Bà tôi ít học, chỉ biết đọc, biết viết. Nhìn bà viết mà tôi cứ buồn cười: vất vả, nặng nhọc và hình như còn có cả một điều gì đó thiêng liêng, hệ sự lắm…
Bà nhíu mày, mắm môi, tay chân lóng ngóng, xoay người, vuốt giấy, rồi ngắm nghía cây bút… mãi rồi mới nắn nót được có ba chữ to nghều ngoào: Nguyễn Thị Hoa - tên bà tôi. Bà nội tôi năm nay đã 79 tuổi. Bà bảo, cả tuổi thơ chỉ có đi ở, chăn trâu, cắt cỏ, xay thóc, bế em cho nhà chủ thôi…
Bà hay lặng nhìn tôi học với cái nhìn là lạ, khó tả. Bà không làm được bài toán lớp 2, nhưng bà tính nhẩm rất cừ. Tôi hay tranh thủ hỏi rồi nhờ bà tính mỗi khi làm bài tập toán. Bà làm nhanh như máy tính, mà chẳng sai bao giờ. Bà còn thuộc rất nhiều ca dao, cổ tích nữa. Chỉ nhìn thôi, bà có thể biết tôi đã làm đủ bài tập chưa và có được điểm tốt không. Bà chỉ cần sờ tay vào cuốn sách, là có thể phán: "Sách quý lắm… Sách hay đấy…", và không bao giờ sai! Bà đã bảo hay, là nhất định cuốn đó sẽ rất hay.
Khi tôi được đi thi chữ đẹp của quận, bà vui lắm. Bà nhặt những tờ giấy luỵện chữ của tôi vo viên trong thùng giấy vụn, vuốt ve cho phẳng phiu, rồi ngắm mãi từng dòng chữ. Tôi chun mũi tự hào: "Con viết thế nào hả bà, đẹp không ạ?". Bà im lặng, không nói. Tôi ngẩng lên thì thấy mắt bà rưng rưng. Bàn tay bà run run sờ nắn vuốt ve bàn tay tôi, cứ như là bà đang ngắm nhìn, nâng niu một cái gì đó quý giá, kỳ diệu và linh thiêng lắm… Thế mà, tôi đi thi lại chỉ được giải khuyến khích. Tôi buồn và xấu hổ, gục vào lòng bà khóc tức tưởi. Bà lại xoa tay tôi dỗ dành, nựng nịu: "Con hơn bà là nhà có phúc… Nín nào!". Tôi nghe mà cảm thấy trong lòng thật ấm áp và nỗi buồn dường như tan biến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.