Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bà Điểm- vùng đất cách mạng

ANHTHU| 23/11/2005 08:35

Bà Điểm (Hóc Môn, TP HCM) không chỉ là quê hương của 18 thôn vườn trầu nổi tiếng mà còn là vùng đất cách mạng kiên trung. Bởi Bà Điểm đã gắn liền với bao nhiêu huyền thoại về những người mẹ, các chiến sĩ anh hùng của vùng đất quê hương Nam Kỳ khởi nghĩa sẵn sàng hy sinh để bảo vệ quê hương, bảo vệ vườn trầu.

Bà Điểm (Hóc Môn, TP HCM) không chỉ là quê hương của 18 thôn vườn trầu nổi tiếng mà còn là vùng đất cách mạng kiên trung. Bởi Bà Điểm đã gắn liền với bao nhiêu huyền thoại về những người mẹ, các chiến sĩ anh hùng của vùng đất quê hương Nam Kỳ khởi nghĩa sẵn sàng hy sinh để bảo vệ quê hương, bảo vệ vườn trầu. Trên mảnh “đất trầu” này 65 năm trước là những chiếc hầm bí mật, nuôi dưỡng, che giấu các chiến sĩ cách mạng, là nơi Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ họp quyết định khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 23-11-1940. Từ đó Bà Điểm - 18 thôn vườn trầu trở thành một địa danh bất tử trong lòng mỗi người dân Việt Nam.

Những năm (1936-1939) vùng “đất trầu” này đã được Trung ương Đảng tin tưởng chọn làm nơi khơi dậy phong trào cách mạng. Trong thời gian ấy, nơi đây đã diễn ra 4 cuộc hội nghị quan trọng của Trung ương Đảng để gây dựng phong trào cách mạng, chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Tại hội nghị lần thứ 6 (ngày 6 đến 8-11-1939) dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, hội nghị đã xác định mục tiêu của cách mạng Đông Dương là: “Đánh đổ đế quốc Pháp, chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc”. Do đó, từ ngày 21 đến 23-11-1940 cuộc họp bất thường của Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ đã quyết định đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Sau khi có lệnh khởi nghĩa, cùng với các địa phương khác, người dân Bà Điểm đã đứng lên đánh tan rã chính quyền tay sai của thực dân Pháp, tấn công đánh chiếm các đồn bốt của địch... Nhiều người con “đất trầu” vĩnh viễn ra đi trong cuộc khởi nghĩa này như: Bùi Văn Thủ, Bùi Văn Ngữ, Lê Văn Khương... nhưng mảnh đất Bà Điểm luôn là miền đất lành cho những người chiến sĩ cách mạng. Cụ Phan Văn Châu (ngụ ở ấp Tây Lân) đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn nhớ như in nhiều kỷ niệm gắn liền với các đồng chí lãnh đạo cách mạng lúc bây giờ như: bộ veston của đồng chí Hà Huy Tập, hay bộ đồ bà ba đen của đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Thị Minh Khai... vẫn mặc hàng ngày làm việc trong ngôi nhà của cụ mà chẳng bọn Tây nào phát hiện được.

“Lúc đó tôi còn nhỏ, chỉ làm nhiệm vụ giao liên và dẫn đường cho mấy bác mỗi khi có nhu cầu đi ra ngoài. Cứ mỗi lần dẫn đường tôi phải đi cách xa mấy bác chừng 50 đến 60m, khi đến đoạn cua thì dừng lại để mấy bác nhìn thấy đi theo, bí mật lắm !”, cụ tâm sự. Mảnh đất Bà Điểm đã bị thực dân Pháp liệt vào “địa chỉ đỏ” sau cuộc khởi nghĩa Phan Công Hớn (1885), người con của “đất trầu” đã đốt cháy Dinh quận, bêu đầu đô đốc phủ Trần Tư Ca. Chính vì thế, những “bước đi và hơi thở” của người dân Bà Điểm đều bị thực dân Pháp soi rất kỹ, nên hầu hết những gia đình nuôi dưỡng, che giấu các chiến sĩ cách mạng phải thực hiện phương châm: “Tay trong, tay ngoài”. ở đây có gia đình cụ Trần Văn Huy (ấp Tây Lân), một gia đình nuôi dưỡng, che giấu nhiều đồng chí cách mạng như: Lê Hồng Phong, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Văn Cừ... và là địa chỉ diễn ra hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Cụ là thầy thuốc nam, thường xuyên bắt mạch, bốc thuốc cho bệnh nhân, nên có nhiều người ra vào vì thế bọn Tây rất khó phát hiện được. Đặc biệt, gia đình cụ còn là tầng lớp thượng lưu, thường xuyên giao du với bọn Tây, khi chúng nhờ điều gì cụ cũng cố gắng đáp ứng nên rất được lòng bọn chúng. Chấp nhận sự mất mát, hy sinh vẫn một lòng kiên trung đi theo Đảng, theo Bác Hồ, người dân Bà Điểm anh hùng đã làm tô đậm thêm trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Tiếp nối truyền thống Nam Kỳ khởi nghĩa, bao thế hệ người con “đất trầu” đã xả thân cho Tổ quốc qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ với trên 500 liệt sĩ, hàng trăm thương binh, bệnh binh và gia đình có công cách mạng. Ngày nay đi dọc theo những con đường chính: hương lộ 70, 80, quốc lộ 22... của xã Bà Điểm anh hùng, chúng ta không còn thấy những hàng cau soi bóng bên những vườn trầu như trước nữa mà thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát. Tốc độ đô thị hóa của Bà Điểm đang chuyển mình nhanh chóng, hoạt động dịch vụ, thương mại đang trên đà phát triển, đời sống của người dân được nâng lên đáng kể, tất cả trẻ em đến độ tuổi đều được đến trường. Đất trầu ngày nào giờ đây đã và đang đổi mới từng ngày.

HNM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bà Điểm- vùng đất cách mạng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.