sinh người con gái Elisabeth tại Nhà hộ sinh Port-Royal ở Paris, hai ba ngày sau, các cô y tá thấy một người lạ, nhưng rồi mọi người nhận ra ngay khuôn mặt đã được thấy trên báo chí, mang theo một bó hoa và gói bánh. Bác Hồ ẵm cháu vào tay và khi đặt cháu vào nôi, Bác đã nhận làm người đỡ đầu. Từ đó trở đi, ngay cả trong những năm đất nước ta còn kháng chiến cho đến ngày Bác mất, cứ mỗi lần đến ngày sinh của Babette, Bác đều gửi tặng một món quà để chúc mừng.
Ngày 27-7-1946 Việt kiều ở Pháp đã tổ chức một cuộc chiêu đãi nhân dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp tại Vườn hồng Bagatelle, Paris. Ông Raymond Aubrac đã được mời đến dự. Ông đã được dẫn đến chào Bác. Chủ tịch cầm tay ông và nói: Ông Aubrac, tôi biết những việc ông đã làm giúp đồng bào chúng tôi cách đây hai năm ở Marseille, tôi cám ơn ông. Rồi Bác vòng tay ông Aubrac đi vòng quanh các hành lang của Bagatelle gặp gỡ bạn bè. Ông Aubrac kể lại rằng ông cảm động lắm, không biết nói gì với một nguyên thủ mà tên tuổi đã trở thành ngôi sao trên báo chí lúc bấy giờ.
Tối về ông Aubrac nói chuyện với bà Lucie là có một vị khách nổi tiếng sẽ đến thăm. Lúc đó đã bắt đầu nghỉ hè. Bà Lucie sẽ sinh cháu trong vài tuần nữa. Đến ngày giờ đã hẹn, Chủ tịch đã đến với 16 chiếc xe mô-tô hộ tống của cảnh sát Paris. Cùng tiếp Chủ tịch, trong gia đình ông Aubrac, ngoài ông Raymond Aubrac và vợ, có bà mẹ của Lucie. Cuộc gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi chiêu đãi chiều ngày 27-7-1946 đã đánh dấu bước đầu của một chuỗi sự kiện gắn bó ông với Việt Nam suốt mấy chục năm qua trong cuộc đời của ông cho tận đến hôm nay.
Tuy không phải là đảng viên cộng sản nhưng ông bà Aubrac là những người cảm tình tích cực, thời đó được gọi là “bạn đồng hành” của những người cộng sản. Ông bà có mối quan hệ thân thiện với những người kháng chiến có cương vị chính trị và xã hội khác nhau, chịu ảnh hưởng của những người cộng sản và luôn đứng về phía công lý. Ông kính trọng những người lãnh đạo Việt Nam đấu tranh cho độc lập của đất nước mình.
Những ngày sống cùng với Bác Hồ đối với ông bà Aubrac không có gì khó khăn. Ông Aubrac kể Bác Hồ ngoài những tài năng của mình, Bác có quan hệ thân thiện và giản dị với mọi người, dù người đó là một vị bộ trưởng hay một người nông dân. Chỉ một ít phút sau người nào gặp Bác cũng thấy thoải mái và không có cảm giác đang đứng trước một vĩ nhân.
Trong suốt 6 tuần ở nhà ông bà Aubrac, người bạn thân nhất của Bác là bà mẹ vợ của ông Aubrac, một người nông dân ở vùng Bourgogne chân chỉ đã kể chuyện của mình với một người có đầu óc thông minh và uyên bác. Bác đã gợi ý cho bà kể về công việc của bà, những phong tục tập quán và những thói quen của những người trồng nho ở quê bà.
Cuối tháng 7, nhân ngày sinh của ông Aubrac, Bác đã tặng ông một bức tranh của họa sĩ Vũ Cao Đàm. Bức tranh tả một bà mẹ mới sinh con, đang giương cánh tay dài với những ngón tay mảnh dẻ vuốt ve và để tay đỡ đầu cháu nhỏ. Sau đó hai ba ngày bà Lucie đã sinh cháu gái Elisabeth mà Bác Hồ nhận làm con đỡ đầu.
Sau khi Hội nghị Fontainebleau kết thúc. Bác Hồ đã để Đoàn đại biểu Việt Nam về nước trước, Bác ở lại một thời gian ở Pháp để cùng với Marius Moutet, đại diện Chính phủ Pháp dự thảo và ký bản Tạm ước với hy vọng cứu vãn được hòa bình. Ngày 19-9 Bác đã lên tầu biển ở Cảng Toulon trở về nước. Khi tầu cập bến Cảng Port-Said Bác đã gửi gia đình ông Aubrac bức thư thăm hỏi và cảm ơn.
Trong thời gian khoảng một chục năm ở Pháp, tôi đã có dịp gặp ông bà Aubrac nhiều lần, và cách đây ít lâu tôi lại có dịp gặp ông. Ông đến ăn cơm với chúng tôi một mình, không có bà đi theo như thường lệ. Tôi đã mời ông cùng đi xe về nhà sớm để chăm sóc vợ bị liệt không đi lại được. Hôm ấy ông nhắc lại những chuyện cũ mà lòng se lại. Ông nói ngôi nhà Bác Hồ ở nay không còn của ông nữa, sau khi các con ông đã trưởng thành, mỗi người đi ở một nơi, chỉ còn lại hai ông bà già nên ông đã bán ngôi nhà đó đi và mua một căn hộ nhỏ ở 18 rue de la Glaciere - Quận 13 - Paris để hai vợ chồng ở. Ông lấy ra một cuốn sách mà ông nói là cuốn sách cuối cùng mà ông còn giữ lại: “Raymond Aubrac - Những gì đáng nhớ”. Và ông cầm bút viết: “Thân tặng ông Trịnh Ngọc Thái cuốn “Những gì đáng nhớ”. Trong những kỷ niệm này của một kỹ sư công chính. Ông Đại sứ sẽ thấy những dấu ấn của sự gắn bó bền vững với đất nước của Ông - Ký tên Raymond Aubrac”.
Trịnh Ngọc Thái
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.