Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ba lê đỉnh cao từ tình yêu nghệ thuật

Đỗ Thu| 25/10/2010 07:07

(HNM) - Trong hai ngày cuối tuần qua, công chúng Thủ đô đã được thưởng thức vở

Cảnh trong vở Don Quixote. Ảnh: Lâm Thu


"Don Quixote" dựa theo tác phẩm cùng tên nổi tiếng của nhà văn Cervantec, được biên đạo múa Marius Petipa dàn dựng thành múa ba lê năm 1871. Cùng với "Hồ thiên nga", tác phẩm này luôn được coi là chuẩn mực, đỉnh cao của nghệ thuật ba lê trên toàn thế giới. Không kể lể chi tiết theo đúng diễn tiến của cuốn tiểu thuyết lừng danh nhất thời kì Phục hưng này, biên đạo múa ThS Nguyễn Thị Tuyết Minh chỉ đưa những tình huống đặc trưng để diễn tả, làm nổi bật tính cách trượng nghĩa một cách ảo tưởng của Don Quixote. Nội dung tác phẩm cũng được thay đổi chút ít. Thay vì Don Quixote phải chết do mệt mỏi vì đánh nhau với cối xay gió hay những cuộc phiêu lưu nực cười, thì phần kết của vở múa, Don Quixote cùng người đầy tớ lại tiếp tục lên đường trừ gian diệt ác như ảo tưởng của vị quý tộc nghèo này.

Với 8 màn, 4 cảnh, dàn diễn viên lên tới 60 người, Don Quixote của Việt Nam thực sự tráng lệ. Suốt 120 phút của vở diễn, khán giả được đắm mình trong âm nhạc, vũ đạo lãng mạn, bay bổng, đặc biệt kỹ thuật múa đôi ngặt nghèo của nghệ thuật ba lê được thực hiện khá tốt. Mọi người đều hào hứng dõi theo từng tình huống và vỗ tay không dứt khi mỗi màn khép lại. Nhiều khán giả đã lên sân khấu chúc mừng Discovery. Nước mắt cảm động đã rơi trên nhiều gương mặt những người nghệ sĩ.

Để có được 120 phút thành công đó, Đoàn vũ kịch Khám Phá đã phải tập luyện liên tục trong 4 tháng. Diễn viên đến từ những đơn vị khác nhau được kết nối bằng tình yêu dành cho nghệ thuật múa cũng như mong ước thực hiện những tác phẩm múa có chất lượng. Mỗi khi tập trung nhau lại, họ cùng "cháy" hết mình cho tình yêu nghệ thuật. Chỉ bằng cách đó mà Đoàn dựng được nhiều vở múa lớn ở nhiều thể loại như "Quan Âm - Thị Kính", "Carmen", "Chiến thắng mùa hoa đào", "Bên trong bên ngoài". Khi dựng "Don Quixote", ThS Nguyễn Thị Tuyết Minh, Trưởng đoàn đồng thời cũng là người dàn dựng, đã bỏ tiền túi để được thực hiện ước mơ. "Hoàng tử ba lê" Cao Chí Thành, diễn viên đóng vai Basilio đã góp nhiều công sức cho vở diễn, các vũ công, sinh viên tham gia cũng vậy. Đạo cụ biểu diễn từ phông nền đến mô hình cối xay gió… đều do anh em tự thiết kế và làm. Một số lượng lớn vé được dành tặng cho sinh viên các trường múa ở Hà Nội vì "chúng tôi muốn để cho các em thấy những gì đã và đang học vẫn sẽ được dùng, để các em tin yêu hơn với múa", ThS Nguyễn Thị Tuyết Minh chia sẻ.

Ba lê là môn nghệ thuật hàn lâm ít được đưa đến công chúng. Mỗi năm kể cả Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam cũng chỉ dựng được 1 tới 2 vở ba lê cổ điển đưa lên sân khấu. Thế mới thấy, việc làm của Đoàn vũ kịch Khám Phá đáng trân trọng biết bao.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ba lê đỉnh cao từ tình yêu nghệ thuật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.