(HNM) - Bộ LĐ-TB&XH vừa tiếp tục đưa ra hai phương án điều chỉnh lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2013 trong các loại hình doanh nghiệp để trình Chính phủ. Phương án thứ nhất cho 4 vùng là 2,7 triệu đồng/tháng, 2,4 triệu đồng/tháng, 2,13 triệu đồng/tháng, 1,93 triệu đồng/người/tháng.
Phương án hai là 2,5 triệu đồng/tháng, 2,25 triệu đồng/tháng, 1,95 triệu đồng/tháng, 1,8 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, sau 3 lần lấy ý kiến của các cơ quan đại diện cho doanh nghiệp và người lao động, có rất nhiều ý kiến trái chiều nên Bộ LĐ-TB&XH cũng chưa chọn được phương án hợp lý.
Điều chỉnh lương tối thiểu cần có phương án và lộ trình cụ thể nhằm phù hợp với tình hình thực tế SXKD của các doanh nghiệp. Ảnh: Hồ Như
Đại diện cho các doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc điều chỉnh LTT theo lộ trình cải cách tiền lương là cần thiết, nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc tăng LTT sẽ khiến nhiều DN rơi vào thế khó, thậm chí có thể phá sản, tác động xấu tới đời sống, an sinh xã hội. Theo VCCI, ở nhiều nước trên thế giới, việc điều chỉnh LTT gắn với hiệu quả sản xuất, kinh doanh của một số ngành kinh tế chủ chốt. Vì vậy, khi điều chỉnh LTT cần sự chia sẻ khó khăn giữa doanh nghiệp và người lao động rồi mới đề ra phương án điều chỉnh lương hằng năm. VCCI cho rằng, nên lùi thời điểm điều chỉnh LTT vùng muộn hơn so với phương án tăng vào tháng 1-2013 như lộ trình đề ra. Đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐ VN) lại cho rằng, điều chỉnh LTT vùng chỉ ảnh hưởng đến việc tăng chi phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của nhóm lao động giản đơn nên không ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp. Bởi theo khảo sát thực tế của Tổng LĐLĐ VN thì có nhiều doanh nghiệp đã trả mức lương thực cao hơn LTT (khoảng 3-3,5 triệu đồng/tháng) bằng các hình thức như phụ cấp, trợ cấp bổ sung. Tuy vậy mức thu nhập đó mới chỉ đáp ứng 60% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Vì vậy, Tổng LĐLĐ VN đề xuất áp dụng phương án thứ nhất.
Là cơ quan đề xuất điều chỉnh LTT, Bộ LĐ-TB&XH cho biết đây là lần thứ 3 bộ tổ chức lấy ý kiến đại diện doanh nghiệp và người lao động nhưng vẫn chưa ngã ngũ phương án nào. Sở dĩ đưa ra hai phương án là do bộ đã tiến hành nghiên cứu việc trả lương tại 1.700 doanh nghiệp. Kết quả cho thấy có tới 94% doanh nghiệp đã áp dụng LTT bằng hoặc cao hơn quy định của Nhà nước. Hơn nữa, dự kiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm sẽ tăng khoảng 7-8% nên việc tăng LTT là rất cần thiết. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân, thì phương án hai phù hợp hơn với tình hình thực tế sản xuất, kinh doanh khó khăn, ít tác động đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Song theo lộ trình điều chỉnh LTT vùng đã trình Hội nghị Trung ương 5 thì phương án một mới phù hợp dù nhược điểm là mức điều chỉnh cao, ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp, ít nhất là trong giai đoạn khó khăn này.
Ông Phạm Minh Huân cho biết thêm, Bộ luật Lao động sửa đổi có hiệu lực từ năm 2013 với tiêu chí LTT phải bảo đảm ít nhất lương của mỗi CB, CNVC, NLĐ đủ nuôi một người con. Và đến năm 2015 Việt Nam phải đạt được mục tiêu đó. Vì vậy, dù khó khăn nhưng bộ vẫn phải cân nhắc chọn ra phương án cuối cùng. Dự kiến tháng 1-2013 sẽ thực hiện điều chỉnh LTT, tuy nhiên bộ sẽ căn cứ vào tình hình các tháng cuối năm các doanh nghiệp có đủ khả năng áp dụng hay không, nên rất có thể sẽ lùi thời gian thực hiện tăng LTT vùng từ 3 đến 6 tháng để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.